'Đại bàng ngoại' đang 'sải cánh' đến một loại hình BĐS, quán quân sở hữu những dự án đồ sộ tại 2 thành phố lớn
Cơ hội từ nhu cầu thương mại điện tử và sản xuất công nghiệp tăng vọt, các nhà đầu tư ngoại đang ráo riết săn lùng các dự án cho thuê kho bãi tại Việt Nam.
Trong báo cáo mới nhất về "Kho vận Việt Nam: Sự mở rộng mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài" do đơn vị nghiên cứu thị trường và tư vấn FiinGroup Việt Nam phát hành, các nhà phát triển nước ngoài chiếm 75% thị phần cho thuê kho bãi, mặt bằng ở Việt Nam năm 2023 tính theo diện tích.
Ba nhà đầu tư ngoại Mapletree, BW Industrial và SLP chiếm đến 46% thị phần, đóng góp tổng cộng gần 1,79 triệu m2 sàn. Mapletree dẫn đầu với 922.000m2 sàn. Vị trí thứ 2 là BW Industrial với 485.000m2 sàn và SLP là 381.000m2 sàn.
Mapletree là công ty phát triển bất động sản, đầu tư và quản lý vốn hàng đầu có trụ sở chính tại Singapore. Tập đoàn Mapletree sở hữu và quản lý tài sản có giá trị S$39.5 tỷ đô la Singapore trong các loại hình văn phòng, bán lẻ, kho vận, công nghiệp, nhà ở, nhà ở doanh nghiệp/căn hộ dịch vụ và nhà ở sinh viên.
Tại Biệt Nam, Mapletree đạt diện tích kho vận gấp đôi "á quân" với các tài sản thuộc sở hữu và quản lý của Mapletree Việt Nam, bao gồm: Tòa văn phòng với khối đế thương mại CentrePoint tại TP. HCM; tòa nhà phức hợp Pacific Place tại Hà Nội; Khu phức hợp Saigon South Place Complex (quận 7) · RichLane Residences (quận 7)...; 3 khu kho vận tại tỉnh Bình Dương và Bắc Ninh; và khu công nghiệp Mapletree Business City Bình Dương.
Về BW - là công ty cung cấp dịch vụ cho thuê kho xưởng và nhà xưởng chất lượng cao của Mỹ. Đơn vị này đang sở hữu một danh mục đầu tư đáng chú ý bao gồm hơn 8,5 triệu m2 đất công nghiệp tại các vị trí đắc địa thuộc 40 dự án tại 11 tỉnh Việt Nam, với hơn 3 triệu m2 tổng diện tích sàn (GFA) là các bất động sản đã hoàn thiện hoặc đang xây dựng như Shopee, BEST Inc.,7 - Eleven, HKC, Chervon, RPAC...
SLP - tập đoàn hàng đầu thế giới về xây dựng, sở hữu, phát triển và vận hành bất động sản logistics, trung tâm dữ liệu, năng lượng tái tạo và các công nghệ liên quan. Tại Việt Nam, doanh nghiệp này có năng lực vượt trội trong việc cung cấp các cơ sở nhà kho hiện đại xây sẵn ở vị trí chiến lược tại các trung tâm trọng điểm, tập trung tại Hà Nội, Bắc Ninh và TP. HCM.
Các doanh nghiệp bất động sản nội địa cũng chạy sát nút cuộc đua kho vận, chiếm hơn 25% thị phần. Thứ hạng đầu tiên là ICD ST, sau đó đến NPL Logistics và Gemadept. Các doanh nghiệp này sở hữu lần lượt 172.000m2, 126.000m2 và 114.000m2.
Fiin Group dự đoán, trong tương lai, các doanh nghiệp này sẽ mở rộng quy mô hàng trăm nghìn m2 tính theo diện tích sàn tại Việt Nam. "Các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang tích cực phát triển cơ sở hạ tầng logistics, đặc biệt là các kho vận hiện đại tại Việt Nam", báo cáo cho biết.
FiinGroup ghi nhận có 25 dự án kho vận sẽ triển khai từ nay đến 2027 với tổng diện tích cho thuê thêm là 1,87 triệu m2. Tốc độ tăng trưởng hàng năm của diện tích kho vận hiện đại dự báo duy trì ở mức 7% trong giai đoạn này.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, ngành logistics đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng và vận chuyển hàng hóa. Với sự gia tăng đáng kể trong sản xuất và xuất khẩu, nhu cầu về không gian lưu trữ hiệu quả đã tăng mạnh, tạo ra một sức đẩy cho thị trường bất động sản cho thuê kho logistics.
Đặc biệt, sự bùng nổ của thương mại điện tử và E-Logistics trong thời gian gần đây đã tạo nên bước đột phá trong ngành logistics Việt Nam. Nhìn thấy cơ hội từ nhu cầu thương mại điện tử và sản xuất công nghiệp tăng vọt, các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư ngoại đang ráo riết săn lùng các dự án cho thuê kho bãi có quy mô lớn tại các vị trí trọng điểm, liền kề với những trung tâm kinh tế lớn khi quỹ đất ngày càng khan hiếm.