Công bố lợi nhuận 'khủng' nhưng HDBank cũng 'đau đầu' vì rủi ro tín dụng?
9 tháng đầu năm 2020, dù lợi nhuận mang về khá đẹp mắt nhưng nợ xấu, chi phí,… của HDBank lại tăng. Liệu nhà băng này có đang phải đối mặt với bài toán về rủi ro tín dụng?
Lợi nhuận tăng mạnh giữa dịch Covid-19
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất của HDBank, tính riêng quý 3/2020, thu nhập lãi thuần hợp nhất của HDBank đạt hơn 3.021 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ. Hoạt động dịch vụ mang lại lợi nhuận tăng mạnh với hơn 328 tỷ đồng,… Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt hơn 1.906 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 4.381 tỷ đồng, tăng 27%, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 3.500 tỷ đồng, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, HDBank đã thực hiện được 103% kế hoạch lợi nhuận 9 tháng và 77,3% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Tại thời điểm ngày 30/9/2020, tổng tài sản hợp nhất đạt hơn 273.289 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm. Nợ phải trả cũng tăng 19% so với đầu năm, ghi nhận 249.404 tỷ đồng. Cho vay khách hàng đạt gần 164.463 tỷ đồng, tăng 12%. Tiền gửi của khách hàng đạt 168.443 tỷ đồng, tăng 34%.
Nhưng nợ xấu cũng tăng đột biến
Nhìn vào báo cáo tài chính, dù HDBank ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 3.500 tỷ đồng, tăng 26,6% so với cùng kỳ nhưng các khoản liên quan đến chi phí, nợ xấu, khả năng lưu chuyển tiền... lại không được ổn định, đặt dấu chấm hỏi về chất lượng tín dụng tại nhà băng này?
Về chất lượng nợ cho vay, tính đến 30/9/2020, tổng nợ xấu của HDBank tăng mạnh 51% so với đầu năm, ghi nhận 3.012 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng vọt 146%, lên mức 1.189 tỷ đồng; nợ nghi ngờ tăng 45%, ghi nhận 844 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn tăng 5%, lên mức 978 tỷ đồng. Kết quả, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 1,36% đầu năm lên 1,83%.
Nợ xấu tăng kéo theo chi phí dự phòng rủi ro của ngân hàng này tăng 28% so với cùng kỳ, ghi nhận gần 1.133 tỷ đồng.
Về dư nợ thời gian, nợ ngắn hạn lên đến hơn 91.055 tỷ đồng, tăng 15% so với hồi đầu năm; nợ trung hạn hơn 25.195 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% và nợ dài hạn là hơn 48.212 tỷ đồng, tăng 12%.
Về chất lượng sử dụng nguồn tiền của HDBank cũng gặp vấn đề khi ghi nhận nhiều con số âm. Cụ thể, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư ghi nhận âm hơn 212,8 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính âm hơn 311,9 tỷ đồng.
Ngoài ra, chi phí hoạt động ghi nhận âm hơn 4.300 tỷ đồng, tăng hơn 586 tỷ so với cùng kỳ; chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp âm hơn 881,6 tỷ đồng, tương đương tăng gần 200 tỷ đồng.
Đến cuối quý 3/2020, HDBank ghi nhận chi phí lãi và các chi phí tương tự đạt gần 8.239 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ 2019. Trong đó chỉ riêng chi phí trả lãi tiền gửi cũng tăng 10%, lên gần 6.349 tỷ đồng. Tiếp đến là chi phí trả lãi phát hành giấy tờ có giá cũng tăng vọt 54%, lên mức gần 1.417 tỷ đồng.
Được biết, HDBank đã chia cổ tức đợt 1 năm 2019 và phát hành cổ phiếu thưởng với tổng tỷ lệ 30%. Vừa qua, HDBank đã hoàn tất phân phối hơn 338 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2019 đợt 2 cho 10.239 cổ đông. Còn lại 4.251 cổ phiếu lẻ được HDBank thực hiện mua lại để tặng cho công đoàn ngân hàng.
Sau khi phát hành, vốn điều lệ của HDBank dự kiến tăng từ 12.708 tỷ đồng lên mức 16.088 tỷ đồng.