Dịch bệnh khiến thị trường bất động sản ngưng trệ: Giải pháp nào để các chủ đầu tư và đơn vị môi giới vượt khó?
Việc giãn cách xã hội đã làm thị trường bất động sản ngưng trệ. Các chủ đầu tư, đơn vị môi giới khó khăn, hàng nghìn môi giới bất động sản rơi vào tình cảnh thất nghiệp... Vậy các môi giới, doanh nghiệp cần làm gì để vượt qua khó khăn trước mắt?
Theo thống kê của Hội môi giới bất động sản Việt Nam, dưới sự tác động của dịch bệnh covid – 19, hàng nghìn nhà môi giới bất động sản thất nghiệp và con số này đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Nghiêm trọng hơn, khó khăn về kinh tế khiến nhiều cá nhân và đơn vị môi giới có tâm lý khủng hoảng, bỏ cuộc…
Trong bối cảnh đó, ngày 20/8, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam phối hợp với Hội truyền thông Hà Nội, tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Sàn giao dịch & môi giới BĐS vượt khó do ảnh hưởng Covid-19: Giải pháp & Kiến nghị” nhằm tìm ra những giải pháp, khuyến nghị về chính sách, về cách thức giúp Sàn giao dịch, nhà môi giới bất động sản tận dụng được các cơ hội trong bối cảnh đầy thách thức của dịch bệnh để ổn định và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Tại Toạ đàm, ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA cho biết, trong giai đoạn dịch bệnh, 70% số doanh nghiệp môi giới bất động sản phải chọn giải pháp cắt giảm lương của người lao động hoặc ngưng hoạt động.
Riêng trong 3 tháng gần đây, 50% số doanh nghiệp môi giới bất động sản tại TP.HCM chỉ đạt mức doanh thu dưới 10%. Đây là nhóm có nguy cơ ngưng hoạt động rất cao; 30% có mức doanh thu từ 30% - 50%, được đánh giá là nhóm nguy cơ ngưng hoạt động cao. 10% số doanh nghiệp ở nhóm tạm ổn định (doanh thu 50-70%). Chỉ 10% còn lại nằm trong diện ổn định.
Thực hiện giãn cách xã hội, tất cả các doanh nghiệp môi giới bất động sản không thể gặp mặt, tiếp xúc, tổ chức sự kiện nên không có nguồn khách hàng. Bên cạnh đó, giãn cách xã hội kéo theo khó khăn trong việc truyền tải thông tin dự án.
Các cơ quan nhà, nước phòng công chứng, trung tâm đăng ký thủ tục đất đai… cũng ngưng hoạt động nên hầu như không thể hoàn thành thủ tục giao dịch. Mặc dù các đơn vị đã triển khai tổ chức bán hàng online nhưng thủ tục giao dịch cũng không thuận tiện do không được tiếp xúc trực tiếp.
Từ đó, làm đảo lộn mọi kế hoạch của các doanh nghiệp, các mục tiêu trong năm và mục tiêu dài hạn bị tác động, ảnh hưởng nặng nề. Mặc dù doanh thu giảm hoặc không có nhưng chi phí thuê mặt bằng văn phòng, bảo hiểm xã hội, tiền lương, tiền thuế lên đến hàng tỷ đồng mỗi tháng… vẫn phải trả. Hơn nữa, dòng tiền của các chủ đầu tư cũng eo hẹp nên các sàn khó thu hồi công nợ. Hoạt động kinh doanh, bán hàng bị ngưng trệ, nhân viên không có thu nhập, dẫn đến việc rời bỏ công ty.
Đánh giá về những khó khăn hiện nay, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land Nguyễn Thị Thanh Hương cũng cho rằng việc giãn cách xã hội đã làm thị trường ngưng trệ. Tùy theo mức độ kiểm soát dịch ở các địa phương mà tình hình ngưng trệ này có thể một phần hay hoàn toàn.
Dưới góc độ là chủ đầu tư dự án, bà Hương cho biết hiện các doanh nghiệp là chủ đầu tư, sàn môi giới phải đối diện với hàng loạt khó khăn.
Trong đó, kế hoạch kinh doanh bị phá vỡ nghiêm trọng, các CĐT dự án đều phải điều chỉnh giảm kế hoạch từ 30% thậm chí cao hơn do các hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ vì dịch bệnh. Doanh thu bán hàng sụt giảm nghiêm trọng trong khi chi phí đầu vào tăng dẫn đến hiệu quả hoạt động giảm sâu.
