Cương quyết chấn chỉnh hành vi “chiêu dụ” người gửi tiết kiệm tham gia trái phiếu
Sau nhiều vụ việc các doanh nghiệp bất động sản bán trái phiếu “chui” qua hình thức hợp tác đầu tư bị phanh phui và xử lý tận gốc thì các công ty trong ngành đang tìm cách khác để huy động vốn với lãi suất cao. Nhưng gần đây, hoạt động “mập mờ” bán trái phiếu với hình thức gửi tiết kiệm của một số ngân hàng đang làm xáo trộn thị trường đầu tư.
Hành vi bán trái phiếu doanh nghiệp “chui”, phù phép nhà đầu tư không chuyên thành nhà đầu tư chuyên nghiệp đã giảm hẳn sau khi Nghị định 65/2022/NĐ-CP (Nghị định 65) được ban hành. Tuy vậy, trên thị trường, việc ngân hàng “mập mờ” chào bán trái phiếu phát hành ra công chúng vẫn diễn ra.
Nhiều khách hàng gửi tiết kiệm chất vấn tại sao gửi tiết kiệm không giao sổ ngay như các ngân hàng khác, mà lại cầm giấy hẹn, thì được giao dịch viên thông báo đây là trái phiếu, khi nào có giấy chứng nhận sở hữu trái phiếu về thì mới gửi khách. Vốn không hiểu biết về các sản phẩm tài chính, nhiều người nghĩ rằng đây chỉ là một hình thức gửi tiết kiệm của ngân hàng nên yên tâm ra về.
Sau một thời gian, ngân hàng chỉ đáp lại người dân bằng sự im lặng đến khi khách hàng đòi thì mới được giao dịch viên trao cho Giấy chứng nhận quyền sở hữu trái phiếu. Một số nhân viên ngân hàng cũng chào mời khách hàng sản phẩm “tiền gửi trái phiếu với lãi suất cao, kỳ hạn linh hoạt, có thể tất toán trước hạn”.
Mặc dù trái phiếu phát hành ra công chúng có độ an toàn cao, song việc nhân viên giao dịch của ngân hàng mập mờ khi chào bán vẫn gây bức xúc cho khách hàng.
Bộ Tài chính vừa có công văn số 13234/BTC-VP gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức phớc triển khai công điện số 1163/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giao các đơn vị phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phù hợp với tình hình thực tiễn, chống tiêu cực, lợi dụng trục lợi chính sách, bảo đảm thị trường hoạt động công khai, minh bạch, hiệu quả, an toàn và phát triển bền vững.
Đồng thời, "nghiên cứu, tham mưu các biện pháp hiệu quả để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cùng với đó, tham mưu, dự thảo công văn gửi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng có phát hành trái phiếu doanh nghiệp cần thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ trái phiếu.
“Đối với các tổ chức tín dụng thời gian qua có hoạt động môi giới, tư vấn phát hành, hỗ trợ, cam kết mua lại trái phiếu và định hướng người đến gửi tiền chuyển sang mua trái phiếu doanh nghiệp cần có biện pháp cương quyết chấn chỉnh và có trách nhiệm với nhà đầu tư, bảo đảm tuyện đối an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ”, Bộ trưởng đề nghị.
Chủ động thông tin tuyên truyền về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp, phổ biến chính sách mới và cảnh báo về những rủi ro trên thị trường.
Tiếp tục nghiên cứu các chính sách yêu cầu tổ chức phát hành định kỳ công bố, công khai minh bạch việc huy động và sử dụng tiền phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tăng cường khả năng giám sát nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhà đầu tư.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu lớn cũng như doanh nghiệp có khối lượng trái phiếu sắp đáo hạn lớn, đề nghị cần có kế hoạch, giải pháp cụ thể chủ động thanh toán cho nhà đầu tư.
“Các tổ chức phát hành nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ trả nợ trái phiếu, trường hợp có khó khăn cần chủ động đàm phán với nhà đầu tư qua các hình thức như gia hạn, điều chỉnh lãi suất, hoán đổi tài sản, hạ giá sản phẩm…”, Bộ trưởng yêu cầu.
Bên cạnh đó, tổ chức làm việc, yêu cầu các công ty chứng khoán rà soát toàn diện hoạt động kinh doanh, môi giới, phân phối, bảo lãnh, tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua có nguy cơ ảnh hưởng tới chỉ tiêu an toàn tài chính của công ty và tính ổn định của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty có hình thức cam kết như bảo lãnh, mua lại trái phiếu…
Bộ trưởng cũng yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa việc phát hành, chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng; khẩn trương hoàn thiện, vận hành hệ thống giao dịch tập trung trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đảm bảo minh bạch, đúng quy định của pháp luật.