Con đèo hiểm trở nhất Việt Nam sẽ thành không gian đô thị, du lịch sinh thái đạt chuẩn quốc tế
Hiện nay, cung đường đèo này là điểm dừng chân thu hút đông đảo du khách, là cửa ngõ trên con đường di sản miền Trung.
Đà Nẵng vừa công bố đồ án quy hoạch phân khu sinh thái phía Tây, gồm toàn bộ vùng núi phía Bắc và phía Tây thành phố từ dãy núi Bạch Mã Hải Vân (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) qua các xã Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Ninh, Hòa Phú đến Hòa Khương (huyện Hòa Vang), tổng diện tích khoảng 57.692ha.
Trọng tâm của phân khu sinh thái phía Tây là khu vực phường Hòa Hiệp Bắc, diện tích 3.819ha, với chức năng chính là đô thị du lịch, hài hòa giữa mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường thiên nhiên trong điều kiện đô thị hóa. Đây cũng là cơ sở, tiền đề để hoàn chỉnh các đại dự án, công trình động lực, trọng điểm như cảng Liên Chiểu, Làng Vân, các dự án khu vực đèo Hải Vân, góp phần đưa TP. Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm du lịch trọng điểm quốc gia, ngang tầm khu vực và quốc tế.
Theo quy hoạch, Làng Vân là khu vực bằng phẳng nhất, không gian nhìn ra phía mặt biển, do đó, các hoạt động du lịch được quy hoạch đưa lên phần đồi núi phía trên, tạo nên các hoạt động du lịch dã ngoại nhìn ra khoảng không gian mặt biển phía trước. Đưa không gian ở kết hợp với nghỉ dưỡng du lịch ra phía trước, tiếp giáp với mặt biển sẽ tạo nên không gian ở tốt hơn, không bị ảnh hưởng bởi các hoạt động ra vào của tàu thuyền cảng Liên Chiểu.
Về định hướng phát triển không gian, tổ chức không gian hài hòa gắn kết với cảnh quan tự nhiên núi - rừng - biển của khu vực đèo Hải Vân, hướng ra không gian biển Đông. Xác định điểm nhấn chính là khu phức hợp du lịch và đô thị nghỉ dưỡng Làng Vân và cung đường đèo Hải Vân.
Nằm vắt ngang qua dãy Bạch Mã hùng vĩ, đèo Hải Vân dài khoảng 20km. Với độ cao gần 500m so với mực nước biển, đèo Hải Vân nổi tiếng là đường đèo đẹp nhất và cũng hiểm trở nhất Việt Nam. Cùng với Di tích quốc gia Hải Vân quan, nơi đây là điểm dừng chân thu hút đông đảo du khách, là cửa ngõ trên con đường di sản miền Trung, cùng với hệ thống suối như suối Lương, suối Gò Cốc đổ ra sông Cu Đê và vịnh Đà Nẵng. Dọc vịnh và đèo Hải Vân còn có các bãi cát, bãi đá như bãi Mà Đa, Sủng Cỏ, bãi Sam, bãi Xứng…
Do đó, khu vực đất lâm nghiệp (3 loại rừng) được quy hoạch giữ nguyên hiện trạng, đề cao công tác bảo tồn, gìn giữ đất rừng kết hợp với phát triển bền vững. Riêng khu vực rừng sản xuất thuộc đất lâm nghiệp có thể xem xét cho phép các hoạt động ít ảnh hưởng tới môi trường sinh thái như các tour du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái…
Quy hoạch phân khu sinh thái phía Tây cũng xác định phát triển đô thị ở khu dân cư hiện trạng, đất nông nghiệp địa hình thấp, độ dốc nhỏ (dọc suối Lương); bố trí du lịch sinh thái kết hợp ở, nghỉ dưỡng ở khu Đông Nam có đồi núi dốc trung bình. Khu vực độ dốc cao bố trí các khu vực du lịch sinh thái (chủ yếu phía Bắc, phía Tây đường tránh Nam Hải Vân).
Với tính chất quy hoạch là phân khu sinh thái, phát triển hạn chế dựa trên đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên nhằm đảm bảo phát triển bền vững, vì vậy quy hoạch khu vực này để phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch cộng đồng, khám phá mạo hiểm, sinh thái kết hợp ở có mật độ lưu trú thấp gắn với bảo tồn thiên nhiên. Quy hoạch cũng nêu rõ những hạng mục cần ưu tiên nguồn lực đầu tư như dự án Làng Vân, các dự án du lịch, văn hóa và di sản, tuyến thoát nước chính suối Lương.