Cơ sở nào cho kịch bản VN-Index tăng lên mức 1.756 điểm?

Chứng khoán Rồng Việt vừa đưa ra dự báo lạc quan khi kỳ vọng VN-Index có thể đạt với 1.756 điểm trong 6-8 tháng tới.

Theo dự báo mới nhất của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) về triển vọng thị trường trong nửa cuối năm 2025, chỉ số VN-Index có thể hướng đến vùng 1.513 – 1.756 điểm trong vòng 6 - 8 tháng tới, tương đương mức tăng 6%–23% so với mức đóng cửa ngày 9/7/2025.

Dự báo này dựa trên giả định rằng hệ số P/E mục tiêu sẽ dao động trong khoảng 13,3 lần đến 14,7 lần. Đây được xem là một trong những kịch bản lạc quan nhất tại thời điểm hiện tại.

Khi thị trường bước vào giai đoạn nửa cuối năm, các tổ chức phân tích đã cập nhật dự báo dựa trên số liệu thực tế của 6 tháng đầu năm, với các kịch bản ngày càng sát với diễn biến thị trường. Những con số được đưa ra bao gồm cả triển vọng tích cực lẫn thận trọng. Tuy nhiên, ngay cả với các tổ chức quốc tế như JPMorgan, mức dự báo cao nhất trong kịch bản lạc quan cũng chỉ dừng lại ở mốc 1.600 điểm cho VN-Index.

Vậy đâu là cơ sở để VDSC đặt kỳ vọng đầy tham vọng như vậy cho VN-Index?

(Ảnh minh hoạ)
(Ảnh minh hoạ)

“Theo phương pháp tiếp cận top-down, kết hợp các yếu tố như tăng trưởng GDP, tín dụng, vòng quay tài sản và biên lợi nhuận, EPS 2025 được ước tính tăng 15,3% so với cùng kỳ, đạt 113,8 đồng. Dựa trên mẫu danh sách cổ phiếu phân tích của chúng tôi, tăng trưởng EPS trung bình được ước đạt 16,5%. Ngoài ra, theo phương pháp tiếp cận “bottom-up” từ dữ liệu tổng hợp từng doanh nghiệp, chúng tôi ước tính tăng trưởng EPS toàn thị trường có thể đạt 21,6% trong năm 2025”, chuyên gia của VDSC cho biết.

Phân tích kĩ hơn ở góc nhìn top-down, công ty chứng khoán này cho rằng tác động trực tiếp từ thuế quan lên tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025 sẽ không quá lớn, do môi trường vĩ mô đang được điều hành theo hướng giảm thiểu bất định, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Bối cảnh toàn cầu đang chứng kiến xu hướng các quốc gia tăng cường khai thác nội lực, kết hợp chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Việt Nam cũng không nằm ngoài quỹ đạo này: điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, giữ lãi suất ở mức thấp, đồng thời đẩy mạnh vai trò khu vực tư nhân trong thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng.

“Với bức tranh đó, chúng tôi tin rằng các nhóm ngành như ngân hàng, bất động sản, phi tài chính phục vụ thị trường nội địa (trong bối cảnh nhóm xuất nhập khẩu chỉ đóng góp khoảng 3% vào tổng lợi nhuận thị trường) sẽ tiếp tục là trụ đỡ tăng trưởng lợi nhuận thị trường trong phần còn lại của năm 2025. Dựa trên mô hình đánh giá tương quan giữa các yếu tố như tăng trưởng GDP, tín dụng, vòng quay tài sản và biên lợi nhuận, EPS 2025 được ước tính tăng trưởng khoảng 15,3% so với cùng kỳ”, VDSC nhận định.

Ở góc nhìn bottom-up, trong bức tranh tăng trưởng lợi nhuận năm 2025, ngân hàng, tiện ích, bất động sản và nguyên vật liệu là 4 nhóm ngành nổi bật nhất theo VDSC. Ngành ngân hàng đóng vai trò trụ cột với mức đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn thị trường, nhờ kỳ vọng nới lỏng tín dụng và giảm chi phí dự phòng.

Nhóm tiện ích ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ khi biên lợi nhuận cải thiện rõ rệt từ nền thấp, đặc biệt là mảng điện nhờ điều kiện thủy văn và chính sách huy động của EVN thuận lợi hơn.

Bất động sản được kỳ vọng tăng trưởng mạnh nhờ hoạt động bàn giao dự án và cho thuê khu công nghiệp phục hồi, cùng với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài quay trở lại. Trong khi đó, nhóm nguyên vật liệu dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận nhờ nhu cầu hồi phục và xu hướng tích cực của giá hàng hóa. Theo VDSC, đây là những nhóm ngành đóng vai trò dẫn dắt xu hướng hồi phục lợi nhuận toàn thị trường trong năm tới.

Thống kê từ Bloomberg, EPS của VN-Index năm 2025 được tổng hợp theo phương pháp “bottom-up” cho thấy kỳ vọng tăng trưởng khoảng 21% so với cùng kỳ, tương đương đạt mức 120 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, dữ liệu dự báo EPS năm nay có xu hướng ổn định hơn so với các năm trước, dù vẫn tồn tại một số yếu tố bất định về môi trường kinh tế toàn cầu như rủi ro từ chính sách thuế quan.

VDSC điều chỉnh vùng P/E mục tiêu cho VN-Index trong 6–8 tháng tới lên mức rộng hơn, từ 13,5 – 14,5 lên 13,3 – 14,7 so với kịch bản đưa ra từ đầu năm, nhằm phản ánh các yếu tố hỗ trợ và rủi ro mới xuất hiện. Các yếu tố hỗ trợ chính bao gồm chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng, được điều hành chủ động và linh hoạt, giúp duy trì mặt bằng lãi suất thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh khoản thị trường chứng khoán và xu hướng dòng vốn đón đầu câu chuyện nâng hạng thị trường.

Theo đó, Việt Nam đang tiến gần tới việc được FTSE công nhận đủ điều kiện nâng hạng lên “Thị trường mới nổi thứ cấp” trong kỳ đánh giá tháng 9/2025 – yếu tố có thể thu hút mạnh dòng vốn ngoại.  

Từ đầu tháng 7 đến nay, VN-Index đã trải qua chuỗi 7 phiên tăng điểm liên tiếp, đưa chỉ số vượt mốc 1.400 và tiến gần vùng 1.500 điểm. Mặc dù có sự điều chỉnh nhẹ trong phiên giao dịch ngày 15/7, nhưng ngay sau đó, phiên 16/7 đã ghi nhận sự phục hồi, cho thấy xu hướng tăng vẫn chiếm ưu thế.

Theo giới phân tích, xu hướng tăng điểm (uptrend) của thị trường hiện tại rất khó bị phá vỡ, và những nhịp rung lắc nhỏ chỉ đóng vai trò như bước đệm cho đà tăng tiếp theo. Dù dự báo của VDSC tỏ ra lạc quan hơn so với phần lớn các tổ chức phân tích khác, không ít nhà đầu tư cũng âm thầm kỳ vọng VN-Index có thể chạm tới ngưỡng 1.700 điểm.

Hải Đường

Theo Vietnamfinance