Cuối năm, loạt doanh nghiệp vẫn dồn dập phát hành trái phiếu, chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư cẩn trọng
Bất chấp cảnh báo từ các tổ chức tài chính, bỏ qua khuyến cáo của Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý, hàng loạt doanh nghiệp vẫn ồ ạt phát hành trái phiếu.
Doanh nghiệp "đua nhau" phát hành trái phiếu những ngày cuối năm
Mới đây, Tập đoàn Masan (MNS), công ty do tỷ phú Nguyễn Đăng Quang làm chủ tịch HDQT, doanh nghiệp nằm trong top phát hành trái phiếu nhiều nhất hiện nay vừa thông báo về việc phát hành thêm 14 triệu trái phiếu với tổng giá trị 1.400 tỷ đồng. Dự kiến lượng trái phiếu được chia thành 3 lô, sẽ phát hành vào ngày 11/1/2021.
Đây là các trái phiếu kỳ hạn 36 tháng kể từ ngày phát hành, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được bảo đảm và xác lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp đối với tổ chức phát hành. Lãi suất ở mức 9,8-10%năm.
Mục đích phát hành chủ yếu để tăng vốn điều lệ của công ty con và thanh toán nợ vay nội bộ cho công ty con của Masan.
Như vậy, đây là đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ lần thứ ba trong năm 2020 của Masan, nâng tổng giá trị trái phiếu của công ty sau ba lần phát hành vào khoảng 4.000 tỷ đồng.
Có thể nói, Masan là một trong những doanh nghiệp tư nhân dẫn đầu gia tăng vay nợ trong bối cảnh dịch Covid 19. So với hồi đầu năm, tổng nợ vay của Tập đoàn này ghi nhận tăng nhiều nhất trong các doanh nghiệp trên sàn, chủ yếu thông qua trái phiếu.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020, ghi nhận khoản vay và nợ thuê tài chính tiếp tục tăng lên gần 53.585 triệu đồng, tăng gần 23.570 triệu đồng so với đầu năm. Trong đó, tăng vay tài chính ngắn hạn từ 18.340 triệu đồng lên 21.758 triệu đồng, tăng vay tài chính dài hạn từ gần 11.676 triệu đồng lên gần 31.827 triệu đồng. Nợ vay tăng chủ yếu do ngân hàng phát hành trái phiếu dài hạn, chủ yếu thông qua Techcombank và các công ty con của ngân hàng.
Công ty cổ phần Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (Becamex IJC, mã: IJC), doanh nghiệp này vừa thu được hơn 1.000 tỷ đồng từ việc phát hành cổ phiếu, nhưng nhưng mới đây cũng lại gấp rút huy động vốn qua kênh trái phiếu riêng lẻ thêm 500 tỷ đồng trong tháng 12 này.
Trái phiếu của IJC có kỳ hạn 5 năm, lãi suất cố định 10,3%/năm. Mục đích phát hành được Becamex IJC cho biết là để tăng quy mô vốn hoạt động. Tài sản đảm bảo gồm 28 quyền sử dụng đất tại Khu dân cư 5B, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương với giá trị định giá hơn 836 tỷ đồng.
Theo BCTC hợp nhất quý III/2020, tổng nợ đi vay của Becamex IJC tính đến ngày 30/9/2020 là gần 827 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm và đều là khoản vay từ ngân hàng.
Thời gian qua, thị trường cũng chứng kiến "ông lớn" CTCP Sonadezi Châu Đức (SZC) cũng đang dồn dập huy động trái phiếu trong những ngày cuối năm này, khi vừa thông qua việc phát hành trái phiếu trị giá 500 tỷ đồng.
Theo đó, trái phiếu SZC phát hành có kỳ hạn 5 năm và thời gian phát hành dự kiến trong quý IV/2020. Đây là loại trái phiếu có tài sản đảm bảo nhưng không được doanh nghiệp công bố.
Cũng liên quan đến kế hoạch huy động vốn, doanh nghiệp này đã quyết định vay khoảng 630 tỷ đồng từ ngân hàng để giải phóng mặt bằng dự án Khu công nghiệp Châu Đức.
