Đến 2025, Thừa Thiên Huế sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương
Theo quy hoạch, có 8 tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Bình Dương. Trong đó, Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sớm nhất vào năm 2025.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 891/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch, có 5 đô thị trực thuộc Trung ương gồm Thủ đô Hà Nội, TP. HCM (dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại đặc biệt), Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng (dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại I).
8 tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Bình Dương (dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại I).
Trong đó, Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sớm nhất trong 8 tỉnh trên vào năm 2025, theo Quyết định số 1745 ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
TP Huế trực thuộc trung ương vào năm 2025 dự kiến có 9 đơn vị hành chính cấp huyện bao gồm: quận Phú Xuân, quận Thuận Hóa (tách ra từ TP Huế hiện nay), thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy, thị xã Phong Điền (hiện đã đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn để trở thành thị xã), huyện Quảng Điền, huyện Phú Vang, huyện Phú Lộc (sáp nhập 2 huyện Phú Lộc và Nam Đông) và huyện A Lưới.
Định hướng đến năm 2045, mô hình của TP Huế trực thuộc Trung ương vẫn giữ nguyên 9 đơn vị hành chính nhưng phát triển thành 4 quận: Phú Xuân, Thuận Hóa, Hương Thủy, Hương Trà; hai thành phố: Phong Điền (trên cơ sở thị xã Phong Điền) và Chân Mây (từ khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô kéo dài đến thị trấn Phú Lộc); hai thị xã: Quảng Điền, Phú Vang và một huyện là A Lưới.
Việc đưa Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đóng góp thiết thực cho vùng kinh tế Trung Trung Bộ và cho sự phát triển chung của đất nước. Theo đó, TP Huế sẽ trở thành động lực phát triển cụm ngành kinh tế biển Trung Trung bộ, đến năm 2030 sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển phát triển mạnh, mang tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á và xa hơn là của cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
TP Huế trực thuộc Trung ương cũng sẽ trở thành một trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học - công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Theo quy hoạch, Thừa Thiên Huế có 3 trung tâm đô thị:
Đô thị trung tâm gồm thành phố Huế (được chia thành 2 quận: quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương), quận Hương Thủy, thị xã Hương Trà.
Đô thị vùng Tây Bắc: Thị xã Phong Điền - Quảng Điền - A Lưới, trong đó khu vực đô thị trung tâm là đô thị Phong Điền gắn với cảng Điền Lộc.
Đô thị Vùng Đông Nam: huyện Phú Vang, huyện Phú Lộc, huyện Nam Đông, trong đó phát triển khu vực Chân Mây trở thành đô thị loại III - một thành phố thông minh, hiện đại gắn với Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
3 hành lang kinh tế :
Hành lang kinh tế Bắc - Nam gắn với quốc lộ 1 là trục chính, cao tốc Bắc Nam (Cam Lộ - La Sơn - Tuý Loan), quốc lộ 49 B và đường ven biển gắn với hành lang kinh tế ven biển.
Hành lang kinh tế Đông - Tây: kết nối liên thông 3 Cụm Cảng biển phía Đông (gồm: Chân Mây, Thuận An, Phong Điền) với 2 cặp cửa khẩu biên giới Việt Lào ở phía Tây (gồm: A Đớt/Tà Vàng và Hồng Vân/Cô Tài) thông qua các quốc lộ (49, 49D, 49E, 49F); gắn đường Hồ Chí Minh (kết nối các tỉnh vùng động lực miền Trung và Tây Nguyên) kết nối các nước Lào, Myanma, Thái Lan. Trong đó, ưu tiên đầu tư đường 71 từ cảng Phong Điền đến Cửa khẩu Hồng Vân thông qua quốc lộ 49F.
Hành lang kinh tế đô thị hướng biển và thúc đẩy liên kết vùng với Quảng Trị và thành phố Đà Nẵng: Trục chính là đường ven biển, phát triển các tuyến đường tỉnh, các tuyến giao thông hiện đại (tàu điện, đường sắt tốc độ cao) hướng đô thị biển; kết nối thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà và các đô thị ven biển.
3 trung tâm động lực tăng trưởng:
Quần thể di tích, di sản Cố đô Huế với khu công nghệ thông tin tập trung, khu công viên khoa học tại khu vực đô thị trung tâm: Hình thành trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc của khu vực, phát triển sản xuất phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin, chuyển đổi số và phát triển dịch vụ đô thị thông minh, nền tảng số, dữ liệu số, hạ tầng số tại khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm phát triển công nghiệp văn hóa, các tổ hợp trình diễn nghệ thuật, hệ thống bảo tàng, trung tâm hoạt động, triển lãm thương mại, EXPO chuyên đề, trung tâm hội nghị quốc tế và học thuật toàn cầu.
Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô: Xây dựng Cảng Chân Mây trở thành cảng container, cảng du lịch, là trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế; gắn với Cảng Liên Chiểu Đà Nẵng và hệ thống đấu nối giao thông quốc gia với các đường bộ trở thành trung tâm logistics xanh của vùng và quốc gia; cung cấp và sử dụng năng lượng sạch làm cơ sở hình thành đô thị Chân Mây và các khu chức năng trong Khu kinh tế.
Khu công nghiệp Phong Điền: Phát triển khu công nghiệp, hình thành đô thị công nghiệp phía Bắc kết nối với tỉnh Quảng Trị. Xây dựng trung tâm phát triển ngành dệt may, phát triển công nghiệp thời trang; công nghiệp chế biến, khai thác khoáng sản, hóa dầu...