Đến 2025, xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém
Khi thị trường đang chăm chú theo dõi sự so kè lợi nhuận của các Ngân hàng Thương Mại (NHTM), Quyết định số 689/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025” của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã “làm nóng” lại vấn đề gần như bị lãng quên: xử lý các ngân hàng yếu kém.
Có thể hiểu sự “yếu kém” của ngân hàng là kinh doanh thua lỗ, mất vốn và khả năng quản lý kém của người quản lý, điều hành. Sự tồn tại các ngân hàng “yếu kém” nếu không xử lý kịp thời sẽ là nguyên nhân gây sụp đổ hệ thống tài chính của nền kinh tế.
Xử lý ngân hàng yếu kém vẫn “dậm chân tại chỗ”
Lâu nay, nhắc đến ngành ngân hàng (NH), điều được nói đến đầu tiên là câu chuyện tăng lợi nhuận ấn tượng. Năm 2021 có 8 NH nằm trong câu lạc bộ lợi nhuận trước thuế trên 10.000 tỷ đồng. Thậm chí 2 NH đứng đầu bảng xếp hạng có lợi nhuận hơn 20.000 tỷ đồng. Đồng thời, vốn điều lệ của hệ thống NH trong năm 2021 cũng tăng mạnh nhất từ trước đến nay, thêm hơn 110.000 tỷ đồng.
Mặc dù vẫn còn nỗi lo về nợ xấu, song khả năng ứng phó với nợ xấu của đa số NH được đánh giá tốt hơn giai đoạn trước, ngành NH đã từng bước hội nhập hệ thống NH toàn cầu, đẩy mạnh số hóa, tạo ra môi trường cạnh tranh vô cùng khốc liệt.
Trong bối cảnh đó, nhóm các NHTM yếu kém gần như bị quên lãng trên thị trường. Nguyên nhân không chỉ vì sự so kè khốc liệt của nhóm NH tư nhân và NH có vốn nhà nước át đi những tên tuổi NH ở nhóm sau, còn nằm ở chỗ tình hình kinh doanh của các NH này nhiều năm nay đều rất “bí mật”, nên giới đầu tư hay người dân cũng dần ít quan tâm đến.
Thỉnh thoảng, cơ quan chủ quản ngành NH có tiết lộ, nợ xấu và tài sản không sinh lời của những NH yếu kém bước đầu được xử lý và thu hồi, tiền gửi gia tăng, quản trị điều hành được củng cố. Thông điệp truyền đi rất lạc quan, nhưng nếu nhìn vào thực chất có thể nói mọi việc vẫn còn ngổn ngang. Đã rất nhiều năm trôi qua, dù khẩu hiệu đưa ra phải giải quyết dứt điểm các NH yếu kém nhưng “hình như” mọi hoạt động xử lý cho đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy.
Phải đảm bảo vốn điều lệ tối thiểu
Để giải quyết thực trạng trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 689 phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025”.
Theo đó, với mục tiêu cụ thể của Đề án là triển khai thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao tại các NHTM Nhà nước nắm cổ phần chi phối và NHTM cổ phần có chất lượng quản trị tốt đã hoàn thành áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn vào cuối năm 2025. Hướng đến kết quả năm 2023 tỷ lệ hoàn vốn của các NHTM phải đạt ít nhất 10 đến 11% và năm 2025 đạt 11 đến 12%.
Tính đến cuối tháng 9 năm ngoái, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của nhóm NHTM cổ phần nhà nước mới chỉ đạt 10,83%, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đạt 9,53%. Như vậy, các NHTM tư nhân sẽ phải rất nỗ lực để đạt được tỷ lệ an toàn vốn theo yêu cầu của Đề án đưa ra đến năm 2025.
Chính phủ đưa ra 10 mục tiêu cụ thể. Trong đó, mục tiêu được quan tâm nhiều nhất chính là vốn điều lệ tối thiểu của các ngân hàng. Cụ thể đến năm 2025, yêu cầu tổ chức tín dụng phải có biện pháp bảo đảm có số vốn điều lệ như sau: Đối với nhóm ngân hàng thương mại trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn vốn điều lệ tối thiểu đạt 15.000 tỷ đồng; nhóm ngân hàng thương mại trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ và trung bình và ngân hàng thương mại có vốn nước ngoài thì vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng. Đối với tổ chức tín dụng, vốn điều lệ tối thiểu đạt 750 tỷ đồng. Đối với Công ty cho thuê tài chính, vốn điều lệ tối thiểu đạt 450 tỷ đồng.
Trong khi đó, nhóm yếu, yếu kém thực hiện phương án cơ cấu lại, tăng vốn do cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ nhằm kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý các rủi ro.
Thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại tẳng tỷ trọng lên khoảng 16-17% vào cuối năm 2025. Tăng tỷ trọng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào các ngành sản xuất và tiêu dùng ít cacbon.
Về nợ xấu, các nhà băng phải đánh giá chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ để có biện pháp xử lý thích hợp, thực hiện trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu theo đúng quy định. Mục tiêu đến cuối năm 2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa được xử lý và nợ tiềm ẩn, ở mức dưới 3% (không bao gồm các ngân hàng yếu kém).
Sức ép tăng vốn: Khuyến khích mua bán, sáp nhập ngân hàng
Đáng chú ý, trong nhóm giải pháp cơ cấu lại các TCTD, Chính phủ khuyến khích các nhà băng tự nguyện mua bán, hợp nhất, sáp nhập để gia tăng quy mô, phạm vi hoạt động, khả năng cạnh tranh. Đây là giải pháp được sử dụng hiệu quả, giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém thoát khỏi cảnh đổ vỡ và từng bước hoạt động ổn định. Nhiều ngân hàng sau tái cơ cấu đã xử lý được khối nợ xấu khổng lồ, bước đầu lấy lại được lợi nhuận.
Đối với các TCTD yếu kém, việc bán cổ phần cho nhà đầu tư (NĐT), nhất là NĐT nước ngoài, lại càng cần thiết, nhằm tái cơ cấu, xử lý các khó khăn. Trên thực tế cho thấy, một số NĐT ngoại đã bày tỏ mong muốn được mua lại, tham gia tái cơ cấu các TCTD yếu kém của Việt Nam.
Nhìn lại các thương vụ, mua bán, sáp nhập các NHTM tại Việt Nam trong thời gian qua còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của thị trường. Hiện nay, mặc dù sức ép tái cơ cấu đã giảm, song các ngân hàng yếu kém vẫn còn, cùng với áp lực tăng vốn nội tại và sự quan tâm của NĐT nước ngoài khiến thị trường mua bán, sáp nhập, hợp nhất (M&A) ngân hàng dự báo sẽ sôi động hơn trong thời gian tới.
Đề án cũng đặt mục tiêu phấn đấu có ít nhất từ 2-3 ngân hàng thương mại nằm trong top 100 ngân hàng lớn mạnh nhất trong khu vực châu Á. Đồng thời niêm yết toàn bộ cổ phiếu của các NHTM cổ phần trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó có 1-2 ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế.