ĐHĐCĐ OCB: Tăng vốn lên hơn 26.600 tỷ, sẽ sở hữu CTCK khi thuận lợi
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, OCB trình kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 26.600 tỷ đồng. Đồng thời, ngân hàng cho biết đang hợp tác chiến lược với Chứng khoán VIS và có định hướng sở hữu công ty chứng khoán khi điều kiện thị trường thuận lợi, nhằm hoàn thiện hệ sinh thái và mở rộng nguồn thu ngoài lãi.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 diễn ra sáng 22/4, ông Trịnh Văn Tuấn – Chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Phương Đông (HoSE: OCB) đánh giá năm 2024 kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều yếu tố bất định, tuy nhiên có dấu hiệu ổn định trở lại khi hoạt động thương mại quốc tế được cải thiện, lạm phát giảm dần và các điều kiện tài chính được nới lỏng.
Trong năm, danh mục khách hàng của OCB có sự điều chỉnh, tập trung vào các nhóm khách hàng chiến lược gồm cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Ngân hàng triển khai các gói tín dụng ưu đãi với tổng hạn mức hơn 65.000 tỷ đồng, hỗ trợ khoảng 15.000 khách hàng tiếp cận vốn vay với lãi suất cạnh tranh.
Theo đó, tín dụng toàn hệ thống của OCB tăng gần 20% trong năm 2024, cao hơn mức trung bình ngành là 15,08%. Dư nợ khách hàng cá nhân tăng 11,4%, trong khi dư nợ đối với khối SME tăng 51,7% so với đầu năm. Tổng tài sản đạt 280.712 tỷ đồng, tăng 17%. Tỷ lệ nợ xấu được ghi nhận ở mức 2,38%.
OCB cũng thực hiện tái cơ cấu danh mục kinh doanh theo hướng đa dạng hóa nguồn thu, đồng thời tăng cường công tác xử lý và thu hồi nợ. Trong quý IV/2024, lợi nhuận trước thuế tăng 230% so với quý trước. Cả năm, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 4.006 tỷ đồng.
Chủ tịch OCB cũng đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển trong dài hạn do tỷ lệ người dân tham gia vẫn còn ở mức thấp và khả năng được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong tương lai là đáng kể. Đây là lĩnh vực được nhiều ngân hàng, trong đó có OCB, quan tâm nhằm hoàn thiện hệ sinh thái dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm và tăng nguồn thu ngoài lãi.
Trả lời cổ đông về thông tin Công ty Cổ phần Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) sẽ đổi tên thành Công ty Chứng khoán OCBS, ông Tuấn cho hay OCB cũng đặt nhu cầu có một đơn vị ngân hàng đầu tư để phục vụ nhóm khách hàng ưu tiên, đặc biệt là khách hàng thuộc phân khúc cao. Trên cơ sở đó, OCB định hướng sở hữu một công ty chứng khoán, với mục tiêu trở thành ngân hàng giao dịch chính của khách hàng.
Do điều kiện thị trường hiện tại chưa thuận lợi, OCB lựa chọn phương án hợp tác chiến lược toàn diện với Chứng khoán VIS. Về dài hạn, ngân hàng để ngỏ khả năng sở hữu công ty chứng khoán khi thị trường cho phép.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng đề cập đến tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của OCB, từng đạt trên 20% và nằm trong nhóm cao trên thị trường giai đoạn trước năm 2022. Tuy nhiên, từ năm 2022, chỉ số này suy giảm do ảnh hưởng chung của thị trường. Lãnh đạo ngân hàng cho biết đã có các biện pháp để cải thiện hiệu quả hoạt động. Mục tiêu trước mắt là đạt ROE khoảng 15% trong năm nay và sẽ tiếp tục nâng dần trong những năm tiếp theo, hướng đến nhóm 5 ngân hàng TMCP tư nhân có ROE cao nhất thị trường.
Theo kế hoạch được trình tại đại hội, OCB đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ từ 24.658 tỷ đồng lên 26.631 tỷ đồng. Ngân hàng cũng dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2025 đạt 5.338 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2024. Tổng tài sản ước đạt 316.779 tỷ đồng, tăng 13% so với cuối năm 2024. Tổng huy động thị trường 1 và tổng dư nợ thị trường 1 được đặt mục tiêu tăng lần lượt 14% và 16%. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục được kiểm soát dưới 3%.
Ngân hàng cũng dự kiến chi trả cổ tức bằng tiền mặt lần đầu tiên kể từ khi niêm yết, với tỷ lệ 7% vốn điều lệ (tương đương 1.726 tỷ đồng). Đồng thời, OCB trình kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 8%.