Cơn lốc tiền ảo: Niềm tin quyết định giá trị?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, giá các đồng tiền ảo lên xuống là câu chuyện của niềm tin, niềm tin tăng, đầu tư nhiều thì giá tiền ảo tăng vọt.
Theo Coindesk, giá đồng Dogecoin đã tăng 67,99% lên 0,054 USD. Đồng tiền ảo này tăng giá hơn 60% trong ngày 4/2 sau khi tỷ phú Elon Musk có dòng đăng tải về tiền ảo này trên trang Twitter cá nhân.
Đồng Ethereum cũng chứng kiến giá trị tăng vọt khi các nhà đầu tư đổ xô mua trước thông tin hợp đồng tương lai Ethereum sẽ bắt đầu được giao dịch trên Sàn hàng hóa Chicago vào tuần tới. Giá Ethereum đã tăng lên mức kỷ lục 1.698,56 trước khi giảm nhẹ.
Trước đó, trong suốt 7 ngày, đồng Bitcoin cũng thực hiện một chuỗi đi lên, đỉnh điểm là sự gia tăng ngày 6/2, đồng tiền ảo này đạt 40.538,66 USD trước khi giảm trở lại mức 40.272,56 USD, tiến sát mức giá cao nhất mọi thời đại là 41,962,36 USD được thiết lập vào ngày 8/1.
Đáng lưu ý, những dòng thông báo trên Twitter của Elon Musk đã góp phần đẩy nhanh giá Bitcoin. Sau khi ông chủ Tesla đổi dòng tự mô tả trên Twitter thành '#Bitcoin' hôm 29/1, giá đồng tiền mã hóa này tăng dựng đứng từ ngưỡng hơn 32.000 USD lên 37.000 USD/bitcoin.
Tiếp đó, ngày 1/2, Musk tiếp tục khẳng định 'Bitcoin là một khoản đầu tư tốt' ở thời điểm hiện tại. Trên nền tảng Clubhouse, ông chủ Tesla cho rằng mình 'đã đến muộn' và lẽ ra nên mua tiền mã hóa này từ 8 năm trước...
Một tấm ảnh chế liên quan đến Dogecoin được tỷ phú Elon Musk đăng tải trên Twitter khiến giá trị của đồng mã hóa này tăng hơn 60%. |
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho hay, đồng Bitcoin, Dogecoin hay các đồng tiền ảo khác tăng giá chóng mặt hay sụt giảm chính là câu chuyện của niềm tin. Khi niềm tin của người chơi đối với đồng tiền đó tăng vọt, đầu tư mua nhiều thì đồng tiền đó tăng giá. Ngược lại, khi người chơi mất lòng tin, giá đồng tiền ảo lập tức sụt giảm, thậm chí có thể về 0.
"Người chơi tiền ảo là những nhà đầu tư mạo hiểm, được ăn cả, ngã về không, sẵn sàng hy sinh đồng tiền mình bỏ ra", ông nói.
Vị chuyên gia khẳng định, Bitcoin, Dogecoin và các đồng tiền ảo khác là một loại tài sản ảo và nhà đầu tư có thể mua đi bán lại để sinh lời, hoặc có thể thông qua nhiều hình thức để chuyển hóa nó thành tiền. Quá trình này rất phức tạp, vì để chuyển hóa thành tiền được phải có người mua. Nhưng khi thị trường đang còn hoạt động, có lòng tin nhất định vào đồng tiền đó thì lập tức có người mua và tiền ảo lên giá.
"Không chính phủ nào thừa nhận hay có ý định thừa nhận những đồng tiền ảo này. Bất kỳ đồng tiền nào cũng đều gắn với một nhà nước, nhà nước là người phát hành, quản lý đồng tiền đó và có các cơ sở pháp lý để điều chỉnh đồng tiền theo mong muốn của họ.
Dĩ nhiên có những đồng tiền vượt ra khỏi khuôn khổ của một quốc gia, như đồng USD, nhưng dẫu có như thế nó vẫn phải tuân thủ chính sách và luật lệ của quốc gia đó.
Điểm quyết định ở đây chính là chính phủ các quốc gia không đồng ý cho lưu hành tiền ảo, vì họ không phát hành, không quản lý giá cả lên xuống cũng như phương thức hoạt động của nó.
Cần lưu ý việc Trung Quốc hay nhiều quốc gia khác đang nghiên cứu phát hành đồng tiền điện tử (không phải tiền ảo) là câu chuyện khác. Đối với tiền điện tử, chính phủ có quyền phát hành, điều chỉnh giá cả... của nó.
Còn ở đây, tiền ảo là đồng tiền do ai đó, không phải chính phủ, đứng ra phát hành thì không có chính phủ nào thừa nhận. Đồng tiền ấy không có giá trị thật, cũng không có hàng hóa nào đứng ra đằng sau để đảm bảo cho nó như một đồng tiền bình thường
Cho nên, khi tiền ảo đang còn tồn tại, còn có người tin thì nó hoàn toàn có thể bị thổi giá và người chơi thậm chí có thời điểm còn lời rất lớn. Nhưng khi người ta mất lòng tin vào đồng tiền ấy, bị hack... lập tức nó sụt giảm mạnh, thậm chí sụp đổ. Rõ ràng, Bitcoin, Dogecoin hay những đồng tiền ảo khác lên xuống là do cung cầu của thị trường quyết định. Một khi phụ thuộc vào cung cầu thì việc tăng giảm của những đồng tiền ảo ấy sẽ không ổn định", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích và nhấn mạnh, chính sự tăng giá chóng mặt trong một thời gian ngắn của tiền ảo dễ dẫn đến nguy cơ bong bóng và có thể vỡ bất cứ lúc nào.
Vị chuyên gia cũng cảnh báo, giao dịch tiền ảo có thể trở thành công cụ cho tội phạm rửa tiền, trốn thuế... Lý giải điều này, ông nhắc lại bản chất của tiền ảo là đồng tiền nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của các quốc gia, nhưng hoàn toàn có thể chuyển hóa dễ dàng từ nhóm người này sang nhóm người khác cùng có mong muốn thừa nhận và chấp nhận đồng tiền đó. Như vậy, họ hoàn toàn có thể chuyển tiền từ quốc gia này sang quốc gia khác...
"Khi an ninh trật tự của xã hội và của nền kinh tế bị đe dọa thì chính phủ các quốc gia phải nghiên cứu làm thế nào có thể quản lý dược những đồng tiền ảo đó. Dĩ nhiên, việc quản lý không đơn giản, dễ dàng, vì không ai xác định được thực sự có bao nhiêu đồng Bitcoin, bao nhiêu đồng Dogecoin... không ai biết nguồn gốc của nó, giá trị của nó phụ thuộc vào cái gì, vì không có hàng hóa hay cái gì khác đứng sau mà phụ thuộc vào niềm tin của các nhà đầu tư mạo hiểm trên thị trường.
Chính vì lẽ này mà nhiều chính phủ mong muốn cho ra đời một đồng tiền điện tử nhằm giảm chi phí in ấn phát hành, đảm bảo tính thông thoáng, đồng thời có cơ sở để đẩy lùi những đồng tiền ảo.
Còn các nhà đầu tư, đây là đầu tư mạo hiểm nên phải tự lo cho tài sản của mình", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.