Địa phương sát vách Hà Nội có 4 tuyến giao thông huyết mạch chạy qua vừa lên thị xã sớm 1 năm, tham vọng lên TP trong vài năm tới

Dự kiến đến năm 2030, dân số của khu vực này sẽ đạt khoảng 305.000 người và tiếp tục tăng lên 400.000 người vào năm 2045.

‘Về đích’ trước tiến độ

Ngày 26/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 441/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Việt Yên đến năm 2045, tỷ lệ 1/10.000. Quyết định này đề ra lộ trình phát triển rõ ràng với những mục tiêu đầy tham vọng, hứa hẹn đưa Việt Yên thành một đô thị hiện đại, văn minh và đáng sống trong tương lai.

Theo đó, Phấn đấu đến năm 2025 để Việt Yên đủ điều kiện trở thành thị xã. Đến năm 2030 đạt tiêu chí đô thị loại III và là thành phố trực thuộc tỉnh Bắc Giang với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 60 - 75% và đạt khoảng 75 - 85% vào năm 2045.

Vào cuối năm 2023, Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực Nghị quyết 938/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên. Đây là sự kiện trọng đại, đánh dấu bước phát triển mới của địa phương, mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Diện mạo thị xã Việt Yên đang thay đổi từng ngày. Ảnh: Internet
Diện mạo thị xã Việt Yên đang thay đổi từng ngày. Ảnh: Internet

Theo Nghị quyết, từ ngày 1/2/2024, Việt Yên chính thức được công nhận là thị xã trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên 171,01km2 và quy mô dân số 229.162 người của huyện Việt Yên cũ. Việc thành lập thị xã Việt Yên sớm hơn kế hoạch đề ra khoảng 1 năm là sự ghi nhận cho những thành tựu to lớn mà địa phương đạt được trong những năm qua, đồng thời là động lực để Việt Yên tiếp tục phát triển trong tương lai.

Khẳng định vị thế quan trọng

Thị xã Việt Yên nằm ở phía Tây Nam tỉnh Bắc Giang. Địa phương này là đầu mối của một số tuyến giao thông huyết mạch quan trọng như: Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, quốc lộ 17, quốc lộ 37, tuyến đường sắt Bắc - Nam và giao thông đường thủy trên sông Cầu kết nối các tỉnh, các đô thị, các trung tâm kinh tế lớn của cả nước như: Thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Thái Nguyên…

Việt Yên thuộc vùng kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, gắn với hành lang phát triển kinh tế trên tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang. Hành lang phát triển kinh tế trên tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đi qua Việt Yên, mở ra cơ hội thuận lợi cho giao lưu, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, thông thương hàng hóa, thu hút vốn đầu tư; đồng thời tạo ra nhiều cơ hội để phát triển một nền kinh tế đa dạng, bao gồm công nghiệp, dịch vụ - thương mại, nhất là phát triển công nghiệp.

Đặc biệt, với hai trục kinh tế: Trục Bắc - Nam (dọc cao tốc Hà Nội - Bắc Giang) đã và đang hình thành nhiều khu, cụm công nghiệp có quy mô lớn và trục kinh tế Đông - Tây (dọc quốc lộ 37 và đường vành đai IV) đã đưa Việt Yên trở thành khu vực phát triển năng động nhất tỉnh.

Hình ảnh một số khu công nghiệp lớn được xây dựng trên địa bàn thị xã Việt Yên. Ảnh: Internet
Hình ảnh một số khu công nghiệp lớn được xây dựng trên địa bàn thị xã Việt Yên. Ảnh: Internet

Những năm qua, Việt Yên đã tận dụng được nhiều tiềm năng của mình khi là một trong những địa phương đứng đầu tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế cao. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng giá trị ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Thu nhập bình quân đầu người cao.

 Theo quy hoạch, dân số của Việt Yên dự báo sẽ tăng trưởng đều đặn trong những năm tới. Dự kiến đến năm 2030, dân số của khu vực này sẽ đạt khoảng 305.000 người và tiếp tục tăng lên 400.000 người vào năm 2045.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển và sinh sống của người dân, diện tích đất xây dựng đô thị Việt Yên cũng được quy hoạch mở rộng. Theo đó, dự kiến đến năm 2030, diện tích đất xây dựng đô thị sẽ đạt khoảng 4.500 - 5.000ha và tăng lên 5.500 - 6.000ha vào năm 2045.

Điểm đến du lịch hấp dẫn

Với hơn 340 di tích lịch sử cùng nhiều làng nghề truyền thống, thị xã Việt Yên (Bắc Giang) là mảnh đất giàu tiềm năng để phát triển du lịch. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, trùng tu, tôn tạo các di tích, xây dựng tour, tuyến phù hợp, tạo tiền đề  thúc đẩy “ngành công nghiệp không khói” phát triển.  

Thị xã Việt Yên có nhiều di tích được Nhà nước xếp hạng, trong đó có Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn) và đình Đông (thị trấn Bích Động), 19 di tích cấp quốc gia, 74 di tích cấp tỉnh; 18 làng quan họ, được đưa vào danh sách bảo tồn và phát triển di sản văn hóa. Hằng năm, Việt Yên thu hút khoảng 300 nghìn lượt khách du lịch, trong đó chủ yếu là khách chiêm bái, lễ Phật ở các di tích nổi tiếng.

Chùa Bổ Đà - một trong những điểm đến hấp dẫn du khách tại Việt Yên. Ảnh: Vietnamnet
Chùa Bổ Đà - một trong những điểm đến hấp dẫn du khách tại Việt Yên. Ảnh: Vietnamnet

Từ nay đến năm 2030, huyện phấn đấu xây dựng, kết nối các tour, tuyến du lịch tâm linh: Tây Yên Tử - Yên Dũng - TP Bắc Giang - Việt Yên; trong đó chú trọng quảng bá khu di tích chùa Bổ Đà, làng cổ Thổ Hà, đền thờ danh nhân văn hóa Thân Nhân Trung và một số điểm di tích trên địa bàn. Hình thành tour du lịch vừa tham quan di tích tâm linh vừa trải nghiệm du lịch cộng đồng, sinh thái: Tiên Sơn - Vân Hà - Nếnh - Hồng Thái - Bích Động - Minh Đức.

Thùy Dung

Theo Chất lượng và cuộc sống