Hiện thực hóa giấc mơ đô thị hai bờ sông Hồng
Quy hoạch khu đô thị sông Hồng là bước khởi đầu cho chặng đường hiện thực hóa giấc mơ thành phố hai bên sông Hồng. Hà Nội sẽ quay mặt vào dòng sông để phát triển, thay vì “quay lưng” để phát triển về phía Tây.
Huyền tích về một dòng sông
Trong bộ sách “Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long” có trích rằng không ai biết sông Hồng hình thành từ đời nào. Từ Việt Trì, sông Hồng có thêm hai phụ lưu là sông Đà và sông Lô. Người Việt Nam biết ơn sông Hồng đã bồi đắp nên châu thổ sông Hồng. Có châu thổ sông Hồng mới có nền văn minh lúa nước sông Hồng.
Nhiều cứ liệu lịch sử cũng cho thấy, cuộc dời đô của Vua Lý Công Uẩn từ Hoa Lư ra thành Đại La cũng đi theo dòng sông Hồng. Đoàn thuyền bắt đầu từ dòng Sào Khê ra đến bến sông Hoàng Long, xuôi về ngã ba Gián Khẩu, ngược dòng theo sông Đáy đến sông Châu Giang. Qua sông Châu Giang, đoàn thuyền đi ngược sông Hồng để vào được sông Tô Lịch phía trước thành Đại La. Cuộc dời đô đó mở ra một thời kỳ mới phát triển cho Thăng Long - Hà Nội.
Khi Hà Nội trở thành kinh đô, ngoài vị trí là gương mặt, là đầu não điều khiển toàn bộ hoạt động của đất nước, nó còn là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế. Nhưng trước hết là của tam giác châu thổ sông Hồng mà sự thông thương giữa Hà Nội - “thứ nhất kinh kỳ”, “thứ nhì Phố Hiến” (Hưng Yên) nhờ sông Hồng để từ đó tỏa ra xung quanh trở nên vô cùng nhộn nhịp, ấy là cảnh dòng sông trên bến dưới thuyền, san sát tàu thuyền ra vào bốc dỡ hàng hóa.
“Thời phồn thịnh thế kỷ XVII khi mở cửa giao lưu thương mại với các nước thì Hà Nội trở thành trung tâm sản xuất, đầu mối trung chuyển. Hàng ngàn năm nay, sông Hồng đã chảy thành một phần rất trọng yếu của lịch sử nước Việt, trong đó có một ngàn năm chảy thành lịch sử Hà Nội. Nó trở thành một phần xương thịt của những miền đất nó đi qua, của bao thế hệ, của mỗi con người từng gắn bó máu thịt với nó”, trích Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, cho biết sông Hồng gắn liền với phát triển Hà Nội, là nơi hình thành điểm dân cư đầu tiên, nơi giao thương với các tỉnh lân cận, đồng thời là nơi hội tụ nhiều di tích văn hóa - lịch sử. Dọc 40km ven sông Hồng có tới gần 30 di tích lịch sử, nổi bật trong đó là di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh; truyền thuyết thiên tình sử Chử Đồng Tử - Tiên Dung; truyền thuyết Lý Ông Trọng chém giải trừ họa cho dân; đền Ghềnh và sự tích về công chúa Ngọc Hân (ở Long Biên)…
Ngoài ra, dọc bờ sông Hồng còn xuất hiện nhiều làng nghề truyền thống từ hàng trăm năm nay như: làng giấy Yên Thái, làng đào Nhật Tân (Tây Hồ), làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm)... Đối với làng gốm Bát Tràng, sông Hồng là nhân chứng cho sự hình thành và phát triển của làng. Không phải ngẫu nhiên người ta gọi sông Hồng là sông Mẹ. Sông Hồng không chỉ là con sông lớn, nuôi dưỡng cả vùng đồng bằng Bắc Bộ mà còn là con sông ẩn chứa rất nhiều yếu tố văn hóa gắn với những nơi nó đi qua, đặc biệt là Thăng Long - Hà Nội.
Kỳ vọng trục cảnh quan trung tâm
Là dòng chảy chính, sông Hồng từ xưa nay luôn là tâm điểm của những nghiên cứu, nằm trong quy hoạch phát triển chung của Hà Nội. Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, thời Pháp thuộc, qua các bản đồ quy hoạch giai đoạn 1920-1923 và 1943 đều đặt vấn đề về quy hoạch sông Hồng. Hay từ năm 1954 đến nay, Hà Nội đã có tới 7 lần điều chỉnh quy hoạch Thủ đô, đều đề cập đến quy hoạch sông Hồng.
