'Đất vàng hai bên sông Hồng như bãi cỏ hoang'
Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, sông Hồng phải là trung tâm hội tụ các hoạt động của thành phố để trở thành không gian phát triển dịch vụ, thương mại sầm uất.
Cho ý kiến dự thảo luật Thủ đô (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, việc khai thác các dòng sông vào phát triển đô thị của thủ đô cần được luật hoá để khai thác những tiềm năng, lợi thế vô cùng to lớn hai bên sông.
Theo ông Cường, sông Hồng phải trở thành không gian cảnh quan đẹp, là trung tâm hội tụ các hoạt động của thành phố để trở thành không gian phát triển dịch vụ, thương mại sầm uất.
"Hai bên bờ sông Hồng hiện đang bỏ hoang hóa, phát triển tự phát, nhếch nhác và nhiều tệ nạn xã hội do không thể tổ chức khai thác vì vướng vào một quyết định về phòng chống lũ trên sông Hồng và sông Thái Bình. Đất vàng hai bên sông Hồng tại Hà Nội giống như bãi cỏ hoang", đại biểu Hoàng Văn Cường bày tỏ.
Theo đó, ông Cường cho rằng, trong Luật Thủ đô (sửa đổi) cần phải có các quy định về khai thác hai bên sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy theo hướng quy định về căn cứ hình thành các hành lang. Gồm hành lang mặt nước bảo vệ dòng chảy thường xuyên, hành lang thoát lũ vào mùa lũ, hành lang bảo vệ đê ngăn lũ.
Liên quan đến quy hoạch sông Hồng, theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065, sông Hồng được định hướng sẽ là một trong 5 trục không gian chính. Theo đó, trục sông Hồng sẽ là không gian xanh trung tâm của đô thị trung tâm, không gian văn hóa sáng tạo, trục phát triển kinh tế - xã hội và là không gian điểm nhấn biểu tượng của Thủ đô Hà Nội, phát triển đô thị, công viên sinh thái hai bên sông, trị thủy, khai thác giá trị cảnh quan, cảng sông, du lịch hai bên sông.
Trước đó, Hà Nội đã có tới 7 lần điều chỉnh quy hoạch Thủ đô, đều đề cập đến quy hoạch sông Hồng. Trong đó, tại quy hoạch năm 1998, lần đầu tiên thành phố Hà Nội quy hoạch vượt qua sông Hồng để phát triển đô thị trung tâm, đây là bước đột phá để hình thành quận Long Biên vào năm 2003, và sắp tới là hình thành thành phố phía Bắc.
Đến năm 2008, sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chín, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí, tổ chức những sự kiện và năm 2012, thành phố đã phê duyệt nhiệm vụ thiết kế quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.
Trước sức hấp dẫn đặc biệt của khu vực hai bên dòng sông, đã có nhiều tổ chức nghề nghiệp trong và người nước đến Hà Nội nghiên cứu, đề xuất ý tưởng quy hoạch phát triển với quy mô khác nhau… Chỉ tính riêng từ 1992 - 2008, đã có gần 20 dự án trong và ngoài nước (Ý, Trung Quốc, Mỹ, Singapore…) đề xuất xây bãi giữa và ven sông Hồng, trong đó có rất nhiều dự án đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, những dự án này vẫn phải xếp vào ngăn kéo vì chưa có giải pháp cho hành lang thoát lũ. Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, đặc trưng của sông Hồng là biến đổi thế sông, người Pháp cũng đã từng nghiên cứu, từ khi hình thành cho đến nay có 3 thế sông cơ bản, cứ khoảng 70-100 năm lại biến đổi 1 lần do tự nhiên. Do đó, phải đảm bảo thoát nước khi có lũ. Điển hình mùa lũ năm 1971, mực nước sông Hồng lên tới 13m, nước lên xấp xỉ mặt cầu Long Biên, toàn bộ khu dân cư ở bãi giữa dưới cầu Long Biên phải di dời hết.