Đề xuất thu phí khai thác 6 nhóm dữ liệu trên Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư hướng dẫn mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai từ Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai, trong đó đề xuất thu phí đối với 6 nhóm dữ liệu.
Cụ thể, cơ sở dữ liệu địa chính (gồm 7 nhóm nội dung): mức thu từ 8.200 - 1.000.000 đồng/đơn vị sản phẩm. Cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai (gồm 2 nhóm nội dung): mức thu từ 8.200 - 4.000.000 đồng/đơn vị sản phẩm.
Cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (gồm 2 nhóm nội dung): mức thu từ 8.200 - 4.000.000 đồng/đơn vị sản phẩm. Cơ sở dữ liệu giá đất (gồm 2 nhóm nội dung): mức thu từ 8.200 - 2.000.000 đồng/đơn vị sản phẩm.
Cơ sở dữ liệu điều tra, đánh giá đất đai; điều tra chất lượng đất, tiềm năng đất, thoái hóa đất (gồm 02 nội dung): mức thu từ 8.200 - 4.000.000 đồng/đơn vị sản phẩm. Cơ sở dữ liệu hồ sơ đất đai tại Trung ương: mức thu là 8.200 đồng/đơn vị sản phẩm.
Theo dự thảo, trường hợp Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là cấp tỉnh) có văn bản đề nghị khai thác, sử dụng tài liệu đất đai cho mục đích quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Quốc phòng thì mức thu phí bằng 60% mức phí tương ứng tại Biểu mức phí.
Dự thảo cũng đưa ra các trường hợp được miễn phí: Các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Phí và lệ phí khai thác thông tin của mình và khai thác thông tin người sử dụng đất khác khi được sự đồng ý của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai theo quy định pháp luật về đất đai.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có văn bản đề nghị khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu đất đai để phục vụ: Mục đích quốc phòng, an ninh trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của Luật Quốc phòng. Phòng, chống thiên tai trong tình trạng khẩn cấp theo quy định pháp luật về phòng, chống thiên tai.
Tại dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất tổ chức thu phí được để lại 70% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP của Chính phủ, nộp 30% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.
Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước không thuộc diện được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP thì nộp toàn bộ tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động thẩm định, thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.