Đặc biệt, sau quy hoạch năm 1998, lần đầu tiên thành phố Hà Nội quy hoạch vượt qua sông Hồng để phát triển đô thị trung tâm, đây là bước đột phá để hình thành quận Long Biên vào năm 2003, và sắp tới là hình thành thành phố phía Bắc. Đến năm 2008, sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chín, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí, tổ chức những sự kiện và năm 2012, thành phố đã phê duyệt nhiệm vụ thiết kế quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.
Trước sức hấp dẫn đặc biệt của khu vực hai bên dòng sông, đã có nhiều tổ chức nghề nghiệp trong và người nước đến Hà Nội nghiên cứu, đề xuất ý tưởng quy hoạch phát triển với quy mô khác nhau… Chỉ tính riêng từ 1992 - 2008, đã có gần 20 dự án trong và ngoài nước (Ý, Trung Quốc, Mỹ, Singapore…) đề xuất xây bãi giữa và ven sông Hồng, trong đó có rất nhiều dự án đáng ghi nhận. Đơn cử, năm 1996, dự án Trấn sông Hồng được nhà đầu tư Singapore đề xuất xây dựng ngoài đê khu vực An Dương. Phía Singapore đã thiết kế một khu dân cư hiện đại với các cao ốc là một quần thể gồm nhà ở, văn phòng thương mại, khách sạn, khu vui chơi và sinh hoạt cộng đồng nhằm giúp Hà Nội có một tiểu khu như ở đảo quốc sư tử.
Năm 2005, Công ty Indochina Land (Hoa Kỳ) cũng đề xuất dự án khu đô thị khoa học tại đây. Đặc biệt không thể không kể đến 2 dự án quan trọng nhất. Một là dự án HAIDEP nằm trong chương trình phát triển tổng thể Thủ đô Hà Nội giữa Việt Nam - Nhật Bản (năm 2004) trong đó đề xuất khai thác phát huy hai bên sông Hồng. Hai là dự án thành phố bên sông do lãnh đạo thành phố Hà Nội và thị trưởng thành phố Seoul (Hàn Quốc) ký thỏa thuận hợp tác quy hoạch, cải tạo và phát triển hai bên bờ sông Hồng, đoạn qua Hà Nội (năm 2006). Theo đó, phía Hàn Quốc giúp Hà Nội xây dựng bản quy hoạch 2 bên sông Hồng. Cùng với đó là các đề xuất dự án của Ý, Trung Quốc cũng như các doanh nghiệp của Việt Nam về khai thác bãi giữa sông Hồng…
Tuy nhiên, những dự án này vẫn phải xếp vào ngăn kéo vì chưa có giải pháp cho hành lang thoát lũ. Theo ông Nghiêm, đặc trưng của sông Hồng là biến đổi thế sông, người Pháp cũng đã từng nghiên cứu, từ khi hình thành cho đến nay có 3 thế sông cơ bản, cứ khoảng 70-100 năm lại biến đổi 1 lần do tự nhiên. Do đó, phải đảm bảo thoát nước khi có lũ. Điển hình mùa lũ năm 1971, mực nước sông Hồng lên tới 13m, nước lên xấp xỉ mặt cầu Long Biên, toàn bộ khu dân cư ở bãi giữa dưới cầu Long Biên phải di dời hết.
Đại kế hoạch thành phố hai bên bờ sông
Vì các lý do khách quan, chủ quan phải 10 năm sau, tức tháng 3/2022, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5.000 (từ vị trí quy hoạch cầu Hồng Hà đến vị trí quy hoạch cầu Mễ Sở) mới được phê duyệt, định hình cho nhánh sông ngàn năm của thành phố. Quy hoạch này là bước khởi đầu cho chặng đường hiện thực hóa giấc mơ thành phố hai bên sông Hồng. Hà Nội sẽ quay mặt vào dòng sông để phát triển, thay vì “quay lưng” phát triển về phía Tây.
Trải dài 40km (từ vị trí dự kiến xây cầu Hồng Hà đến vị trí sẽ xây cầu Mễ Sở), phân khu quy hoạch có tổng diện tích 11.000ha; trong đó, sông Hồng chiếm 33% (3.600ha), đất bãi sông chiếm 50% (hơn 5.400ha). Phần diện tích còn lại gồm các làng xóm đã hình thành từ lâu, các khu phố ngoài đê cùng các công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật. Quy mô dân số tối đa dự kiến đạt mức 300.000 người vào năm 2030. Điểm nhấn quan trọng ở quy hoạch này là 3.000ha bãi giữa sông Hồng.
