Đại gia: Người nhân đôi tài sản, người lên núi ẩn mình

Ông Lê Phước Vũ ở trên núi vẫn sâu sát công việc, tỷ phú Trần Đình Long nhân đôi tài sản bất chấp dịch Covid-19... là tin tức nổi bật trong tuần.

Chủ tịch Hoa Sen sẽ xuất gia

Chia sẻ tại Đại hội cổ đông thường niên 2021 của Tập đoàn Hoa Sen, Chủ tịch HĐQT Lê Phước Vũ cho biết ông sẽ rời Hoa Sen vào năm 2026 khi doanh nghiệp tròn 25 tuổi. Việc chuyển hướng Hoa Sen từ doanh nghiệp sản xuất thép, tôn mạ sang phân phối vật liệu xây dựng là để chuẩn bị cho kế hoạch này.

Đại gia: Người nhân đôi tài sản, người lên núi ẩn mình - Ảnh 1
Ông Lê Phước Vũ ước mong xuất gia từ năm 30 tuổi

“Tôi đã muốn xuất gia từ năm 30 tuổi”, ông Vũ chia sẻ với cổ đông. Chủ tịch Hoa Sen cho biết ông đã "lên núi" từ năm 1995-1996, mua đất, xây chùa. Đến lúc nào đó, ông sẽ bán hết cổ phiếu Hoa Sen cho nhà đầu tư kế tiếp vì người xuất gia không có nhu cầu sở hữu tài sản.

Nói về dự định này, ông Lê Phước Vũ khẳng định sẽ ra đi trong trách nhiệm chứ không phải để gom một mớ tiền. Ông khẳng định thời gian qua dù ở trên núi vẫn sâu sát công việc, gọi điện trao đổi với các lãnh đạo tập đoàn.

Đại gia bị đóng băng 52 tỷ đồng tiết kiệm

Những ngày qua, dư luận xôn xao khi  một khách hàng “tố” Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam- PVcomBank phong tỏa tài khoản của khách hàng không đúng quy định, trong khi đó PVcomBank cho biết, 3 sổ tiết kiệm với số dư 52 tỷ đồng đang là vật chứng trong một vụ án lừa đảo được cơ quan điều tra xử lý nên chưa thể giải tỏa theo yêu cầu của khách hàng.

Theo vụ việc, ông Đặng Nghĩa Toàn và bà Tạ Thị Thu Trang (hộ khẩu thường trú tại quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) cho biết tháng 10/2018, ông Toàn và vợ là bà Tạ Thị Thu Trang gửi tiết kiệm tổng số tiền 52 tỷ đồng, chia làm 3 sổ tiết kiệm tại PVcomBank.

Đến cuối năm 2018, vợ chồng ông Toàn phát hiện cả 3 sổ tiết kiệm của mình bị phong tỏa do cầm cố để bảo lãnh cho Công ty TNHH cơ điện và xây dựng Jeongho Landmark VN (Công ty Jeongho) vay vốn tại PVcomBank. Tuy nhiên, ông Toàn khẳng định không biết Công ty Jeongho và chưa bao giờ ký vào các văn bản bảo lãnh vay vốn cho công ty này vay vốn.

Tá hỏa vì sự việc này, ông Toàn gửi đơn tố cáo đến Công an TP Hà Nội và các cơ quan liên quan để giải quyết. Đồng thời, ông Toàn có văn bản kiến nghị Công an TP.Hà Nội làm rõ.

Thông tin về vụ việc này, ngày 22/1, PVcomBank cho biết, hiện 3 sổ tiết kiệm của ông Toàn và bà Trang mở tại PVcomBank đang là vật chứng của vụ án hình sự "Nguyễn Thị Hà Thành cùng đồng phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản…" theo quyết định tạm giữ đồ vật, tài liệu số 19 và 21 ngày 4/9/2019 của Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội.

"Đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, xử lý vụ việc và chưa có quyết định cuối cùng", PVcomBank cho biết.

Về đề nghị giải tỏa 3 sổ tiết kiệm như đã nêu của ông Toàn và bà Trang, PVcomBank nhiều lần gửi văn bản thông báo tới ông Toàn và bà Trang, trong đó giải thích rõ vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra và ngân hàng chỉ có cơ sở giải quyết theo bản án có hiệu lực pháp luật.

Hiện PVcomBank đã và đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, các cấp có thẩm quyền để cung cấp thông tin, điều tra làm rõ các vấn đề.

Trong khi đó, theo phản ánh đến một số cơ quan báo chí, ông Toàn cho rằng cơ quan điều tra chưa có quyết định phong tỏa tài sản, nên việc ngân hàng giữ tiền của ông trong sổ tiết kiệm là không đúng pháp luật.

