Đề xuất chấm dứt BOT chậm tiến độ: Rất cần thiết
Dự án BOT chậm tiến độ cần phải thu hồi, nhưng phải cân đối ngân sách để tiếp tục dự án và đảm bảo cho nhà đầu tư.
Ngày 25/1/2021, trao đổi với Đất Việt, chuyên gia giao thông TS Nguyễn Hữu Đức bày tỏ sự đồng tình trước đề xuất chấm dứt hợp đồng dự án BOT đường nối đại lộ Võ Văn Kiệt với cao tốc TP. HCM - Trung Lương có tổng vốn đầu tư 1.550 tỷ đồng của Sở GTVT TP. HCM.
Dự án đường nối này được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt năm 2010, kinh phí gần 2.400 tỷ đồng. Nhưng do thiếu vốn, tháng 4/2015, UBND TP. HCM đề xuất Chính phủ cho phép chỉ định nhà đầu tư.
Điểm đầu dự án tuyến nối đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương trơ thanh sắt hoen gỉ. |
Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (Công ty Yên Khánh, đơn vị thu phí cao tốc TP. HCM - Trung Lương) năm 2016 được TP. HCM chọn làm đối tác. Trong đó, UBND TP. HCM lo phần giải phóng mặt bằng, ước tính 560 tỷ đồng.
Dự án khi đó tính hoàn thành cuối năm 2017 nhưng mới đạt khoảng 12% khối lượng thì ngưng thi công do đối tác của TP. HCM không đủ năng lực.
Công ty Yên Khánh do Đinh Ngọc Hệ - Út "Trọc" (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Thái Sơn - Bộ Quốc phòng) thành lập, đưa cháu gái là Vũ Thị Hoan (36 tuổi) làm tổng giám đốc. Ông Hệ đang chịu án chung thân trong vụ án đấu thầu, thu phí cao tốc TP. HCM - Trung Lương và một vụ án trước đó.
Ông Đức phân tích: "Dự án BOT giao thông sẽ giúp phát triển hạ tầng, kết nối các tuyến đường để phát triển kinh tế. Đồng thời, phù hợp trong bối cảnh ngân sách địa phương còn eo hẹp nên cần phải khuyến khích nguồn lực từ các doanh nghiệp.
Khi dự án BOT giao thông chậm tiến độ sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Trong đó, sẽ làm chậm kế hoạch phát triển kinh tế địa phương, nhất là khi UBND TP. HCM đã chi 560 tỷ đồng giải phóng mặt bằng nhưng dự án không thể thực hiện, điều đó rất lãng phí".
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, quá trình chấm dứt dự án BOT giao thông cần phải thực hiện nghiêm túc, đúng quy định để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư và cân đối ngân sách tiếp tục triển khai dự án.
Ở một góc nhìn khác từ đề xuất trên của Sở GTVT, ông Đức cho rằng "Việc chấm dứt dự án BOT giao thông cần xem xét nhà đầu tư đã vi phạm cam kết trong hợp đồng như thế nào để xử lý theo quy định.
Các đơn vị quản lý tài chính, tư pháp, đầu tư cần phải đánh giá cụ thể hiện trạng dự án ở thời điểm hiện tại để xác định nhà đầu tư đã hoàn thành những hạng mục gì, chi ra bao nhiêu tiền cho dự án để định giá, đền bù hợp lý nếu cần thiết".
"UBND TP.Ngoài ra, cũng cần tính toán, sau khi thu hồi thì sẽ tiếp tục tuyển chọn nhà đầu tư khác triển khai hay dùng ngân sách để thực hiện dự án" - ông Đức bày tỏ.
Được biết, theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, việc xử lý, giải quyết các vi phạm hợp đồng BOT đã ký kết liên quan nhiều đến các lĩnh vực chuyên ngành tài chính, đầu tư và tư pháp. Do vậy, các sở ngành liên quan như Tài chính, Kế hoạch – Đầu tư, Tư pháp phải phối hợp, rà soát kỹ các điều khoản hợp đồng và các quy định pháp luật đảm bảo chặt chẽ thủ tục pháp lý theo quy định, tránh xảy ra các trường hợp khiếu nại, tranh chấp.
Sở GTVT kiến nghị UBND TP.HCM giao Sở Tư pháp tham mưu, đề xuất các thủ tục tiếp nhận dự án, chấm dứt hợp đồng BOT đã ký kết trước thời hạn với nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án phương án xử lý đối với việc vi phạm hợp đồng BOT đã ký kết; đồng thời đề xuất trình tự thủ tục tiếp theo để triển khai dự án.