Đại dự án hoang tàn ở Hà Tĩnh: Thép Vạn Lợi 'chết yểu', 1.700 tỷ bán nợ được 205 tỷ
Thép Vạn Lợi, Sắt Thạch Khê, Bò Bình Hà, Nông nghiệp công nghệ cao FLC... là những đại dự án được được kỳ vọng thúc đẩy kinh tế Hà Tĩnh phát triển. Dù vậy, 2 trong số đó vướng vào các đại án hình sự, 2 cái tên còn lại cũng chìm trong bế tắc chưa có lối thoát...
Dự án Nhà máy thép Vạn Lợi (KKT Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) được BQL Khu kinh tế Vũng Áng (nay là Ban Quản lý KKT tỉnh Hà Tĩnh) cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2007 với tổng vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng.
Dự án do Công ty cổ phần Gang thép Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, ngoài ra còn có hai cổ đông chính là Công ty thép Vạn Lợi và Công ty Cổ phần đầu tư khoáng sản Hợp Thành (đều có trụ sở ở Hà Nội).
Mục tiêu dự án là đến tháng 8/2010, nhà máy sẽ xuất xưởng tấn phôi thép thương phẩm đầu tiên và hứa hẹn cho một nền công nghiệp gang thép tại Hà Tĩnh. Mỗi năm cho nguồn thu 5.000 tỷ đồng, Công ty cổ phần Gang thép Hà Tĩnh nộp ngân sách cho địa phương 250 tỷ, góp phần tạo bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho Hà Tĩnh.
Tuy nhiên, dự án Nhà máy liên hợp gang thép tại KKT Vũng Áng sau hơn 4 năm khởi công xây dựng chỉ là một công trường ngổn ngang, không như mong đợi từ phía địa phương và những hứa hẹn của nhà đầu tư.
Nghiêm trọng hơn cả là khoản nợ hàng trăm tỷ đồng từ các ngân hàng ngày càng xấu đi. Tổng số vốn vay dài hạn các ngân hàng đã giải ngân trong cả hai giai đoạn đến tháng 3/2011 là gần 741 tỷ đồng. Sau khi giải ngân, Công ty Gang Thép Vạn Lợi đã không trả được lãi và gốc theo đúng thời hạn buộc các ngân hàng ngừng giải ngân các khoản còn lại….
Không thể triển khai thêm, ngày 19/5/2015, tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án.
Cuối năm 2018, do chủ đầu tư không có khả năng trả nợ, Chi cục thi hành án dân sự thị xã Kỳ Anh phối hợp với các đơn vị liên quan cưỡng chế, kê biên định giá toàn bộ tài sản gần 109 tỷ đồng để trả lại tiền cho các ngân hàng.
Toàn bộ tài sản của Nhà máy thép Vạn Lợi được đưa ra bán đấu giá công khai vào sáng ngày 26/4/2019 với giá khởi điểm 108.765.800.000 đồng. Bước giá mỗi vòng trả giá là 300 triệu đồng.
Để có “món hàng” này, có 23 đơn vị doanh nghiệp khắp các tỉnh, thành phố trong nước nộp hồ sơ trực tiếp tham gia đấu giá. Và sau 11 vòng, khách hàng Nguyễn Minh Hoàng Phương Vũ - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển kho bãi Nhơn Tân (đóng tại Bình Định) là người trúng đấu giá với giá hơn 205 tỷ đồng...
Theo ghi nhận của VietnamFinance, đến thời điểm tháng 4/2024, số tài sản tại dự án Nhà máy thép Vạn Lợi được công bố chủ nhân trúng đấu giá nay vẫn phơi sương giữa khu đất rộng gần 26 ha.
Một cán Chi cục thi hành án dân sự thị xã Kỳ Anh cho biết, sau khi tổ chức phiên đấu giá thành công đơn vị đã làm các thủ tục bàn giao tài sản cho khách hàng. Đến nay số tài sản này được làm gì, tập kết, vận chuyển đi đâu thì đơn vị không rõ.
Tại khu đất dự án này cho thấy, bốn bề vắng lặng, không một bóng người được bảo vệ bằng dãy hàng rào xây kín, khoá cổng.
Phần lớn các hạng mục xây dựng trong nhà máy đang còn dang dở, rong rêu phủ kín các bức tường. Hệ thống nhà xưởng, máy móc bị gỉ sét, chuyển sang màu đen kịt và hư hại nhiều phần.
Phía bên trong bức tường rào bảo vệ, từng kiện hàng gồm lò gió, vỏ quạt gió, các loại cầu trục, máy móc bị gỉ sét, đen kịt... nằm lăn lóc giữa những đám cỏ dại mọc um tùm.