Tin ngân hàng nổi bật trong tuần: 'Big4' ngân hàng rao bán loạt bất động sản, Eximbank sắp phát hành tối đa 5.000 tỷ trái phiếu
Tuần qua, loạt tin ngân hàng như Eximbank sắp phát hành hơn 245 triệu cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 20%; hàng được cấp 2.500 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho các khoản vay; ‘Big4’ ngân hàng rao bán loạt bất động sản chục tỷ ở TP HCM thu nợ;… gây chú ý tới thị trường tài chính.
Lãi trước thuế quý 2 của Vietcombank có thể đạt 7.700 tỷ đồng
Tin ngân hàng đáng chú ý tuần qua là dự báo của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC). Theo đó, báo cáo cập nhật Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), VDSC dự báo lợi nhuận trước thuế quý II/2022 của ngân hàng sẽ tăng 56% so với cùng kỳ, đạt 7.700 tỷ đồng.
Trong đó, thu nhập lãi thuần trong quý II được dự báo tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập phí thuần sẽ được hưởng lợi đáng kể từ nền so sánh thấp trong quý II/2022.
Bên cạnh đó, hoa hồng từ bán chéo bảo hiểm sẽ tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng. Nhóm phân tích kỳ vọng sẽ có một khoản thưởng bancassurance trong quý II/2022. Tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh ước tính đạt 15.600 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về chi phí tín dụng, mức trích lập dự phòng dự báo ổn định trong các quý tới, ở mức hơn 2.000 tỷ đồng chi phí dự phòng. Nhóm phân tích ước tính rằng vào cuối tháng 5, tổng dư nợ của các khách hàng được cơ cấu có thể vào khoảng 2% tổng dư nợ toàn hàng. Việc phục hồi ổn định của danh mục nợ cơ cấu có thể dẫn đến việc hoàn nhập dự phòng đáng kể trong quý IV/2022.
Eximbank dự kiến phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ năm 2022
Tin ngân hàng nổi bật tiếp theo là việc Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB) thông qua phương án phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ năm 2022.
Cụ thể, Eximbank dự kiến phát hành tối đa 5.000 trái phiếu với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu với kỳ hạn tối đa là 3 năm. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và không phải nợ thứ cấp của Eximbank.
Eximbank dự kiến phát hành thành 5 đợt, mỗi đợt 1.000 tỷ đồng. Trong đó hai đợt đâu phát hành dự kiến vào quý II và 3 đợt sau dự kiến phát hành vào quý III và quý IV/2022.
Mục đích phát hành trái phiếu của ngân hàng là để tăng quy mô vốn hoạt động của Eximbank, phục vụ nhu cầu cấp tín dụng, đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Nguồn vốn thu được từ việc phát hành sẽ được Eximbank sử dụng để cho vay, cấp tín dụng cho khách hàng theo từng thời kỳ.
Đồng thời, ngân hàng Eximbank vừa có Nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận từ năm 2017 - năm 2021.
Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành hơn 245,8 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức tỷ lệ 20%, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu EIB sẽ được nhận số cổ phần mới tối đa là 20 cổ phần. Nguồn vốn phát hành từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2017, 2018, 2019, 2020 và 2021. Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng lên mức 14.814 tỷ đồng.
Thời gian dự kiến hoàn thành việc tăng vốn điều lệ là trong quý III/2022. Số vốn tăng thêm sẽ được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của ngân hàng với dự kiến đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, trụ sở làm việc, đầu tư công nghệ,... và mở rộng hoạt động kinh doanh của ngân hàng Eximbank.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) thông báo đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt hạn mức hỗ trợ lãi suất 2%/năm với quy mô dự kiến 2.500 tỷ đồng trong năm 2022 đối với các đối tượng được hỗ trợ lãi suất.
Trước đó, ngày 20/5/2022, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về việc hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đồng thời trong cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn các NHTM thực hiện hỗ trợ lãi suất theo nghị định trên.
Nghị định này sẽ được thực hiện trong năm 2022 và 2023 hoặc có thể kết thúc sớm hơn khi tổng số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đạt khoảng 40.000 tỷ đồng, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2023. Mức hỗ trợ lãi suất là 2%/năm thông qua hình thức giảm trực tiếp số lãi tiền vay phải trả bằng số lãi tiền vay được hỗ trợ lãi suất trong kỳ.
