Đà Nẵng: “Điểm mặt” các khu tập thể, khu chung cư xuống cấp cần phải di dời

TP Đà Nẵng đã thực hiện kiểm định 25 khu tập thể có dấu hiệu xuống cấp. UBND TP Đà Nẵng đã có chủ trương thu hồi, giải tỏa 25 khu tập thể này với tổng cộng 172 hộ dân, trong đó khẩn trương di dời đối với 8 khu tập thể cấp D.

Ngày 26/11/2020, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho hay, trên địa bàn TP hiện có khoảng 40 khu tập thể được tiếp quản, bố trí sử dụng trên 40 năm, chưa được Nhà nước cải tạo, sửa chữa mà bên thuê tự cải tạo, sửa chữa chắp vá để duy trì nơi ăn ở. Do vậy chất lượng nhà ở ngày càng xuống cấp, một số khu nhà xuống cấp trầm trọng, cần phải thực hiện di dời khẩn cấp.

Khu tập thể số 37 Yên Bái (80 Hùng Vương, Đà Nẵng) đã xuống cấp quá nghiêm trọng.  
Khu tập thể số 37 Yên Bái (80 Hùng Vương, Đà Nẵng) đã xuống cấp quá nghiêm trọng.  

Đến nay, các ngành chức năng TP Đà Nẵng đã thực hiện kiểm định 25 khu tập thể có dấu hiệu xuống cấp; kết quả có 1 khu cấp B, 16 khu cấp C, 8 khu cấp D. UBND TP Đà Nẵng đã có chủ trương thu hồi, giải tỏa 25 khu tập thể này với tổng cộng 172 hộ dân, trong đó khẩn trương di dời đối với 8 khu tập thể cấp D.

Cụ thể:1 khu tập thể cấp B (số 25 Hùng Vương); 16 khu tập thể cấp C (gồm số 22 Lý Thái Tổ, 48 Lý Thái Tổ, 104 Lý Thái Tổ, 110 Lý Thái Tổ, 42 Trần Kế Xương, 3 Nguyễn Thái Học, 28 – 30 Hùng Vương, 57 Hùng Vương, 324 Hùng Vương, 158B Lê Lợi, 35 Hoàng Diệu, 9 Trần Phú, 67 (69A cũ) Trần Phú, 76 Trần Phú, 346 – 348 Phan Châu Trinh, 110 Ông Ích Khiêm); 8 khu tập thể cấp D (số 10 Trần Bình Trọng, K30 Bạch Đằng, 50 – 52 Lê Lai, 87 Lê Lai, 52 Trần Quốc Toản, 05 Nguyễn Thái Học, 37 Yên Bái (80 Hùng Vương), K40 Phan Châu Trinh).

Ông Lê Trung Chinh cho biết, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 5703/QĐ-UBND ngày 16/12/2019 phê duyệt phương án di dời giải tỏa các hộ đang ở tại các khu tập thể xuống cấp thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn quận Hải Châu và quận Thanh Khê. Theo đó, giao UBND hai quận này chủ trì, phối hợp với Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà Đà Nẵng tổ chức triển khai thực hiện việc di dời, giải tỏa các hộ dân tạp các khu tập thể xuống cấp.

Đến hết ngày 14/9/2020 đã di dời 39/172 hộ thuộc 25 khu tập thể xuống cấp, trong đó có 29/51 hộ thuộc 8 khu tập thể cấp D. Trong thời gian tới, UBND TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND của hai quận Hải Châu và Thanh Khê tổ chức triển khai thực hiện việc di dời, giải tỏa các hộ dân tại 25 khu tập thể xuống cấp, trong đó tập trung 08 khu tập thể cấp D theo phương án đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cũng cho biết: “Việc di dời, giải tỏa các khu tập thể xuống cấp còn chậm so với yêu cầu do đa số các hộ dân mong muốn nhận đất tái định cư, không muốn thuê chung cư!”.

Các hộ dân trong khu tập thể số 10 Trần Bình Trọng đã được di dời đi nơi khác.  
Các hộ dân trong khu tập thể số 10 Trần Bình Trọng đã được di dời đi nơi khác.  

Cũng theo ông Lê Trung Chinh, trên địa bàn Đà Nẵng hiện có khoảng 60 khu chung cư đã đưa vào sử dụng, trong đó có 03 khu chung cư có dấu hiệu xuống cấp (Thuận Phước, Hòa Minh, Lâm đặc sản Hòa Cường) với tổng cộng 648 căn hộ. Đây là các công trình có quy mô 03 tầng, được đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2001 – 2002, niên hạn sử dụng theo quy định pháp luật về xây dựng là 20 – 50 năm.

Năm 2015, UBND TP Đà Nẵng đã giao Trung tâm Kiểm định chất lượng xây dựng (Sở Xây dựng Đà Nẵng) kiểm định chất lượng và kết luận 03 khu chung cư Thuận Phước, Hòa Minh và Lâm đặc sản Hòa Cường ở mức độ nguy hiểm cấp B; đồng thời kiến nghị cần phải có biện pháp cải tạo, sửa chữa. Năm 2016 – 2017, UBND TP Đà Nẵng đã giao Công ty Quản lý nhà chung cư thực hiện cải tạo, sửa chữa 3 khu chung cư này với kinh phí khoảng 9,2 tỉ đồng.

Để đảm bảo khai thác, sử dụng có hiệu quả công trình và phù hợp các quy định pháp luật về nhà ở, UBND TP Đà Nẵng đã có Công văn 8123/UBND-SXD ngày 13/10/2017 cho phép tiếp tục khai thác sử dụng 03 khu chung cư này đến hết năm 2021 (hết niên hạn sử dụng công trình theo quy định pháp luật về xây dựng). Sau năm 2021, giao Sở Xây dựng tổ chức kiểm định chất lượng công trình, đề xuất xử lý theo đúng quy định.

Trong thời gian 3 khu chung cư này tiếp tục sử dụng, UBND TP Đà Nẵng giao Công ty Quản lý nhà chung cư tiếp tục thực hiện công tác bảo trì công trình theo quy trình được duyệt, đảm bảo duy trì chất lượng và yêu cầu sử dụng; trường hợp phát hiện các khiếm khuyết về chất lượng công trình ảnh hưởng đến an toàn chịu lực thì kịp thời báo cáo Sở Xây dựng xem xét xử lý.

Ông Lê Trung Chinh cũng cho biết, về phương án xây dựng các khu chung cư thay thế, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất phương án quy hoạch xây dựng chung cư Hòa Minh (Thông báo số 105/TB-UBND ngày 17/10/2020 của UBND TP Đà Nẵng); đồng thời đang chỉ đạo Sở Xây dựng đề xuất phương án quy hoạch xây dựng chung cư thay thế cho chung cư Thuận Phước và chung cư Lâm đặc sản Hòa Cường, hoàn thành trong năm 2020.

Hải Châu

Theo Doanh nghiệp Việt Nam