Lãnh đạo Ủy ban chứng khoán tin tưởng được nâng hạng vào tháng 9/2025
Theo lãnh đạo UBCKNN, thị trường chứng khoán Việt Nam hoàn toàn có khả năng được nâng hạng trong kỳ đánh giá tháng 9/2025. Cơ quan này cũng đang tích cực cải thiện trải nghiệm thực tế cho nhà đầu tư nước ngoài – yếu tố được xem là điều kiện then chốt không chỉ để “lên hạng” mà còn “trụ hạng”.
Tại buổi họp báo thường kỳ quý II/2025 của Bộ Tài chính, lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục là một trong những nội dung thu hút sự quan tâm lớn của báo chí. Những câu hỏi như Việt Nam còn thiếu những tiêu chí nào, lộ trình cụ thể ra sao và bao giờ có thể đạt mục tiêu nâng hạng đã được đặt ra với lãnh đạo Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).
Trả lời vấn đề này, Phó Chủ tịch Hoàng Văn Thu cho hay, theo Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1726, Việt Nam đặt mục tiêu nâng hạng thị trường vào năm 2025.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, UBCKNN đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như hoàn thiện khung khổ pháp lý, cải tiến hạ tầng kỹ thuật và tăng cường đối thoại với các tổ chức xếp hạng cũng như nhà đầu tư nước ngoài nhằm chia sẻ về sự phát triển của thị trường.
Một trong những bước tiến quan trọng được ông Thu nhấn mạnh là việc ban hành Thông tư 68, tạo tiền đề thiết lập cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) – một yêu cầu bắt buộc trong tiêu chí nâng hạng. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 18 nhằm sửa đổi, bổ sung các nội dung tại Thông tư 119/2020 và Thông tư 96/2020 liên quan đến hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán. Những điều chỉnh này bảo đảm sự tương thích với hệ thống giao dịch KRX – đã chính thức đi vào vận hành từ tháng 5/2025 và đang hoạt động ổn định, thông suốt.
Đặc biệt, để tháo gỡ các rào cản còn tồn tại với nhà đầu tư nước ngoài, Bộ Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 03, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư gián tiếp.
Một điểm nghẽn pháp lý khác hiện đang được xử lý là việc sửa đổi Nghị định 155, nhằm làm rõ mô hình CCP áp dụng cho cả thị trường cổ phiếu, không chỉ riêng với thị trường phái sinh như trước đây. Đây là nội dung quan trọng khi Luật Chứng khoán sửa đổi (Luật số 56) đã được trình Quốc hội, tạo hành lang pháp lý để hoàn thiện cơ chế hoạt động của CCP.
Liên quan đến một tiêu chí quan trọng khi các tổ chức xếp hạng xem xét nâng hạng là mức độ “mở cửa” đối với nhà đầu tư nước ngoài, lãnh đạo UBCKNN cho biết: tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại các doanh nghiệp niêm yết đã được điều chỉnh theo hướng linh hoạt, phản ánh rõ tinh thần cởi mở của Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính và UBCKNN tiếp tục duy trì đối thoại thường xuyên với các tổ chức đầu tư, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Thế giới để xác thực hệ thống thông tin và hỗ trợ quá trình đánh giá của các tổ chức xếp hạng quốc tế.
“Thay đổi về chính sách là một chuyện, nhưng điều quan trọng hơn là mức độ hài lòng của nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia thị trường Việt Nam. Đây mới chính là vấn đề căn cơ để thị trường chứng khoán Việt Nam duy trì thứ hạng sau khi được nâng hạng”, ông Hoàng Văn Thu nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBCKNN cũng đề cập tới một nội dung kỹ thuật đang được gấp rút triển khai là xây dựng mô hình tài khoản tổng (omnibus account) phục vụ thanh toán bù trừ.
"Với sự chuẩn bị bài bản, cách tiếp cận chủ động và khả năng đối thoại hiệu quả, chúng tôi tin tưởng Việt Nam có cơ sở để được nâng hạng ngay trong kỳ đánh giá tháng 9/2025", ông Hoàng Văn Thu nói.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng khẳng định rưanfg mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm nay không thay đổi. Theo ông, đây không phải là một chiến dịch bắt đầu từ con số 0 mà là kết quả tích lũy của một quá trình dài cải cách và hoàn thiện thị trường. Từ khuôn khổ pháp lý, tổ chức vận hành thị trường đến hạ tầng công nghệ – tất cả đã được đầu tư và nâng cấp đáng kể.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi lưu ý thêm, một trong những yếu tố mà các tổ chức xếp hạng rất quan tâm là “trải nghiệm” thực tế của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam. Không chỉ dừng ở khía cạnh pháp lý hay kỹ thuật, việc nâng hạng còn phụ thuộc vào cảm nhận của nhà đầu tư về sự thuận tiện, an toàn và minh bạch trong suốt quá trình tham gia thị trường.
“UBCKNN đang chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát toàn diện, nếu có gì còn có thể cải thiện được nữa để tăng cường trải nghiệm của nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi sẽ làm. Mọi công việc đang được triển khai ráo riết, với mục tiêu cụ thể là được nâng hạng vào kỳ đánh giá tháng 9 tới của FTSE Russell”, ông Chi cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, Việt Nam được nâng hạng sẽ là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển thị trường vốn theo hướng hiện đại, minh bạch và bền vững. Điều này không chỉ mở ra cơ hội thu hút dòng vốn chất lượng cao cho nền kinh tế trong nước, mà còn mang lại lợi ích lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài, khi có thêm một điểm đến đầu tư hấp dẫn và tiềm năng.