Ông Đào Ngọc Nghiêm cho rằng nếu khai thác tốt quỹ đất bãi giữa để phục vụ vui chơi, giải trí cộng đồng, không gian xanh lớn đó sẽ đáp ứng được nhu cầu của nhiều lứa tuổi. Chẳng hạn, các công viên vui chơi sẽ hướng đến các lứa tuổi mang chức năng tổng hợp. Các công viên cảm giác mạnh và không gian mở dành cho thanh thiếu niên. Nếu thực hiện tốt việc này, dọc sông Hồng sẽ tạo ra trục cảnh quan trung tâm của Hà Nội.
Theo KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, việc quy hoạch phân khu đô thị được phê duyệt không chỉ đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của hàng ngàn cư dân sinh sống tại khu vực sông Hồng mà còn là mong đợi của toàn người dân Thủ đô. “Việc hoàn thiện quy hoạch phân khu sẽ góp phần thúc đẩy quá trình điều chỉnh xây dựng thành phố cũng như phát triển Thủ đô trở nên văn minh, hiện đại, bền vững. Đặc biệt trong tình hình các khu vực trung tâm đang khan hiếm quỹ đất như hiện nay”, ông Tùng nói.
Tuy nhiên, ông cho rằng làm thế nào để có thể khai thác được quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, tạo ra không gian xanh, vành đai xanh cho Thủ đô là vấn đề mà chúng ta cần tính tới bây giờ. Thực ra chiều dài sông Hồng chạy qua Hà Nội không nhiều, nhưng thượng nguồn sông nằm ở địa phận Trung Quốc có hơn 19 đập, do đó vấn đề phòng chống lũ đang trở thành rào cản với việc phát triển đô thị ven sông.
Theo ông Tùng, phải tìm ra kiến trúc để khi nào có nước thì kiến trúc đó mới tồn tại chứ không phải vì sợ thiên tai mà không xây dựng. Ông ví dụ khi xây dựng 2 con đường ở hai bên sông Hồng như 1 con đê thì phải tính đến khu vực hướng bờ sông chỉ làm cây xanh, khu vực công cộng, không gian xanh, vui chơi giải trí. Khi mùa nước thì đó là nơi thoát lũ. Còn bên trong có thể các nhà thấp tầng, nhà vườn, càng gần trung tâm thì cao tầng.
“Có thể nói, đô thị sông Hồng đã bị kìm hãm quá lâu. Đã đến lúc chúng ta đổi mới quyết liệt, không thể quay lưng vào dòng sông nữa”, vị kiến trúc sư nhấn mạnh và khẳng định bằng công nghệ mới, quy hoạch mới, chính sách mới sẽ giải quyết được vấn đề sử dụng quỹ đất, phát triển nhà ở. Đồng thời, cần sửa Luật Đê điều để có thể thúc đẩy phát triển, đô thị sông Hồng sẽ là mảnh đất sáng tạo cho các nhà đầu tư. “Đô thị ven sông Hồng sẽ thu hút những nhà đầu tư thông minh, có tầm nhìn lớn. Song nhà nước, Hà Nội phải dành nguồn lực ban đầu cho đô thị này, đô thị sông Hồng cho thấy sức hút mạnh mẽ hơn cả đô thị vệ tinh với 10 cây cầu được quy hoạch thêm”, ông nói thêm.
Theo thống kê của Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, có khoảng 243.670 người dân tương ứng trên 66.000 hộ nằm trong phạm vi quy hoạch hai bên bờ sông Hồng và là những đối tượng chính chịu ảnh hưởng trực tiếp từ quy hoạch này. Nhiều người dân bày tỏ ủng hộ chủ trương của thành phố và mong chờ một khu đô thị sớm được đầu tư xây dựng để cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, người dân cũng mong muốn được thành phố đảm bảo quyền lợi cho người dân, sớm được hỗ trợ, tái định cư để lên bờ.
Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, theo quy hoạch, sông Hồng sẽ đi qua trung tâm thành phố, kết hợp với trục: Hồ Tây - Ba Vì, Hồ Tây - Cổ Loa, Nhật Tân - Nội Bài và trục phía nam Hà Nội, trở thành năm trục chính trong định hướng điều chỉnh quy hoạch. Cuối năm 2023, đầu năm 2024, cùng với tiến độ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, thành phố sẽ đồng loạt triển khai các quy hoạch hai bên sông Hồng. Quá trình triển khai, các đơn vị chức năng sẽ lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư trước khi trình duyệt hồ sơ và báo cáo các cấp có thẩm quyền.