Đạm Hà Bắc lỗ nghìn tỷ: Sự thật công nghệ châu Âu?

- PGS.TS Nguyễn Văn Nam bày tỏ nhiều nghi ngại trước khẳng định dùng công nghệ châu Âu trong quá trình mở rộng nhà máy đạm Hà Bắc.

Công nghệ có vấn đề?

Tiếp tục chia sẻ ý kiến xung quanh việc dự án mở rộng Nhà máy đạm Hà Bắc sau 2 năm đi vào vận hành thua lỗ lên đến hơn 1.500 tỷ đồng, PGS.TS Nguyễn Văn Nam – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại khẳng định đây là câu chuyện không hề lạ ở Việt Nam.

Theo vị Phó Giáo sư, thời gian qua nhiều dự án sử dụng tiền ngân sách và do doanh nghiệp nhà nước đứng ra đầu tư thiếu chiến lược nên không hiệu quả, tình trạng thua lỗ, trì trệ kéo dài khiến dư luận bức xúc.

“Do đây là tiền của nhà nước nên việc theo dõi, giám sát chưa thật sự chặt chẽ. Nguyên tắc và khẩu hiệu của nhiều cán bộ, doanh nghiệp rất to tát, lúc nào cũng vì dân vì nước nhưng khi thực hiện thì luôn luôn có vấn đề. Từ khâu duyệt dự án, thẩm định, ký kết phương án. Việc này phải kiểm tra lại hết sức cụ thể và khách quan”, PGS.TS Nam khẳng định.

Lý giải việc Nhà máy đạm Hà Bắc thua lỗ nghìn tỷ dù liên tục hơn chục năm trước đó đã hoạt động có lãi, đóng góp cho ngân sách nhà nước, vị chuyên gia cho rằng có nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan dẫn đến tình trạng này.

Yếu tố đầu tiên theo ông Nam là do chất lượng đạm của Việt Nam kém, không đáp ứng được nhu cầu sản xuất của người dân. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do công nghệ không đảm bảo.

Đạm Hà Bắc lỗ nghìn tỷ: Sự thật công nghệ châu Âu? - Ảnh 1
PGS.TS Nguyễn Văn Nam bày tỏ nhiều nghi ngại trước khẳng định dùng công nghệ châu Âu trong quá trình mở rộng nhà máy đạm Hà Bắc. Ảnh: VNN


“Khi thiết kế mở rộng nhà máy này chúng ta khẳng định lấy tiêu chuẩn châu Âu, từ các thị trường nổi tiếng như Hà Lan, Đức, Đan Mạch, Ý. Tuy nhiên vấn đề là việc thiết kế, xây dựng, lắp đặt lại được thực hiện bởi nhà thầu Trung Quốc.

Khi đó nhà thầu Trung Quốc có thể mua thiết bị, công nghệ châu Âu rồi sau đó láp ráp, sản xuất tại trong nước. Vì thế mà chất lượng công nghệ không đạt được như tiêu chuẩn sản xuất ở các nước tiên tiến.

Máy móc nhà thầu lắp không chuẩn, công nghệ không đạt yêu cầu như thiết kế ban đầu cho nên chất lượng kém. Tôi đã từng được mời tham gia góp ý những dự án có nhà thầu Trung Quốc thi công nên biết rõ điều này.

Chúng ta đã làm với Trung Quốc nhiều lần rồi, có nhiều bài học kinh nghiệm nhưng vẫn chưa cảnh giác. Thử hỏi có nhà thầu Trung Quốc nào làm ở Việt Nam từ cầu đường, đường metro, tàu điện, nhà máy đạm, nhà máy điện... mà không có vấn đề không? Nhà thầu nào cũng kéo dài, đội vốn, công nghệ kém khiến Việt Nam nghi ngại”, ông Nam nhấn mạnh.

Nguyên nhân thứ hai được vị chuyên gia chỉ ra, đó là do hàng hóa của Việt Nam làm ra không thể cạnh tranh được với hàng hóa từ các nước, đặc biệt là phân đạm từ Trung Quốc.

“Do công nghệ của Trung Quốc tốt hơn, quy mô sản xuất lớn nên khấu hao vào mỗi đơn vị sản phẩm ít hơn so với khấu hao của Việt Nam.

Điều này dẫn đến giá thành sản phẩm thấp hơn nhiều so với Việt Nam sản xuất nhỏ lẻ và manh mún. Có thể giá cả ngang bằng nhưng chất lượng phân bón, đạm Ure của Việt Nam kém nên người dân sẽ chọn loại đạm tốt hơn từ Trung Quốc. Trong trường hợp đạm của chúng ta cao hơn thì đương nhiên người tiêu dùng sẽ không mua.

>>> Mua giá 20, có thể bán tới giá 60, nhiều quỹ ngoại sẽ sớm chốt lãi Novaland?


- Lượng cổ phiếu của 2 quỹ ngoại VinaCapital và Dragon Capital đã đủ cơ hội để bán ra khi cổ phiếu đã được niêm yết, có thanh khoản, tỷ suất lợi nhuận lớn. Bên cạnh đó, với tỷ lệ sở hữu dưới 5%, các quỹ đều không thuộc diện phải công bố thông tin khi giao dịch.

 

Ngoài ra, cây giống của Trung Quốc cũng đang tràn vào Việt Nam. Tôi cho rằng đây có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn đạm Trung Quốc.

