Công ty tài chính dồn dập bán vốn: Khi nội chán, ngoại thèm

Trong bối cảnh hoạt động cho vay tiêu dùng gặp khó khăn, các thương vụ mua bán công ty tài chính vẫn diễn ra sôi động. Điều này phản ánh tiềm năng của thị trường cho vay tiêu dùng và có sức hấp dẫn với nhà đầu tư ngoại.

Nhiều công ty tài chính bán vốn

Từ năm 2015 đến nay, thị trường tài chính Việt Nam chứng kiến gần chục thương vụ nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần chi phối các công ty tài chính Việt Nam. Giá trị mỗi thương vụ từ vài chục triệu USD đến hơn tỷ USD.

Gần đây nhất là thương vụ Tập đoàn Home Credit công bố chuyển nhượng 100% phần vốn góp trong Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam cho The Siam Commercial Bank Public Company Limited -  ngân hàng lớn và lâu đời nhất Thái Lan.

Theo công bố, thương vụ này trị giá khoảng 800 triệu euro (gần 870 triệu USD, xấp xỉ 22.000 tỷ đồng). Song giá trị thực tế sẽ được xác định vào thời điểm hoàn tất giao dịch. Quá trình chuyển giao dự kiến hoàn tất trong nửa đầu năm 2025.

Đây là thương vụ mua bán lớn thứ 2 của các công ty tài chính Việt Nam, sau thương vụ Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) bán 49% cổ phần tại FE Credit cho Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC thuộc Tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial của Nhật Bản với giá 1,4 tỷ USD hồi 2021. Thời điểm đó, FE Credit dẫn đầu thị trường với khoảng 52-55% thị phần.

Không chỉ Home Credit và FE Credit, thị trường Việt Nam cũng từng chứng kiến nhiều thương vụ "bán mình" của các công ty tài chính cho nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu đến từ Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Cuối năm 2023, Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) đã ký hợp đồng bán toàn bộ vốn góp tại Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu Điện (PTF) cho AEON Financial Service Co., Ltd. - thành viên của AEON Group - tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản. Thương vụ được công bố có giá trị 4.300 tỷ đồng.

Tháng 5/2023, SHB hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn điều lệ SHBFinance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) - thành viên Tập đoàn MUFG (Nhật Bản), thương vụ trị giá khoảng 3.500 tỷ đồng.

Đầu tháng 3/2023, Ngân hàng UOB (Singapore) thông báo đã hoàn tất việc mua mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam, gồm các danh mục cho vay tín chấp và có bảo đảm, các mảng kinh doanh quản lý tài sản và ngân hàng bán lẻ tiền gửi.

Năm 2018, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đã hoàn tất chuyển nhượng 100% vốn tại TechcomFinance cho Tập đoàn Lotte Hàn Quốc dù chưa đi vào hoạt động.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng hoàn tất thủ tục bán 49% cổ phần công ty con Mcredit cho đối tác Shinsei của Nhật Bản và chuyển đổi công ty tài chính từ 1 thành viên sang hai thành viên trở lên. Trong đó, MB sở hữu 50% vốn điều lệ, Shinsei sở hữu 49% vốn điều lệ và Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển Xuân Thành sở hữu 1% vốn điều lệ.

MSB cũng công bố kế hoạch bán 100% vốn công ty tài chính FCCOM cho đối tác ngoại với giá trị trên 2.000 tỷ đồng.

HDBank năm 2015 bán 49% vốn tại Công ty Tài chính HDFinance cho Tập đoàn Tài chính Credit Saison của Nhật Bản. HDBank sẽ giữ lại tỷ 50% vốn điều lệ của công ty tài chính này, Credit Saison nắm 49%, còn lại 1% thuộc sở hữu của Công ty CP Chứng khoán TP.HCM.

Theo cập nhật của Ngân hàng Nhà nước tới cuối năm 2023, có tổng cộng 16 công ty tài chính đã được cấp giấy phép hoạt động cho vay tiêu dùng trên thị trường với tổng vốn điều lệ hơn 33.100 tỷ đồng, tăng hơn 11.000 tỷ đồng sau 3 năm.

Trong đó, FE Credit vẫn dẫn đầu với gần 11.000 tỷ đồng vốn điều lệ. Theo sau là những doanh nghiệp: EVN Finance (hơn 3.500 tỷ đồng), SBIC Finance (hơn 2.500 tỷ đồng); Lotte Finance (hơn 2.460 tỷ đồng), HD Saison (2.350 tỷ đồng); Home Credit (2.050 tỷ đồng), Mirae Asset Finance (2.000 tỷ đồng)...

FiinRatings cho rằng dòng vốn nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội mua bán, sáp nhập (M&A)với các công ty tài chính khác ở Việt Nam trong năm nay.

