Công viên nước rộng 49ha, sở hữu tượng rồng khổng lồ, từng được lên báo Mỹ: Sau thời gian bị bỏ hoang, giờ ra sao?
Khu công viên này bao gồm nhiều hạng mục như: nhà thủy cung, sân khấu nhạc nước, khu trò chơi nước và đường dạo quanh hồ.
Công viên vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên, nằm tại xã Thủy Bằng, TP. Huế, được Công ty Du lịch Cố đô Huế xây dựng từ năm 2001 với tổng kinh phí 70 tỷ đồng.
Khu công viên rộng 49ha này bao gồm nhiều hạng mục như nhà thủy cung, sân khấu nhạc nước, khu trò chơi nước và đường dạo quanh hồ. Đặc biệt, nhà thủy cung hình rồng, cao 20m và dài 50m, uốn lượn giữa mặt hồ là điểm nhấn nổi bật nhất, từng được báo Huffington Post (Mỹ) đưa tin.
Công viên vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên đã chịu nhiều thăng trầm
Hoàn thành vào năm 2004, công viên hồ Thủy Tiên được kỳ vọng sẽ trở thành điểm vui chơi đẳng cấp cho người dân và du khách. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động, khu vui chơi đã bắt đầu vắng khách, nguồn thu không đủ bù đắp chi phí. Điều này buộc nhà đầu tư phải chuyển một số vật nuôi trong nhà thủy cung đi nơi khác.
Năm 2008, Công ty Haco Huế tiếp quản dự án với hy vọng nâng cấp và đầu tư thêm, nhưng đến năm 2017, do không còn khả năng hoàn thành, khu vui chơi đã bị bỏ hoang. Các hạng mục của công viên dần dần xuống cấp nghiêm trọng, không thể sử dụng được nữa.
Trong suốt 16 năm bỏ hoang, tượng rồng khổng lồ từng được lên báo Mỹ trở nên nhếch nhác, với hệ thống cửa kính vỡ nát, cầu thang sắt gỉ sét, và nhà thủy cung đầy rác. Các mảng bê tông lòi sắt có nguy cơ sập đổ, tường chi chít những hình vẽ bậy.
Trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, tỉnh Thừa Thiên Huế đã kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực hơn để vực dậy khu vui chơi, nhưng không nhận được sự quan tâm từ doanh nghiệp nào. Cuối cùng, tỉnh phải thu hồi đất dự án và giao lại cho Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý.
Ông Trương Phước Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết rằng các hạng mục như tượng rồng và nhà thủy cung đều là tài sản của doanh nghiệp.
Những tài sản này đã bị ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát mãi và đưa ra đấu giá để thu hồi vốn. Ông Tuấn cũng chia sẻ rằng, sau hơn 20 lần đấu giá, mới có doanh nghiệp thu mua lại tài sản để bàn giao đất cho nhà nước. Do tài sản là của doanh nghiệp nên không thể sử dụng ngân sách nhà nước để mua lại.
Kế hoạch hồi sinh công viên
Sau khi tiếp quản công viên hồ Thủy Tiên, TP. Huế dự kiến sẽ đầu tư 20 tỷ đồng để chỉnh trang khu vực này. Kế hoạch bao gồm việc làm đường dạo dài 2km, rộng 4,5-6m quanh hồ, được lát bằng đá granit trên nền bê tông. Hệ thống đèn chiếu sáng và cấp thoát nước cũng sẽ được đầu tư nâng cấp.
Trong tương lai, hồ Thủy Tiên sẽ trở thành công viên cộng đồng, nơi người dân có thể thoải mái vui chơi, cắm trại, tương tự như công viên Dã Viên giữa sông Hương.