Cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình của ông Lê Viết Hải khi nào dừng lao dốc?

“Ông lớn” Xây dựng Hoà Bình (HoSE: HBC) vừa thông qua chủ trương huy động 50 triệu USD từ trái phiếu chuyển đổi cho mục đích thanh toán nợ ngắn hạn, bổ sung vốn lưu động cuối năm và đầu tư vào các dự án nước ngoài, trong bối cảnh thị giá cổ phiếu của tập đoàn này liên tục giảm sâu, về vùng đáy giao dịch trong vòng 3 năm trở lại đây...

Cổ phiếu HBC của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình sau khi lập đỉnh vào ngày 1/7/2017 với giá 35.000 đồng/CP, hiện tại chỉ đang được giao dịch quanh mức 13.700 đồng/CP - mức đáy giao dịch trong vòng 3 năm gần đây.

Nguyên nhân chính khiến cổ phiếu HBC giảm sâu, có thể bắt nguồn từ lợi nhuận ròng lao dốc mạnh từ mức 860 tỷ đồng năm 2017 xuống 620 tỷ đồng năm 2018. Còn trong 6 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận sau thuế của công ty này cũng giảm tới 42% so với nửa đầu năm 2018, chỉ đạt 172 tỷ đồng.

Nợ nghìn tỷ treo lơ lửng

Tất nhiên, ngoài yếu tố lợi nhuận ròng lao dốc, một số nguyên nhân khác không thể không kể đến, đã góp phần kéo theo đà suy giảm “không phanh” của cổ phiếu HBC.

Trên BCTC hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2019 của Xây dựng Hòa Bình thể hiện, tổng tài sản tính đến 30/6/2019 đạt 15.928 tỷ đồng, tăng nhẹ 28 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Tổng nợ phải trả giảm 624 tỷ đồng, còn 12.352 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn lên tới hơn 11,6 ngàn tỷ đồng (người mua trả tiền trước là hơn 2 ngàn tỷ đồng). Riêng vay nợ thuê tài chính ngắn hạn là hơn 4.203 tỷ đồng và vay nợ thuê tài chính dài hạn hơn 277 tỷ đồng - chủ yếu là các khoản vay từ ngân hàng.

Nhìn vào những chỉ tiêu trên, có thể thấy tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản của HBC đang ở mức rất cao, hơn 80%.

Một yếu tố khác, không kém phần quan trọng là lợi nhuận biên của HBC đang giảm khá mạnh. Cụ thể, lợi nhuận gộp biên (lợi nhuận gộp so với doanh thu) quý 2 chỉ đạt 5,77%, còn xét trong sáu tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 7,17%. Đây là mức thấp hơn nhiều so với mức 9,22% của năm 2018 và 10,51% của năm 2017.

Cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình của ông Lê Viết Hải khi nào dừng lao dốc? - Ảnh 1

Hiện giá cổ phiếu HBC chỉ đạt 13.700 đồng/CP

Tình trạng thanh khoản của Hòa Bình cũng có nhiều rủi ro là dòng tiền tự hoạt động kinh doanh liên tục âm trong những năm qua. Cụ thể, năm 2017, dòng tiền hoạt động kinh doanh âm hơn 1.000 tỷ đồng, năm 2018 âm 192 tỷ đồng, và sáu tháng đầu năm 2019 âm 591 tỷ đồng.

Để bù lại việc thiếu hụt dòng tiền cho kinh doanh, Hòa Bình đã phải liên tục vay thêm nợ và huy động vốn từ cổ đông. Mới đây nhất, HBC đã thông qua chủ trương thực hiện phương án huy động 50 triệu USD (gần 1,2 ngàn tỷ đồng) từ trái phiếu chuyển đổi cho mục đích thanh toán nợ ngắn hạn, bổ sung vốn lưu động cuối năm và đầu tư vào các dự án nước ngoài. Tất nhiên, việc huy động này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố nhưng có lẽ sẽ rất khó khăn với HBC khi đang có một tình trạng sức khỏe tài chính không mấy lạc quan.

Nhà đầu tư “dè chừng” 

Có thể nói, một vài năm trở lại đây, góc nhìn của giới đầu bắt đầu dè chừng đối với HBC ở các khoản phải thu lớn gần 3 lần so với vốn chủ sở hữu, lợi nhuận suy giảm, dòng tiền lưu động âm… Điều này đã phần nào phản ánh vào giá cổ phiếu HBC khi mã chứng khoán này liên tục giảm giá từ đầu năm đến nay và hiện đang giao dịch quanh mức 13.700 đồng/CP, thấp hơn giá trị sổ sách và giảm hơn 65% so với mức đỉnh điểm cách đây gần hai năm.

Cụ thể, trong năm 2018 doanh thu đạt 18 ngàn tỷ đồng song trong đó có hơn 11,2 ngàn tỷ đồng là khoản phải thu (11.244 tỷ đồng; chiếm 70% tổng tài sản). Mặc dù chỉ tiêu này không có nghĩa là doanh nghiệp này hoạt động không tốt nhưng rõ ràng đây là một chỉ tiêu mà nhà đầu tư nên chú ý. Bởi lẽ, một doanh nghiệp như HBC mà có khoản phải thu vượt quá 30% doanh thu, thậm chí gấp nhiều lần mức vốn chủ sở hữu (3.024 tỷ đồng), thì chắc chắn sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt về tính thanh khoản.

Đặc biệt, trong khoản phải thu kể trên có tới 5.526 tỷ đồng là khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng. Đây chính là số tiền mà khách hàng nợ Hòa Bình sau khi đã thực hiện hợp đồng. Điều này đồng nghĩa với với việc rất nhiều khách hàng của Hòa Bình không thanh toán đúng tiến độ đã cam kết trong hợp đồng xây dựng.

Chưa kể, Hòa Bình còn có tới 4.743 tỷ đồng khoản phải thu từ tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng. Đây là những khoản nợ của những công trình đang thi công. Mặc dù khoản nợ này đang đúng với tiến độ hợp đồng nhưng nó vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong bối cảnh không ít công trình xây dựng đang bị ngưng trệ.

Ngoài ra, nếu quan sát ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) 3 năm gần nhất (2016 - 2018) của HBC, lần lượt là 31%, 35% và 22%. Nếu chỉ nhìn vào đây, chắc hẵn nhiều người sẽ nghĩ rằng Hòa Bình đang kinh doanh rất tốt vì mỗi 10 đồng vốn bỏ ra, hàng năm công ty thu về 3 đồng lãi. Và thật sự là rủi ro nếu như ai nhìn chỉ vào đây mà chọn HBC để đầu tư.

Trên thực tế, nếu quan sát thêm khoản nợ vay phải trả lãi phía trên ROE, có thể thấy HBC vay nợ (ngắn hạn + dài hạn) tại cuối năm 2018 là 4.341 tỷ đồng. Và nếu tính luôn phần nợ này vào, tỷ suất sinh lợi trên vốn đầu tư ROIC của HBC trong 3 năm gần nhất chỉ là 11,4%, 12,1% và 8,7%. Thấp hơn rất nhiều con số ROE như HBC công bố.

Và từ 2015 trở về trước, con số này còn thấp tệ hơn nữa chỉ khoảng 5%. Điều đó chứng minh HBC có một cơ cấu tài chính chưa thật sự vững vàng, và điều này sẽ làm rủi ro gia tăng rất nhiều trong đầu tư…

Theo Quốc Hải/ Báo Dân việt

Tin liên quan