Công ty tài chính dồn dập bán vốn: Khi nội chán, ngoại thèm - Ảnh 1

Tài chính tiêu dùng hấp dẫn vốn ngoại

Những thương vụ M&A diễn ra trong bối cảnh thị trường cho vay tiêu dùng gặp nhiều khó khăn, nợ xấu tăng cao.

Chia sẻ tại hội nghị thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng năm 2024 mới đây, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank, cho hay, doanh thu của 16 công ty tài chính đang hoạt động trên thị trường đều sụt giảm mạnh trong năm 2023 khi nhu cầu vay sụt giảm và khả năng hoàn trả của người vay rất thấp.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhìn nhận hoạt động cho vay tiêu dùng đang đối diện với áp lực nợ xấu tăng cao khi số khách hàng cố tình không trả nợ, thậm chí thành lập hội nhóm "bùng nợ" ngày càng nhiều. Thực trạng này buộc các công ty tài chính phải siết chặt việc thẩm định khiến cho vay ngày càng khó. Vì vậy, rất cần giải pháp đồng bộ gỡ vướng cho lĩnh vực này.

Dù đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong vòng 15 năm qua, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam vẫn được đánh giá rất tiềm năng. Đây là lý do nhiều nhà đầu tư ngoại vẫn săn tìm cơ hội đầu tư vào các công ty tài chính.

Sự sôi động trong các giao dịch mua bán công ty tài chính, mảng cho vay tiêu dùng giữa các ngân hàng nội địa và tập đoàn tài chính nước ngoài đã phản ánh tiềm năng và tính hấp dẫn của thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam.

Các chuyên gia tài chính nhận định, “miếng bánh” cho vay tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn rất hấp dẫn nhà đầu tư ngoại và M&A là con đường duy nhất để thâm nhập thị trường. Khó khăn hiện tại của thị trường này là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư.

Thực tế, các nhà đầu tư mới khi thâm nhập thị trường tài chính Việt Nam đều có những “vũ khí” rất riêng có thể khai phá mạnh hơn thị trường tiềm năng này.

Nhiều phân tích cho thấy, với việc tham gia thị trường của các nhà đầu tư nước ngoài như Lotte, Shinsei, Shinhan, Krungsri…, thì trong vòng vài năm tới, “miếng bánh” thị phần tài chính tiêu dùng sẽ có sự chuyển dịch. Sự cạnh tranh sẽ diễn ra gay gắt hơn, nhưng kéo theo những thay đổi tích cực về hoạt động kinh doanh, cơ chế lãi suất… nhằm giành thị phần.

Theo đánh giá của KBank, Việt Nam là một thị trường tiềm năng với hơn 100 triệu dân, dân số trong độ tuổi lao động tăng nhanh, ước tính hơn 69% dân số không có tài khoản ngân hàng, mức cao nhất trong khu vực châu Á.

Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh nhận định những khó khăn hiện tại của lĩnh vực cho vay tiêu dùng chỉ là bề nổi và nhất thời, trong khi dư địa phát triển trong tương lai còn rất lớn. Các đối tác từ Nhật Bản, Thái Lan khi gia nhập Việt Nam sẽ đem kinh nghiệm, cách quản lý, vận hành vào thị trường và mở ra giai đoạn phát triển bền vững hơn. Thị trường tài chính vi mô không chỉ có hoạt động cho vay mà còn rất nhiều cơ hội khác ở thị trường Việt Nam.

Tương tự, bà Olena Khlon, Phó tổng giám đốc thường trực SHB Finance nhận định, thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam còn nhiều tiềm năng, cùng với sự quản lý và vận hành tốt của Chính phủ, Việt Nam hiện là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài.

Còn đối với các ngân hàng, việc thoái vốn khỏi các công ty tài chính không chỉ mang lại nguồn thu nhập lớn, giúp ngân hàng gia tăng hệ số an toàn vốn, mà còn tập trung vào những mảng kinh doanh cốt lõi, cũng như hạn chế chồng chéo trong chiến lược phát triển kinh doanh, khi mà không ít ngân hàng vẫn phát triển mảng cho vay bán lẻ, trong đó bao gồm cả khách hàng hộ gia đình, cá nhân và gia tăng mảng ngân hàng số để phục vụ nhóm khách hàng này.

Nhiều chuyên phân tích, việc thoái vốn tại các công ty tài chính của các ngân hàng thực ra là chỉ bán bớt vốn nhằm tăng “sức mạnh” về tài chính, giúp ích cho khả năng mở rộng quy mô, trong khi ngân hàng vẫn nắm giữ phần lớn cổ phiếu để chi phối hoạt động. Vì thế, việc bán vốn để có thêm đối tác chiến lược, để cùng nhau “đi đường dài” sẽ là hướng phát triển có lợi hơn đối với các ngân hàng.

Minh Dũng

Theo VietnamFinance