ĐHĐCĐ TPBank: Trả cổ tức 39%, lãnh đạo lý giải nguyên nhân nợ xấu quý 1 tăng cao
Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank cho biết, nếu tiếp tục hoạt động thuận lợi, đạt tăng trưởng cao, ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện việc chia cổ tức cho các cổ đông với cả hai hình thức là tiền mặt và cổ phiếu.
Sáng nay (26/4), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023.
Kế hoạch lợi nhuận 8.700 tỷ đồng, chia cổ tức 39,19%
Tại đại hội, Hội đồng Quản trị (HĐQT) TPBank trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế 8.700 tỷ đồng, tăng trưởng 11% so với kết quả đạt được năm 2022, tổng tài sản dự kiến tăng 7% lên 350 nghìn tỷ đồng.
Nguồn vốn huy động thị trường 1 ước tăng 6% lên gần 307 nghìn tỷ đồng trong khi dư nợ cho vay và trái phiếu tổ chức kinh tế dự kiến tăng 18%, lên hơn 215,7 nghìn tỷ đồng.
Kế hoạch dư nợ cho vay và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp dự kiến tùy theo hạn mức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tỷ lệ an toàn vốn đạt 12,6% và tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức thấp hơn 2,2%.
Tại đại hội, HĐQT cũng trình cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 22.016 tỷ đồng, tương đương mức tăng 39,19% thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm 2023.
Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank cho biết, để đưa ra con số tỷ lệ tăng vốn này, HĐQT phải căn cứ vào khả năng của vốn chủ sở hữu của ngân hàng, phần vốn muốn tăng thêm lấy từ nguồn lợi nhuận để lại.
“Chúng tôi đã cân nhắc và thấy mức 39% lên hơn 22.000 tỷ đồng là phù hợp. Chúng tôi không muốn dùng tất cả vốn đang có để tăng vốn điều lệ mà muốn để lại một phần để dự trữ. Đây cũng là mức tăng khá cao, thông thường, các ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ khoảng trên dưới 20%”, ông Phú nói.
Về khả năng chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong những năm tới, Chủ tịch TPBank nhấn mạnh, nếu tiếp tục hoạt động thuận lợi, đạt tăng trưởng cao, ngân hàng sẽ thực hiện việc chia cổ tức cho các cổ đông với cả hai hình thức là tiền mặt và cổ phiếu. Tỷ lệ chia cổ tức HĐQT sẽ cân nhắc theo từng thời điểm nhưng phần tiền mặt sẽ chiếm đáng kể.
Nợ xấu tăng cao do quy định trên CIC
BCTC quý 1/2023 cho thấy, số nợ xấu của TPBank tăng mạnh tới 84% chỉ sau 3 tháng, lên 2.497 tỷ đồng; trong đó, nợ xấu chủ yếu gia tăng ở nhóm 3 (tăng gấp 3,1 lần) và nhóm 4 (tăng gần 64%). Tỷ lệ nợ xấu theo đó tăng từ 0,84% hồi cuối năm 2022 lên 1,45% khi kết thúc quý 1/2023.
Lý giải nguyên nhân nợ xấu tăng mạnh, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc ngân hàng cho biết, nợ xấu nội bảng của ngân hàng không có nhiều biến động mà chủ yếu tăng do quy định thông tin tín dụng CIC, khi khách hàng có nợ xấu ở ngân hàng khác sẽ dẫn đến xếp vào nhóm nợ cao hơn ở ngân hàng mình dù họ vẫn trả đầy đủ nợ gốc và lãi cho TPBank.
“Chúng tôi sẽ theo sát về nợ xấu và nợ nhóm 2 và có kế hoạch cụ thể để tăng cường công tác thu hồi nợ. Bên cạnh đó, mới đây, NHNN đã ban hành Thông tư 02 cho thấy NHNN và Chính phủ nhận thấy những tình hình thực tế trên thị trường về khả năng trả nợ của khách hàng và có những điều chỉnh phù hợp. Chúng tôi cũng lường trước khó khăn để quản trị tốt nhất về chất lượng tài sản để đảm bảo tỷ lệ nợ nhóm 2 và nợ xấu trong mức cho phép để đảm bảo an toàn”, ông Hưng nói.
Liên quan đến chất lượng trái phiếu nắm giữ, Tổng giám đốc TPBank khẳng định, hầu hết khoản đầu tư TPDN của ngân hàng đều có tài sản bảo đảm. Việc trích lập dự phòng và phân loại được thực hiện theo đúng quy định của NHNN và quy định pháp luật. Các khoản trái phiếu này không có quá nhiều, chỉ chiếm trên dưới 10% tổng dư nợ và đều được quản lý tốt.
Với khoản rót vốn của TPBank vào dự án The Grand Manhattan của Novaland gần đây, ông Hưng cho biết, đây là một trong những dự án tốt nhất, là 1 trong 7 dự án của UBND TP HCM ưu tiên tháo gỡ. Đến nay, dự án này đã hoàn thành phần cất nóc.
“Dự án này đã được tháo gỡ pháp lý, đã bán được gần 90%, chỉ còn 10% và kể cả giảm giá xuống mức tối đa thị trường thì dự án này vẫn thừa khả năng trả nợ cho ngân hàng”, ông Hưng nói.
Cựu lãnh đạo NHNN tham gia HĐQT nhiệm kỳ mới
Cũng tại đại hội, HĐQT TPBank trình cổ đông bầu thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ 2023-2028.
Theo đó, số lượng thành viên được bầu vào HĐQT nhiệm kỳ mới là 6, trong đó có một thành viên độc lập. Danh sách ứng cử viên dự kiến có 4 thành viên thuộc HĐQT nhiệm kỳ cũ là ông Đỗ Minh Phú (Chủ tịch HĐQT), ông Đỗ Anh Tú (Phó Chủ tịch HĐQT), ông Lê Quang Tiến (Phó Chủ tịch HĐQT) và ông Shuzo Shikata – đại diện 4,51% vốn góp của SBI Ven Holding Pte. Ltd tại TPBank.
Bên cạnh đó, còn có hai ứng cử viên mới là bà Nguyễn Thị Mai Sương và bà Võ Bích Hà (ứng cử thành viên HĐQT độc lập).
Trong đó, bà Nguyễn Thị Mai Sương sinh năm 1961, có trình độ học vấn thạc sỹ kinh tế Đại học Kinh tế Quốc dân. Bà từng giữ vị trí Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hà Nội (2009-2016) và Trưởng ban Hiệp Hội Ngân hàng (2016-2022), sau đó nghỉ hưu theo chế độ từ tháng 7/2022 đến nay.
Bà Võ Bích Hà sinh năm 1967, là cử nhân kinh tế Đại học Kinh tế Quốc dân. Bà Hà đã có nhiều năm công tác tại BIDV và đảm nhiệm các vị trí quan trọng như Trưởng phòng quản lý vốn góp, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư, Trưởng ban Ban Kiểm soát. Bà nghỉ hưu theo chế độ từ tháng 12/2022 đến nay.
Về BKS, danh sách ứng viên bao gồm 3 thành viên là bà Nguyễn Thị Thu Hương, ông Thái Duy Nghĩa và bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt.