Qua thời ‘đẻ trứng vàng’: Công ty tài chính lỗ nặng nghìn tỷ, nợ xấu tăng cao
Các công ty tài chính đã qua thời ‘con gà đẻ trứng vàng'. Nhiều công ty tài chính đã và đang gặp khó khăn, phải thu hẹp quy mô hoạt động, thua lỗ triền miên.
Thua lỗ
Thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển.
Nhưng từ 2020 đến nay, thị trường tài chính tiêu dùng phải đối mặt với những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và sự suy giảm tổng cầu.
Không ít công ty tài chính gặp tình trạng nợ xấu tăng nhanh, phải thu hẹp quy mô hoạt động, cắt giảm nhân sự, thậm chí thua lỗ nặng.
Tình hình khó khăn của nhiều công ty tài chính phản ánh rõ trong kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm khi nhiều công ty có kết quả kinh doanh suy giảm.
Trong 6 tháng đầu năm, Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) ghi nhận khoản lỗ sau thuế tới 2.996 tỷ đồng, vượt xa tổng lỗ sau thuế cả năm 2022 là 2.376 tỷ đồng.
Nguyên nhân thua lỗ của FE Credit là do tỉ lệ nợ xấu tăng vọt. Tình hình kinh tế khó khăn và quá trình phục hồi sau dịch Covid-19 chậm hơn nhiều so với dự kiến đã ảnh hưởng lớn tới tài chính của các cá nhân có thu nhập thấp, những người vốn là khách hàng chính của FE Credit.
Tương tự, Công ty Cổ phần Tài chính Tín Việt (VietCredit) cũng lỗ 73,6 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 42,5 tỷ đồng. Tổng thu nhập hoạt động trong 6 tháng đầu năm nay của VietCredit chỉ đạt 594,6 tỷ đồng, thay vì 700 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) vừa công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2023 Mcredit đạt lợi nhuận sau thuế 328 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2022.
Mcredit là công ty tài chính liên doanh giữa Ngân hàng TMCP Quân Đội và Ngân hàng SBI Shinsei (Nhật Bản), được thành lập từ năm 2016. Mcredit có thị phần thứ 3 trên thị trường cho vay tài chính tiêu dùng, đạt 12% năm 2022, sau FE Credit và Home Credit.
Công ty HD Saison với bề dày 15 năm hoạt động trong ngành tài chính tiêu dùng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Theo công bố 6 tháng đầu năm 2023 từ HDBank, lợi nhuận trước thuế của HD Saison sụt giảm, chỉ đạt 314 tỷ đồng, bằng một nửa so với con số 6 tháng đầu năm 2022.
Home Credit Việt Nam vừa công bố thông tin tình hình tài chính 6 tháng đầu năm 2023. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của Home Credit là 211,5 tỷ đồng. Trước đó, Home Credit báo lãi 1.189 tỷ đồng cho cả năm 2022.
Thông tin Kasikornbank - ngân hàng lớn thứ 2 của Thái Lan - đang đàm phán để mua lại Home Credit Việt Nam khiến giới tài chính xôn xao. Thỏa thuận của thương vụ này có giá tới 1 tỷ USD. Nếu thành công, đây sẽ là thương vụ mua bán - sáp nhập lớn thứ 2 trong ngành tài chính Việt Nam, sau thương vụ bán 1,5 tỷ USD cổ phần của VPBank cho SMBC của Nhật Bản vào tháng 3 vừa qua.
Đối mặt nhiều khó khăn
Không còn viễn cảnh liên tục báo lãi cao, các công ty tài chính liên tục ghi nhận thua lỗ. Thị trường tài chính tiêu dùng gặp khó được xem là hệ quả tất yếu trong bối cảnh kinh tế hiện nay.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), nhận định, thời điểm này là giai đoạn khó khăn nhất của các công ty tài chính sau khi ngấm đòn từ dịch Covid-19 và hệ lụy do khó khăn của kinh tế kéo dài từ năm ngoái đến nay, nhất là hoạt động thu nợ.
