'Đại gia' bất động sản Trung Quốc báo lỗ gần 7 tỷ USD, cảnh báo vỡ nợ
Country Garden Holdings mới đây đã ra cảnh báo rằng công ty có thể vỡ nợ sau khi nhà phát triển bất động sản Trung Quốc báo lỗ kỷ lục gần 7 tỷ USD trong nửa đầu năm.
Theo báo cáo tài chính được công bố ngày 30/8, Country Garden công bố lỗ ròng 48,9 tỷ NDT (6,72 tỷ USD) trong 6 tháng đầu năm, mức lỗ kỷ lục so với số lãi 612 triệu NDT của 1 năm trước đó.
Trước đó, đầu tháng này, nhà phát triển bất động sản đã cảnh báo về khoản lỗ có thể lên tới 55 tỷ NDT, tương đương mức lỗ lớn nhất kể từ khi công ty niêm yết tại Hong Kong vào năm 2007.
Country Garden cho biết trong hồ sơ, mặc dù doanh thu tăng 39% trong kỳ, nhưng doanh nghiệp vẫn lỗ lớn do khối lượng và giá bán bất động sản sụt giảm, đồng thời sự suy giảm giá trị gia tăng đối với các tài sản đang được phát triển cũng như tài sản tài chính và hợp đồng.
Theo báo cáo, “tính thanh khoản của tập đoàn đang chịu áp lực chưa từng có với sự thắt chặt kép về doanh số và tài chính”.
Country Garden thừa nhận rằng họ đã không áp dụng các biện pháp kịp thời để đối phó với tình trạng suy thoái và không nhận ra những rủi ro từ sự phụ thuộc nặng nề và thị trường bất động sản cấp thấp hơn.
Công ty cho biết: “Xu hướng đi xuống sâu sắc và dai dẳng của thị trường vẫn khiến công ty mất cảnh giác”.
Đồng thời, nhà phát triển hàng đầu bất động sản Trung Quốc một thời cũng cảnh báo nếu kết quả tài chính tiếp tục xấu đi, tập đoàn có thể không đáp ứng được các nghĩa vụ nợ của mình, “điều này có thể dẫn đến vỡ nợ”.
Nhà phát triển này cũng viện dẫn “những điều không chắc chắn về mặt trọng yếu” có thể gây ra “nghi ngờ đáng kể về khả năng tiếp tục hoạt động liên tục của tập đoàn”.
Những cảnh báo mới nhất từ Country Garden cho thấy cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng sâu sắc của Trung Quốc đã tàn phá một trong những gã khổng lồ bất động sản của nước này như thế nào.
Từng là nhà phát triển bất động sản lớn nhất đất nước tính theo doanh thu, Country Garden đang rơi vào vòng xoáy nợ nần có thể còn tồi tệ hơn đối thủ China Evergrande Group vì tập đoàn này có số lượng dự án bất động sản nhiều gấp 4 lần so với "bom nợ" một thời.
Sự sụt giảm về nhu cầu nhà ở làm tăng thêm mối lo ngại cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nơi các nhà chức trách đang cố áp dụng các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn để đảo ngược tình trạng suy thoái. Các dấu hiệu lây lan từ khủng hoảng nhà ở đã gia tăng trong những tuần gần đây, từ việc một trong những ngân hàng ngầm lớn nhất Trung Quốc không thanh toán được cho đến việc các nhà phát triển bất động sản Hong Kong tháo chạy khỏi trái phiếu.
Country Garden cho biết họ tiếp tục đàm phán với các nhà đầu tư trái phiếu và ngân hàng để kéo dài thời gian đáo hạn nợ nhằm duy trì hoạt động. Công ty đã bỏ lỡ các khoản thanh toán lãi đối với một số trái phiếu bằng USD và phải đối mặt với một loạt các ngày đáo hạn quan trọng trong những tuần tới.
Cụ thể, các trái chủ bằng NDT của Country Garden dự kiến sẽ bỏ phiếu trong tuần này về kế hoạch gia hạn thanh toán trái phiếu có hiệu lực vào ngày 4/9. Nhà phát triển cũng phải xoay sở để thanh toán tổng cộng 22,5 triệu USD lãi trái phiếu bằng USD vào đầu tháng 9 khi thời gian ân hạn kết thúc
Trái phiếu của Country Garden hiện đang được giao dịch ở mức rất khó khăn, với trái phiếu trị giá 1 tỷ USD đáo hạn vào tháng 1 được giao dịch ở mức siêu thấp. Hiện tại cổ phiếu công ty đã trở thành cổ phiếu penny sau khi giảm 67% trong năm nay tại thị trường Hong Kong.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày 30/8, Country Garden đang lên kế hoạch phát hành 270 triệu HKD (34,4 triệu USD) cổ phiếu mới để trả các khoản vay khi công ty này phải đối mặt với khủng hoảng dòng tiền.
Theo một tuyên bố gửi tới sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong, công ty có trụ sở tại Phật Sơn này sẽ phát hành khoảng 350,6 triệu cổ phiếu với giá 0,77 HKD/cổ phiếu.
Country Garden sẽ không nhận được bất kỳ khoản tiền mặt nào từ số tiền thu được. Cổ phiếu này sẽ được sử dụng để bù đắp số tiền nợ một công ty con của Kingboard Holdings Ltd, một nhà sản xuất có trụ sở tại Hong Kong.
Xem thêm >> Country Garden gặp biến cố, kinh tế Trung Quốc 'gồng mình trước bão lớn'