Tỷ phú Trần Đình Long nhân đôi tài sản sau 1 năm

Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tài sản trên sàn chứng khoán của phần lớn những người giàu nhất vẫn tăng trưởng. Tổng tài sản của 10 người giàu nhất sàn chứng khoán vẫn tăng gần 35.500 tỷ đồng.

Con số này nhờ sự tăng trưởng tài sản của 6 trong 10 người giàu nhất sàn chứng khoán. Trong đó, có 2 cá nhân nhân đôi tài sản là ông Trần Đình Long (Hòa Phát - cổ phiếu HPG) có thêm 19.313 tỷ đồng và ông Nguyễn Văn Đạt (Bất động sản Phát Đạt - PHR), thêm 7.277 tỷ đồng.

Hai đại gia gắn với Tập đoàn Masan (MSN) và Ngân hàng Techcombank (TCB) là các ông Nguyễn Đăng Quang, Hồ Hùng Anh cùng có thêm hơn 8.000 tỷ trong năm 2020, gấp rưỡi tài sản trên sàn chứng khoán của năm 2019.

Trong khi đó, ông Bùi Thành Nhơn (Novaland - NVL), Hồ Xuân Năng (Vicostone - VCS) lần lượt tăng 2.900 tỷ và 2.100 tỷ, tương đương mức tăng khoảng 25% so với năm trước.

4 người sụt giảm tài sản là 3 anh em trong gia đình Chủ tịch Vingroup (ông Phạm Nhật Vượng, các bà Phạm Thu Hương - vợ ông Vượng và Phạm Thúy Hằng, em bà Hương) và CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo. Mặc dù giảm 7.000 tỷ đồng (6%) so với năm 2019, ông Vượng vẫn giữ vị trí giàu nhất sàn chứng khoán Việt. Khối tài sản của ông vẫn lớn hơn tổng tài sản của 9 người còn lại.

Doanh nghiệp nhà 'Cường đô la' lại lùm xùm kiện cáo

Doanh nghiệp nhà ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đô la) đang vướng vụ kiện tụng liên quan tới một đối tác liên quan tới một dự án bất động sản quan trọng.

Trong một thông báo gần đây, CTCP Quốc Cường Gia Lai của bà Nguyễn Thị Như Loan (mẹ ông Nguyễn Quốc Cường) cho biết, công ty khởi kiện Sunny Island ra Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).

Hồi cuối 2016, CTCP Đầu tư Sunny Island và Quốc Cường Gia Lai đã ký biên bản ghi nhớ về việc QCG sẽ chuyển nhượng 100% quyền sở hữu của QCG trong một công ty sẽ được thành lập từ việc gốp vốn bằng toàn bộ dự án Phước Kiển cho Tập đoàn Sunny.

Thông tin QCG nhận tiền tạm ứng 50 triệu USD từ Sunny hồi cuối 2016 và dự định bán dự án cho đối tác này đã giúp cổ phiếu QCG tăng vọt từ khoảng 7 lần từ dưới 5.000 đồng/cp hồi cuối 2016 lên gần 30.000 đồng/cp giữa năm 2017. Nhưng trong nửa cuối năm 2017, cổ phiếu QCG chứng kiến chuỗi ngày dài giảm giá. Doanh nghiệp bốc hơi 4.000 tỷ đồng.

QCG chịu áp lực giảm khi công bố thông tin về việc thanh lý biên bản hợp tác với Sunny Island.

Báo cáo tài chính 2017 cho thấy QCG ghi nhận khoản phải trả 2.883 tỷ đồng đối với Công ty Đầu tư Sunny Island. QCG đã dùng tiền từ Sunny Island để tất toán nợ vay với BIDV Quang Trung và phát triển các dự án bất động sản. Nhiều nhà đầu tư khi đó lo ngại, QCG sẽ phải hoàn trả một khoản tiền lớn cho Sunny Island nếu dự án không thể triển khai theo cam kết.

Bà Nguyễn Thị Như Loan hiện là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ gần 102 triệu cổ phiếu QCG tương đương 37,04% vốn tại QCG. Con gái bà Loan - Nguyễn Ngọc Huyền My đang nắm giữ gần 39,4 triệu cổ phiếu QCG (tương đương 14,32%); em gái bà Loan là Nguyễn Thị Ánh Nguyệt nắm giữ gần 9,7 triệu cổ phiếu QCG (3,52%). Ông Nguyễn Quốc Cường (con trai bà Loan) nắm giữ 537.500 cổ phiếu QCG (0,2%).

Hồi tháng 8/2020, bà Nguyễn Thị Như Loan đã thôi kiêm nhiệm chức danh chủ tịch sau khi con trai rời công ty và phát triển các dự án riêng. Tháng 11/2018 ông Nguyễn Quốc Cường đã rút khỏi tất cả các vị trí tại QCG.

 

Minh Thái

Theo Báo Đất Việt