Theo Agribank, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn Ngân sách Nhà nước là giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thuộc các ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 trong việc tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, tận dụng thời cơ phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, góp phần kích thích cả phía cung và cầu, tạo nền tảng để phục hồi và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.
Ngay sau khi Nghị định và Thông tư được ban hành, Agribank đã chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện tốt chương trình hỗ trợ lãi suất. Tính từ thời điểm khách hàng được hỗ trợ lãi suất đến nay, Agribank đã giải ngân gần 100.000 tỷ đồng dành cho các đối tượng được thụ hưởng từ đợt hỗ trợ lãi suất lần này.
Trước Agribank, Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng đã được bố trí là 3.000 tỷ đồng để triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% cho các khoản vay.
‘Big4’ ngân hàng rao bán loạt bất động sản chục tỷ ở TP HCM thu nợ
Từ đầu tháng 6 tới nay, các "ông lớn" trong nhóm Big4 ngân hàng gồm VietinBank, Agribank và Vietcombank liên tục rao bán đấu giá nhiều bất động sản tại TP HCM có giá trị hàng chục tỷ đồng để thu hồi nợ.
Agribank thông báo bán đấu giá bốn bất động sản tại phường Phú Hữu, TP Thủ Đức (quận 9 cũ) với giá khởi điểm 72,1 tỷ đồng để thu hồi nợ. Bốn lô đất lần lượt có diện tích 484 m2 (giá khởi điểm 19,4 tỷ), 473 m2 (giá khởi điểm 19,1 tỷ), 468 m2 (18,7 tỷ) và 368 m2 (14,7 tỷ), ngân hàng cho biết sẽ bán gộp cả bốn tài sản và không bán riêng lẻ do các thửa liền kề.
Cũng tại phường Phú Hữu, TP Thủ Đức, Agribank rao bán một lô đất 420 m2 gần kề với 4 lô kể trên nhưng được ngân hàng thông báo bán riêng biệt với giá khởi điểm 17,1 tỷ đồng.
VietinBank cũng rao bán khoản nợ của Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Vũ Quang với giá khởi điểm 20,3 tỷ đồng. Tính đến 14/4 tổng dư nợ của doanh nghiệp này là 20,3 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 16,4 tỷ. Tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Vũ Quang là hàng chục bất động sản tại các quận Phú Nhuận, quận Bình Thạnh, quận 8 và huyện Củ Chi.
Cụ thể, tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà tại lô đất 43,8 m2 có địa chỉ 120/86/63 đường Thích Quảng Đức, phường 5, quận Phú Nhuận. Quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở tại 32/22 đường Nguyễn Huy Lượng, phường 14, quận Bình Thạnh có diện tích 72.6 m2, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại 451/64, đường Phạm Thế Hiển, phường 3, quận 8 có diện tích 63,1 m2.
Ngân hàng Vietcombank thông bán bán đấu giá quyền sử dụng đất tại thửa đất hơn 1.400 m2 tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh với giá khởi điểm 12,8 tỷ đồng. Tài sản trên là tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty TNHH kim loại Việt Phong. Khoản nợ này từng được Vietcombank rao bán nhiều từ hồi đầu năm tới nay nhưng vẫn chưa ghi nhận kết quả, lần rao bán tháng 1 giá khởi điểm mà nhà băng đưa ra là 13,7 tỷ đồng.
Về tài sản trên, Vietcombank cũng lưu ý lô đất trên có mục đích sử dụng là đất cụm công nghiệp có thời hạn sử dụng đến 2055.
Chốt kéo dài Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu đến 31/12/2023
Tin ngân hàng cuối cùng nổi bật trong tuần qua là thông tin về nợ xấu.
Theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội XV mới được thông qua, về kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Quốc hội thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 từ ngày 15/8/2022 đến hết ngày 31/12/2023.
Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cùng với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng; trình Quốc hội xem xét chậm nhất tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).
Trong thời gian kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14, Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu tại Báo cáo số 174/BC-CP ngày 11 tháng 5 năm 2022, chỉ đạo tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị gắn với trách nhiệm trong tổ chức thực hiện Nghị quyết, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của Nghị quyết.
"Lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 tại thời điểm 15/8/2017 và số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết số 42 có hiệu lực", bà Hồng cho biết.
Tính trung bình nợ xấu đã xử lý đạt khoảng 5,67 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn mức trung bình 3,25 nghìn tỷ đồng/tháng trong giai đoạn trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (từ năm 2012 - 2017).