Đáng chú ý, tỉ lệ khách vay không trả nợ, thậm chí rủ nhau "bùng nợ" ngày càng cao trong khi chế tài với khách hàng này chưa có và việc khởi kiện càng khó thực hiện vì đa số các khoản nợ giá trị thấp.
Theo số liệu của VNBA, tính đến hết năm 2022, nợ xấu của các công ty tài chính tăng 23,09% so với cuối năm trước và có xu hướng tăng cao trong thời gian tới.
Nhiều nhân viên và đại diện lãnh đạo một số công ty tài chính cho hay chưa bao giờ hoạt động tài chính tiêu dùng ở phân khúc này gặp khó khăn như hiện nay. Kinh tế khó khăn, cầu tiêu dùng kém khiến nhu cầu vay vốn tiêu dùng giảm mạnh trong khi những khoản dư nợ cũ thì khách vay không trả được.
Trong khi đó, các công ty tài chính hiện không dám mạnh tay cho vay tiêu dùng vì lo khó thu hồi nợ.
Thực tế cho thấy, vẫn còn những “rào cản” vô hình ngăn cản sự phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng.
Đại diện Công ty Tài chính FE Credit chia sẻ, việc thiếu các quy định cụ thể cho người đi vay dễ dẫn đến nguy cơ khách hàng hình thành suy nghĩ "tại sao mình phải trả nợ trong khi nhiều người không trả nợ vẫn không bị phạt?". Nếu tình trạng này kéo dài, nhiều công ty tài chính buộc phải cân nhắc khi cho vay mới, kiểm soát đối tượng vay chặt chẽ hơn và hệ lụy là lãi suất khoản vay có thể tăng đối với những người có nhu cầu vay thật. Từ đó, tín dụng đen có cơ hội tung hoành trong khi cánh cửa tiếp cận nguồn vốn vay chính thức của những người có nhu cầu, trả nợ đúng hạn bị ảnh hưởng.
Ông Lê Quốc Ninh - Chủ nhiệm CLB Tài chính tiêu dùng, VNBA - cho biết, hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng đang ngày càng khó khăn, nhất là sau khi các thông tin không tích cực từ công ty tài chính không phải do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép đã lợi dụng trà trộn mở rộng mạng lưới vào các địa bàn khó khăn, tiếp cận người dân, cho vay vốn lãi suất rất cao dưới nhiều hình thức. Khi đòi nợ, họ đã dùng mọi hành vi thủ đoạn manh động để ép người dân trả tiền. Hiện tượng này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín của các công ty tài chính.
Các chuyên gia nhận định, cho vay tiêu dùng có nhiều dư địa để phát triển bởi quy mô dư nợ lĩnh vực này của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với tỷ lệ trung bình của các nước ở khu vực. Đây là phân khúc đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sinh hoạt và tiêu dùng của người dân, đặc biệt là nhóm khách hàng yếu thế.
Để thị trường này phát triển, giới chuyên gia cho rằng, các cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng chính sách, cơ chế quản lý riêng theo đặc thù ngành đối với mảng tài chính tiêu dùng. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng, ban hành quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của người đi vay đối với tổ chức tín dụng; các chế tài xử phạt với người đi vay cố tình chây ỳ trả nợ.
Bên cạnh đó, các công ty tài chính cần thực hiện tốt khuyến nghị của NHNN, đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát triển hệ thống chấm điểm tín dụng, đánh giá chính xác điểm tín dụng của khách hàng; tăng hiệu quả và tốc độ xử lý tín dụng, đổi mới quy trình cung cấp tín dụng theo hướng thuận tiện nhất cho khách hàng; thực thi các nguyên tắc của một tổ chức tài chính bền vững, đẩy mạnh cho vay có trách nhiệm…