Đô thị đặc biệt nhất Việt Nam sẽ có thêm công viên hơn 1.250 tỷ đồng, quy mô gần 100ha
Sau khi hoàn thành, công viên sẽ góp phần tạo dựng không gian cảnh quan hài hòa, là điểm nhấn của Hà Đông, trở thành không gian sinh hoạt văn hóa, thể thao và cải thiện môi trường sống của người dân
UBND Quận Hà Đông (Hà Nội) đã phê duyệt kết quả thi tuyển phương án kiến trúc Dự án Khu công viên văn hóa, vui chơi, giải trí, thể thao Hà Đông. Theo đó, công viên được chia làm 3 khu vực: công viên văn hóa truyền thống có diện tích rộng nhất lên đến 47ha, công viên vui chơi giải trí 23ha và công viên thể dục thể thao 22ha.
Công viên có hàng chục hạng mục. Ở giai đoạn 1, khu vực văn hóa truyền thống sẽ xây dựng chòi ngắm cảnh ven hồ, khu công viên tĩnh, sân tập dưỡng sinh, quảng trường nhạc nước, triển lãm ngoài trời, quảng trường văn hóa, lễ hội, bãi đỗ xe... Đặc biệt, cổng số 1 có tên là Truyền thống, được thiết kế với hình dáng đặc trưng cho kiến trúc mái dốc, mái cong mô phỏng các cổng làng quê ở đồng bằng Bắc Bộ.
Cùng giai đoạn này, khu vực công viên giải trí sẽ tập trung cho các hạng mục như vườn hoa, đường dạo tiểu cảnh, quảng trường vui chơi, quảng trường lớn, bến tàu, nhà gỗ trẻ em, cầu mê cung... Cổng số 3 có tên là Lễ hội với thiết kế khối cong 5 chiều. Cổng số 4 với tên Ký ức được thiết kế theo công trình kiến trúc cổ, đại diện cho nền văn hóa Xứ Đoài nói riêng và đồng bằng Bắc Bộ nói chung.
Ở khu vực thể thao, giai đoạn 1 sẽ tập trung cho các hạng mục là chòi chim, quảng trường sự kiện, khu đường dạo, tiểu cảnh và bãi đỗ xe... Đặc biệt, cổng vào số 2 được đặt tên Cánh diều với thiết kế là các đường cong, tạo cảm giác trẻ trung, năng động.
Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, sân, đường, cây xanh, cổng, chòi nghỉ, nhà vệ sinh kết hợp quản lý, vận hành kỹ thuật chung, quảng trường và các khu sân chơi tự do… là các hoạt động không thu phí.
Các công trình kiến trúc cần có bộ máy vận hành, quản lý, bảo dưỡng như nhà thể thao đa năng, bể bơi bốn mùa, sân bóng đá, bảo tàng, làng nghề, nhà thiếu nhi, nhà hàng, tàu lượn cảm giác mạnh, khu công viên nước… sẽ được đầu tư bằng các dự án riêng bằng nguồn vốn huy động hoặc phương thức xã hội hóa.
Khu công viên văn hóa, vui chơi, giải trí, thể thao Hà Đông có diện tích khoảng 98ha, được phê duyệt từ năm 2008 với tổng đầu tư lên đến 1.250 tỷ đồng. Dự kiến, dự án sẽ được xây dựng từ năm 2024-2027. Sau khi hoàn thành, công viên sẽ góp phần tạo dựng không gian cảnh quan hài hòa, là điểm nhấn của Hà Đông, trở thành không gian sinh hoạt văn hóa, thể thao và cải thiện môi trường sống của người dân.
Trong cuộc họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước diễn ra vào sáng ngày 23/7 tại Văn phòng Chủ tịch nước, 5 luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7.
Trong đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được thông qua gồm 7 Chương với 54 Điều, quy định cụ thể và rõ ràng vị trí và vai trò của Thủ đô; các chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.
Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất cho Hà Nội bổ sung 2 TP thuộc Thủ đô, đó là thành phố phía Bắc sông Hồng gồm các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh; lấy hạt nhân là sân bay Nội Bài, sẽ định hướng trở thành thành phố logistics, dịch vụ.
Thành phố thứ 2 trong Thủ đô là thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học thuộc phía Tây, Hoà Lạc, Xuân Mai với trung tâm là Khu công nghệ cao Hoà Lạc.
Việc bổ sung 2 thành phố thuộc Thủ đô theo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ đưa Hà Nội trở thành đô thị đặc biệt nhất Việt Nam.