Các sự kiện bán hàng bị tạm dừng, do 2 đợt dịch xảy ra liên tiếp vào đầu năm nay làm cho các kế hoạch bán hàng không thể tổ chức theo dự kiến. Hiện nhiều doanh nghiệp đã đầu tư cho nền tảng bán hàng trực tuyến, nhưng những nền tảng này lại chỉ phù hợp với các thương hiệu lớn, uy tín. Dù vậy, thói quen giao dịch truyền thống và yêu cầu khắt khe về pháp lý là rào cản chưa mang lại hiệu quả cao cho hình thức giao dịch mới này.
Trong khi đó, áp lực về đồng tiền và khả năng trả nợ vay đè nặng doanh nghiệp. Theo Bà Hương, hầu hết các CĐT đều sử dụng nguồn vốn vay từ Ngân hàng và các hình thức huy động tài chính khác. Trong trạng thái bình thường khi dòng tiền ổn định thì khả năng trả nợ vay được đảm bảo.
Ngoài ra, tình trạng doanh thu giảm sút cũng khiến việc duy trì hoạt động của các doanh nghiệp, sàn môi giới gặp khó khăn. Bên cạnh đó, nguồn lực dự phòng cho các hoạt động phục hồi bị cạn kiệt, trong khi các khó khăn về pháp lý dự án vẫn tiếp tục kéo dài, đây là nguyên nhân gây ách tắc nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp trong nhiều năm qua.
Giải pháp nào để vượt khó?
Đề giải quyết khó khăn cũng như chuẩn bị cho việc đón nhận cơ hội về nhu cầu và sự quan tâm đối với thị trường bất động sản, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, các doanh nghiệp cần điều chỉnh nhanh với sự thay đổi trong hành vi của khách hàng.
Đối với các chủ đầu tư hoặc sàn giao dịch bất động sản, cần chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử vào chu trình bán hàng. Từ đó, mang lại trải nghiệm cũng như tăng khả năng kết nối các khách hàng với dự án trong thời gian giãn cách xã hội.
Cùng quan điểm này, ông Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch CEN Group nhìn nhận, cách mạng công nghệ 4.0 đang làm thay đổi mọi hoạt động trong cuộc sống, BĐS không nằm ngoài xu thế này. Chưa bao giờ ứng dụng mua sắm online lại phát triển mạnh như thời gian qua. Những buổi mở bán online trong BĐS trở nên quen thuộc, thu được nhiều kết quả vượt trội so với nhiều năm trước.
“Khách hàng Việt Nam được tiếp cận nhiều thông tin, trở thành nhà đầu tư, tiêu dùng thông minh hơn. Biết phân tích đánh giá, đưa ra quyết định dựa trên số liệu thuyết phục chứ không chỉ đơn giản là lời hứa, thương hiệu hay hiệu ứng đám đông. Bởi vậy, những nhà phát triển dự án hay đầu tư kinh doanh BĐS cũng phải tự nâng cấp để đáp ứng nhu cầu, hành vi khách hàng” - ông Phạm Thanh Hưng chia sẻ.
Còn theo ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS, hiện doanh nghiệp rất cần có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước về cơ chế chính sách như: Giãn, hoãn, giảm tiền thuế… nhằm giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp. Đặc biệt là cần thúc đẩy chiến dịch tiêm vaccine trên diện rộng.
“Muốn các doanh nghiệp khoẻ mạnh thì phải có thị trường tốt. Muốn có thị trường tốt thì trước hết phải có vaccine. Đến nay, chúng ta không thể kỳ vọng là xã hội zero Fo nữa mà phải xác định sống cùng dịch bệnh, và cần nhanh chóng triển khai tiêm đủ 2 mũi để tạo miễn dịch cộng đồng. Từ đó ổn định trở lại các hoạt động trên thị trường”, ông Tuyển nêu quan điểm.
Trong khi đó, ông Phạm Lâm kiến nghị, bên cạnh việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ, các sàn môi giới cần đoàn kết lại, chia sẻ cơ hội với nhau. Theo ông Lâm, việc liên kết, đoàn kết, để tạo nên cộng đồng doanh nghiệp môi giới bất động sản khoẻ mạnh sẽ giúp các doanh nghiệp thích nghi tốt hơn với điều kiện khó khăn hiện nay…