Chúng ta có nhiều viện nghiên cứu, nhiều nhà khoa học nhưng không có nhiều giống tốt. Nhiều giống lúa, cây trồng, thậm chí giống cây con đều nhập từ Trung Quốc vào”, ông Nam phân tích.

Quy hoạch có vấn đề

Vị chuyên gia đặc biệt chú ý đến lý giải việc đầu tư thêm hơn 10.000 tỷ để mở rộng nhà máy từ đại diện đạm Hà Bắc.

Cụ thể, theo tính toán của ngành chức năng nhu cầu phân Ure ở Việt Nam là 2,2 triệu tấn. Tuy nhiên, vào thời điểm năm 2011, các nhà máy trong nước chỉ cung cấp được khoảng 1 triệu tấn phân Ure, phần còn lại phải nhập khẩu. Cho nên việc đầu tư mở rộng nâng công suất Hà Bắc lên 500 ngàn tấn là cần thiết.

“Thực ra những tính toán về nhu cầu sản lượng đạm, Ure lúc đó đều theo quy hoạch, dự báo. Nhưng phải thừa nhận rằng quy hoạch của Việt Nam chưa có một dự án nào thực hiện được. Từ các ngành công nghiệp cho đến quy hoạch cán bộ chúng ta đều làm không tốt.

Quy hoạch của chúng ta không có tính lâu dài, không đáng tin cậy và có nhiều ý nghĩa. Lúc báo cáo thì đúng như vậy nhưng 1-2 năm sau lại thay đổi nhanh chóng. Nhìn đạm Ninh Bình hay gang thép Thái Nguyên có thể thấy rõ điều này”, PGS.TS Nam chỉ rõ.

Từ phân tích trên, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại cho rằng trong trường hợp Bộ Công Thương xem xét lại dự án này, cần phải xem xét và quy trách nhiệm quyết định đầu tư dự án của các cá nhân, tập thể có liên quan.

“Chúng ta phải quy trách nhiệm từ người duyệt dự án đầu tiên. Anh duyệt như vậy, nói như thế nhưng làm có đúng không? Tại sao nhà máy vẫn thua lỗ, đạm không bán được? Nếu phát hiện làm không đúng nhiệm vụ thì phải kỷ luật.

Người còn làm việc hay nghỉ hưu thì vẫn phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên Luật pháp của Việt Nam hiện đang còn chưa hoàn thiện, có quy định rõ ràng với những người đã nghỉ công tác. Đó là một vấn đề chúng ta phải xem xét”, PGS.TS Nam nói.

Trở lại vấn đề của đạm Hà Bắc, theo vị chuyên gia, Việt Nam phải làm theo Luật và không được tiếp tục đổ tiền đầu tư nhằm cứu dự án này.

“Như ở các nước khi thua lỗ thì đa phần họ cho doanh nghiệp phá sản. Nếu chúng ta tiếp tục đầu tư, đổ tiền của nhà nước vào đó là một sự lãng phí cực kỳ lớn. Càng đầu tư sẽ càng chết, càng thua lỗ, sụp đổ.

Biện pháp tốt nhất là cho đạm Hà Bắc phá sản. Chúng ta cần thuê chuyên gia có kinh nghiệm, chuyên gia quốc tế để thậm định chính xác giá trị của dự án. Khi đó chúng ta không nên hi vọng có thể thu hồi toàn bộ vốn. Tuy nhiên tôi cho rằng thà mất đi 1 lần còn hơn chảy máu liên tục và kéo dài”, ông Nam khẳng định.

Từ dự án đạm Hà Bắc, vị chuyên gia nhấn mạnh, đã đến lúc Việt Nam cần phải thay đổi cơ chế quản lý, thay đổi thể chế kinh tế để tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp phát triển, tránh tình trạng trì trệ, thua lỗ kéo dài như nhiều dự án thời gian qua.

“Chúng ta phải thay đổi thể chế mới, hoạt động theo cơ chế thị trường, giảm sự quản lý của nhà nước thì mới mong có những chuyển biến. Nếu cứ tiếp tục duy trì cách làm như hiện nay, chắc chắn đầu tư bằng tiền ngân sách nhà nước sẽ không hiệu quả”, PGS.TS Nam nhấn mạnh.

Quá trình mở rộng nhà máy có ngừng sản xuất không?

Cùng chia sẻ về việc này, PGS.TS Phạm Quang –Viện trưởng Viện Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc Nhà máy đạm Hà Bắc thua lỗ nghìn tỷ.

Tuy nhiên để trả lời được chính xác nhất, cần phải làm rõ khi mở rộng Nhà máy đạm Hà Bắc thì có ngừng sản xuất không hay dây chuyền sản xuất cũ vẫn hoạt động.

“Ngừng sản xuất thì đầu ra sẽ giảm. Còn đầu vào chúng ta sẽ gánh thêm phí đầu tư nên có thể dẫn đến thua lỗ tăng lên.

Việc này cần thanh tra, xem xét cụ thể trong quá trình đầu tư có phải ngừng sản xuất thật hay không? Cách xử lý sẽ tùy thuộc vào thực tế chi phí đầu tư. Khi việc này được làm rõ và công khai thì chúng ta sẽ có những biện pháp tốt nhất để xử lý khó khăn”, ông Quang nêu quan điểm.

 

 

Theo Hoàng Nam
Báo Đất Việt

Link nguồn: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/dam-ha-bac-lo-nghin-ty-su-that-cong-nghe-chau-au-3326094/?paged=2