Về tình hình kinh doanh, theo BCTC hợp nhất quý III/2020, tính đến ngày 30/9 tổng tài sản là 3.831 tỷ đồng, tăng 24% so với đầu kỳ và chủ yếu là chi phí xây dựng dự án khu công nghiệp, Khu đô thị Châu Đức.
Về nguồn vốn, tổng nợ phải trả của SZC đạt hơn 2.590 tỷ đồng, tăng hơn nhiều so hồi đầu năm. Trong đó khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đạt hơn 106 tỷ đồng, các khoản vay và nợ tài chính dài hạn đạt hơn 874 tỷ đồng, chủ yếu nợ từ ngân hàng với tài sản thế chấp là tài sản hình thành trong tương lai của dự án khu công nghiệp, khu đô thị Châu Đức và công trình BOT với lãi suất từ 7 – 9,7%năm.
Cảnh báo rủi ro trái phiếu từ Bộ Tài chính, nhà đầu tư cần cẩn trọng
Theo phân tích của giới chuyên gia, nếu một doanh nghiệp làm ăn tốt, luôn có dòng tiền dồi dào thì ít khi phải huy động vốn bằng trái phiếu, khi mà lãi suất còn cao hơn ngân hàng từ 9-12%năm. Chỉ khi nào vay ngân hàng khó, dòng tiền “tắc nghẽn” hoặc sản phẩm chưa thể bán ra, ế ẩm hoặc tồn đọng thì doanh nghiệp mới cần huy động vốn, dù áp lực lãi và trả nợ rất lớn phải gánh chịu để bù đắp vào nguồn vốn.
Nhìn vào các con số của những doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Việt Nam trên, có thể thấy thời gian qua thì trái phiếu doanh nghiệp là một kênh huy động, gọi vốn khá hữu hiệu và thu được về số tiền khổng lồ của họ.
Tuy nhiên cùng với “thành công” ấy thì áp lực trả nợ cũng rất lớn, nhất là trong thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành và mới tạm lắng chỉ ở trong nước cùng với lãi suất ngân hàng đang giảm mạnh.
Theo Bộ Tài chính, các doanh nghiệp thường phát hành trái phiếu thành nhiều đợt, không gắn với nhu cầu huy động vốn cho sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vốn chủ sở hữu thấp nhưng phát hành trái phiếu với khối lượng lớn. Đáng lo ngại, trong số các doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn, một số không làm rõ mục đích sử dụng vốn và phương án bố trí nguồn thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Về vấn đề này theo chuyên gia tài chính ngân hàng, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng bên cạnh các lợi ích như tạo ra kênh đầu tư tốt, giúp doanh nghiệp huy động vốn thì điều này cũng tiềm ẩn một số rủi ro cho các nhà đầu tư như việc nhiều trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản yếu kém thực hiện, không có hoặc báo cáo tài chính không đầy đủ, phát hành trái phiếu ở mức lãi suất cao để hút nhà đầu tư.
Cũng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu thì hiện tại Việt Nam có không ít nhà đầu tư chưa có khả năng phân tích tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành. Điều này vô hình chung đang tạo ra rủi ro lớn cho nền kinh tế khi nhiều trái phiếu doanh nghiệp có thể trở thành nợ xấu. Khi đó, nếu một nhà đầu tư vì lãi suất cao mua trái phiếu vào thay vì gửi tiền ngân hàng với lãi suất hiện ở mức 7-8% sẽ gặp phải nhiều rủi ro cho đồng vốn của mình.
Từ thực tế đó, các nhà đầu tư cần lưu ý phải tự "chuyên nghiệp hóa" để tối thiểu hóa rủi ro là lựa chọn trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành uy tín, tốt nhất là có báo cáo tài chính được kiểm toán độc lập, có phương án sử dụng vốn huy động được rõ ràng, minh bạch.
Và điều quan trọng nhất là khi ký hợp đồng mua trái phiếu cần phải có sự tham vấn của luật sư chuyên ngành.