Hà Tĩnh: Tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng

Sở Xây dựng Hà Tĩnh vừa ban hành Văn bản số 1068/SXD-QLHĐXD, về việc đánh giá năng lực các tổ chức hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Vừa qua, công tác tư vấn của tỉnh Hà Tĩnh có nhiều hồ sơ có chất lượng tốt, công tác khảo sát thiết kế ngay từ đầu đã được chủ đầu tư, đơn vị tư vấn quan tâm thực hiện đầy đủ trên cơ sở quy trình, quy phạm, sát nhiệm vụ thiết kế, nên khi triển khai thi công không phải điều chỉnh thiết kế, phát sinh khối lượng; công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng đã có nhiều chuyển biến tích cực, các công trình thi công hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng cơ bản đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, đáp ứng được yêu cầu thiết kế.

Hình minh họa
Hình minh họa

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được còn một số tồn tại, hạn chế như: Hồ sơ khảo sát, thiết kế chất lượng không đảm bảo yêu cầu, một số công trình thi công xây dựng hoàn thành còn có khiếm khuyết về chất lượng, phải xử lý về kỹ thuật, mỹ thuật mới đủ điều kiện đưa công trình vào khai thác, sử dụng; công tác kiểm tra, giám sát của chủ đầu tư, tư vấn giám sát chưa thường xuyên, liên tục; một số nhà thầu lựa chọn vật liệu, phương án, biện pháp thi công chưa phù hợp, chưa tuân thủ thiết kế được duyệt, thuê đơn vị thí nghiệm không đủ điều kiện năng lực, đồng thời thiếu tổ chức kiểm tra, đánh giá thí nghiệm vật liệu, các điều kiện an toàn, ổn định của công trình trong quá trình thi công xây dựng.

Nguyên nhân chủ yếu là do năng lực yếu kém của đơn vị tư vấn, đơn vị thi công, cũng như trình độ, năng lực hạn chế của các cá nhân chủ trì khảo sát, thiết kế, giám sát, chỉ huy trưởng công trình... Đặc biệt có công trình chủ đầu tư lựa chọn đơn vị tư vấn, thi công không đủ năng lực. Công tác lập và phê duyệt đề cương, nhiệm vụ khảo sát của chủ đầu tư chưa bám sát yêu cầu nhiệm vụ cho thiết kế, thiếu hoặc khảo sát không đầy đủ.

Trong quá trình thẩm định tại Sở Xây dựng có nhiều hồ sơ thiết kế công trình chưa bám sát nhiệm vụ, quy trình, quy phạm thiết kế, chưa đúng chủ trương và mục tiêu đầu tư xây dựng, sai quy hoạch, hoặc không có trong các quy hoạch liên quan, trong quá trình thẩm định phải điều chỉnh, bổ sung, trình thẩm định nhiều lần.

Một số công trình giải pháp thiết kế đưa ra không phù hợp với quy trình kỹ thuật thi công, chưa nghiên cứu các biện pháp để có phương án tiết kiệm kinh phí nhất. Có hồ sơ còn mắc các lỗi cơ bản như: Tính sai khối lượng, nhập sai khối lượng từ bản vẽ vào bảng khối lượng… nên trong quá trình thẩm định phải sửa đi sửa lại nhiều lần, làm ảnh hưởng đến thời gian và tiến độ xử lý hồ sơ.

Ngoài ra, thời gian qua có tình trạng một số đơn vị tư vấn, đơn vị thi công có pháp nhân hành nghề nhưng không có cán bộ nhân viên, trong quá trình thực hiện phải đi thuê, mướn từ các đơn vị ngoài, dẫn đến cán bộ thực hiện không có trách nhiệm với chất lượng hồ sơ, chất lượng công trình vi phạm điểm c khoản 2 Điều 85 Nghị định 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ, quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng “Duy trì, đảm bảo điều kiện năng lực hoạt động của tổ chức theo chứng chỉ năng lực được cấp”.

Vì vậy, để nâng cao chất lượng hồ sơ khảo sát, thiết kế đảm bảo phù hợp với quy trình, quy phạm, chủ trương đầu tư, thực tế hiện trường, tiết kiệm kinh phí đầu tư và để tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng, Sở Xây dựng đã lập kế hoạch kiểm tra, rà soát năng lực của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng, nhằm thu hồi các chứng chỉ hoạt động xây dựng của tổ chức không đảm bảo điều kiện năng lực.

Thiện Phúc

Theo Chất lượng và cuộc sống