Đà Nẵng: nhiều dự án trọng điểm gặp khó trong công tác giải phóng mặt bằng

Nếu như trước đây, các dự án trọng điểm chậm tiến độ chủ yếu do vướng mặt bằng thì nay khó khăn lại tăng thêm bởi biến động tăng giá nguyên vật liệu.

Dự án đường vành đai phía Tây là một ví dụ điển hình, được khởi công từ năm 2018, dự kiến đưa vào khai thác năm 2021 nhưng đến nay dự án vẫn đang chậm tiến độ do ách tác giải phóng mặt bằng và nguồn cung nguyên vật liệu thiếu hụt, giá cả đắt đỏ.

Được biết, dự án đường vành đai phía Tây dài hơn 19 km nối quốc lộ 14B với đường Hồ Chí Minh có tổng vốn 1.499 tỷ đồng. Dự án dự kiến đưa vào khia thác năm 2021 nhưng cho đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn dang dở, nhiều đoạn vẫn chưa thi công xong nền đường, nhiều nơi còn tắc mặt bằng. Trong khi đó, tiến độ phải hoàn thành theo yêu cầu của UBND TP. Đà Nẵng là 30/9 đang cận kề.

Nhiều dự án giao thông trọng điểm tại TP Đà Nẵng đang gặp nhiều áp lực, khi giá nhiên vật liệu tăng vọt
Nhiều dự án giao thông trọng điểm tại TP Đà Nẵng đang gặp nhiều áp lực, khi giá nhiên vật liệu tăng vọt

Không chỉ khó trong việc giải phóng mặt bằng mà thời điểm hiện tại giá nguyên vật liệu, nhiên liệu đã đội lên rất cao so với thời điểm hai năm trước, khiến nhà thầu thêm khó khắn, tác động đến tiến độ dự án.

Nhà thầu của dự án là Tổng Công ty Trường Sơn. Đại diện nhà thầu cho biết, dự án kéo dài khiến đơn vị gặp nhiều khó khăn, nút thắt mặt bằng chưa dứt điểm thì nay đến bão giá. Giá nhiên liệu tăng khiến giá vật liệu tăng đột biến. Dự án Tuyến đường vành đai phía Tây đã giảm thầu gần 30%, nay giá nhiên vật liệu tăng cao khiến nhà thầu gặp nhiều khó khăn, thiệt hại lớn.

Tại dự án khu tái định cư xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) được khởi công từ tháng 2/2022 nhằm phục vụ giải tỏa dự án Đường vành đai phía Tây Đà Nẵng. Dự án dự kiến hoàn thành sau 12 tháng thi công, nhưng hiện các nhà thầu lại gặp khó khi khan hiếm nguồn cung vật liệu, chủ yếu là đất đắp.

Ông Đặng Công Minh Tâm, chỉ huy trưởng gói thầu của nhà thầu Xuân Quang – đơn vị thi công dự án cho hay, để đảm bảo nguồn vật liệu cho dự án, đơn vị đã liên hệ với nhiều đầu mối nhưng vẫn chưa tìm được nguồn.

Tại nhiều dự án giao thông trọng điểm khác của Đà Nẵng các nhà thầu cũng đang chật vật đối phó với cơn “bão giá”, kể cả những thiếu hụt, khan hiến nguồn cung khoáng sản làm vật liệu san lấp. Trong bối cảnh giá vật liệu tăng cao, có tình trạng độc quyền, ghim hàng, tạo khan hiếm để đầu cơ nâng giá. Điều đó dẫn đến việc thiếu hụt nguồn cung, nhất là mỏ đất đắp, là một trong những nguyên nhân khiến các công trình, dự án trọng điểm, động lực chậm tiến độ.

Những khó khăn về giá vật liệu tăng cao, ách tắc mặt bằng và cả thiếu nguồn cung đất, đá đang là bài toán khó tại các dự án trọng điểm trên địa bàn Đà Nẵng. Vì thi công kéo dài, Đà Nẵng đã phải điều chỉnh tăng vốn tại nhiều dự án trọng điểm để có thể về đích.

Nhiều dự án ở Đà Nẵng đã đội vốn lên nhiều lần như: Dự án Trục 1 Tây Bắc thêm hơn 273 tỷ đồng, tăng vốn dự án đường Lê Trọng Tấn hơn 32 tỷ đồng, tăng vốn dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò hơn 214 tỷ đồng...

Cuối tháng 3-2022, Đà Nẵng có “tối hậu thư” ấn định tiến độ hoàn thành cụ thể với từng dự án. Tuy nhiên, với những khó khăn và biến động giá như hiện nay, để về đích đúng hẹn là chướng ngại khó đối với nhiều nhà thầu.

 

Giải ngân đầu tư công chỉ đạt 40,7%

Trong tháng 7-2022 Đà Nẵng giải ngân vốn đầu tư công đạt khoảng 593 tỷ đồng, nếu tính từ đầu năm đến nay đạt khoảng 2.655 tỷ đồng, tương đương 40,7% kế hoạch vốn được giao, giảm 31,4% so với cùng kỳ năm trước. Một số dự án giải ngân chậm như dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, dự án đầu tư xây dựng nâng cấp Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, Chung cư xã hội cho người có công với cách mạng tại đường Vũ Mộng Nguyên…

Mặc dù TP đã thực hiện nhiều giải pháp ngay từ đầu năm, nhưng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn đang rất chậm so với mặt bằng chung của cả nước. Dự kiến trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tiếp tục tổng rà soát tất cả dự án và lên kế hoạch thu hồi những dự án chậm triển khai hoặc không có khả năng triển khai.

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống