Cú sốc lớn với NĐT: VN-Index giảm 48 điểm, cả trăm mã 'lau sàn'
Tâm lý của nhà đầu tư (NĐT) trong nước vốn dĩ đã mong manh lại cộng thêm áp lực quá lớn từ thị trường thế giới đã đẩy chỉ số VN-Index rớt hơn 48 điểm. Trên cả 3 sàn, có tới 129 mã giảm kịch biên độ.
Những tưởng phiên hồi phục thứ Sáu tuần trước (ngày 2/8) sẽ thắp lên hy vọng về một quãng ngắn tăng điểm để nhà đầu tư đưa tỷ trọng tiền – hàng về mức an toàn, nhưng hy vọng này đã sớm bị dập tắt sau diễn biến hết sức tiêu cực của thị trường chứng khoán thế giới trong quãng nghỉ cuối tuần của thị trường chứng khoán Việt.
Lo ngại về suy thoái kinh tế Mỹ, nguy cơ leo thang chiến tranh Iran – Israel và Nhật Bản nâng lãi suất điều hành là những thông tin “cộng hưởng” với nhau khiến chứng khoán thế giới kéo dài đà giảm. Thậm chí, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản có lúc giảm hơn 15%, mặc dù phiên trước đó đã rớt sâu.
Tâm lý của nhà đầu tư trong nước vốn dĩ đã mong manh lại cộng thêm áp lực quá lớn từ thị trường thế giới đã đẩy chỉ số VN-Index rớt hơn 20 điểm ngay đầu phiên sáng 5/8. Mặc dù mức giảm này đã được dự báo trước trong bối cảnh thị trường thế giới diễn biến tiêu cực nhưng có lẽ ít ai ngờ rằng kết phiên 5/8, chỉ số VN-Index mất tới 48,53 điểm, tương đương 3,92%, xuống 1.188,07 điểm.
Trên 3 sàn chứng khoán, có tới 129 mã giảm kịch sàn; còn xét riêng trên sàn HoSE, con số là 92 mã.
Cổ phiếu giảm kịch sàn nằm rải rác ở các nhóm ngành chứng khoán, sản xuất, bất động sản và xây dựng, có thể kể đến những cái tên tiêu biểu như: VND, VDS, TCI, SIP, DXG, HDG, SZC, GVR, VGC, NKG, AAA, ANV, ASM, HVN, VCG, CTD, BCG, VSC, CII, HHV, GEG, PPC…
Tuy vậy, vẫn có một số ít cổ phiếu đi ngược dòng. Ở nhóm ngành ngân hàng, EIB tăng 0,28% sau thông tin GELEX được Ngân hàng Nhà nước cho phép mua cổ phần Eximbank. Ở chiều ngược lại, các mã ngân hàng khác đều giảm sâu, trong đó, giảm trên 5% có TCB, HDB, SHB, TPB, OCB, MSB.
Lạ lùng nhất là ở nhóm ngành chứng khoán. Vốn dĩ trong các phiên giảm sốc như thế này, hầu hết các cổ phiếu chứng khoán sẽ phản ứng hết sức cực đoan và rất hiếm ngoại lệ. Thế nhưng trong phiên 5/8, FTS và BSI lại giữ được sắc xanh và sắc xanh này không phải đến từ phiên ATC mà đã được duy trì ở nhiều thời điểm trong quãng thời gian khớp lệnh liên tục.
Việc thị trường chứng khoán “rơi thẳng đứng” là nằm ngoài dự liệu của đa số nhà đầu tư, nhưng vẫn nằm trong xu hướng giảm vốn đã có “dấu hiệu khả nghi” từ giữa tháng 7 bằng các phiên “loạn giá” trên thị trường.
Với phiên giao dịch giảm mạnh như hôm nay, việc hạ tỷ trọng tiền – hàng có thể không còn là ưu tiên nữa bởi áp lực giảm nhiều khả năng sẽ dần hạ nhiệt. Câu hỏi quan trọng giờ đây đối với các nhà đầu tư còn tiền là có nên trung bình giá hay không (nếu còn “kẹp hàng”) và bao giờ nên "bắt đáy". Trước mắt, tâm lý nhà đầu tư khó có thể ổn định ngay sau phiên 5/8, do đó, quan sát kỹ lưỡng diễn biến thị trường là điều nên làm lúc này.