Điểm danh những tài sản giá trăm tỷ ngân hàng rao bán gần đây
(SHTT) - Vietcombank, BIDV,... đồng loạt đấu giá nhiều tài sản đảm bảo để xử lý các khoản nợ từ vài chục tỷ đồng lên đến hàng trăm tỷ đồng trong tháng 9 và tháng 10/2020. Tuy nhiên, việc bán tài sản thu hồi nợ xấu không dễ thành công bởi tác động của đại dịch Covid-19.
Trong tháng 9,10/2020 BIDV có hàng chục khoản nợ và tài sản đảm bảo có giá trị lớn từ vài trăm đến hơn nghìn tỷ đồng, được rao bán hoặc trong quá trình chọn đơn vị đấu giá. Trong số đó, có nhiều tài sản, khoản nợ đã được nhà băng này rao bán nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa có người mua.
Cụ thể, BIDV đấu giá cho khoản nợ của Công ty vận tải Biển Đông (Bisco) với tài sản đảm bảo là tàu Biển Đông Victory và trụ sở công ty. Trong dự án đồng tài trợ vốn vay cho Bisco do Agribank làm đầu mối, BIDV đã tài trợ nguồn vốn hơn 10,3 triệu USD (hơn 200 tỷ đồng) cho doanh nghiệp này.
BIDV cũng rao bán nhiều khoản nợ có giá trị khá lớn như khoản nợ của Công ty Việt Can và Doanh nghiệp tư nhân Như Ý hơn 1.100 tỷ đồng. Đây là khoản nợ được BIDV rao bán lần thứ 9 nhưng chưa thành công.
Cuối tháng 10/2020, BIDV tiếp tục bán đấu giá lần thứ 18 toàn bộ khoản nợ của 1 khách hàng doanh nghiệp là Công ty CP Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân với giá khởi điểm 800 tỷ đồng.
BIDV chi nhánh Long Biên Hà Nội cũng vừa thông báo bán đấu giá khoản nợ của Cty Biển Đồng lần thứ 7 với giá khởi điểm 126,7 tỷ đồng. Theo đó, tại thời điểm ngày 7/4/2020, tổng dư nợ của Thuận Thảo Nam Sài Gòn tại BIDV là 462 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 230 tỷ và nợ lãi 232 tỷ đồng. Còn khoản nợ của 95 khách hàng cá nhân lên tới 2.273 tỷ đồng, bao gồm dư nợ gốc 978 tỷ đồng và lãi là 1.295 tỷ đồng. Như vậy, tổng nợ gốc và lãi của 2 khoản này lên tới hơn 2.700 tỷ đồng.
Về chất lượng tín dụng, tính đến ngày 30/9/2020, cho vay khách hàng của BIDV đạt gần 1,15 triệu tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với đầu năm. Nhưng tổng nợ xấu của Ngân hàng tăng đến 16% so với đầu năm, chiếm hơn 22.526 tỷ đồng. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng 15% đạt gần 4.951 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn tăng 16% đạt 14.315 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vay của BIDV tăng từ 1,75% lên mức 1,97%.
Tương tự, Vietcombank cũng là nhà băng đang rao bán nhiều khoản nợ và tài sản có giá trị trên trăm tỷ đồng để xử lý nợ xấu.
Chẳng hạn, tháng 10/2020 Vietcombank chi nhánh Châu Đốc bán đấu giá trăm nghìn m2 đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh cùng các công trình đi kèm như nhà ở, nhà kho, văn phòng... tại An Giang với giá khởi điểm hơn 209,6 tỷ đồng. Trước đó, tháng 9/2020 Vietcombank cũng rao bán khoản nợ này với giá hơn 220 tỷ đồng.
Vietcombank Bình Dương cũng phát mại tài sản đảm bảo của Cty may Xuân Lộc bao gồm máy móc, thiết bị, quyền sử dụng đất,... với giá khởi điểm hơn 75,9 tỷ đồng.
Trong tháng 8/2020, Vietcombank cũng đồng loạt thông báo đấu giá nhiều tài sản đảm bảo để xử lý các khoản nợ. Chẳng hạn như phát mại các tài sản gắn liền với đất của Công ty Bao bì Xi măng Tam Điệp với tổng diện tích là 19.800 m2 tại Ninh Bình với giá khởi điểm gần 22 tỷ đồng; Rao bán tài sản đảm bảo là hệ thống nhà xưởng, máy móc thiết bị của nhà máy VinaXuki Thanh Hóa lần thứ 4 với giá khởi điểm hơn 36 tỷ đồng;…
Về chất lượng tín dụng, tính đến ngày 30/9/2020, cho vay khách hàng tại Vietcombank chỉ tăng 7% so với đầu năm, lên mức hơn 783.757 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng nợ xấu của Ngân hàng lại tăng mạnh 36%, chiếm gần 7.885 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn gấp 4,3 lần (2.923 tỷ đồng), nợ nghi ngờ gấp 2,7 lần (1.599 tỷ đồng), đẩy tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 1,75% lên mức 2%.
Hay như SCB gần đây cũng đang rao bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là Trường Kỹ thuật Tin học Sài Gòn với giá khởi điểm 191 tỷ đồng.
Đầu tháng 9/2020, SCB còn đấu giá bán một khu đất trăm tỷ khác là quyền sử dụng đất của kho Phước Sơn, thuộc phường An Phú, xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Tổng diện tích quyền sử dụng động là 102.902 m2 bao gồm 6 nhà kho, 2 phân xưởng, 2 nhà văn vòng và các công trình phụ trợ khác. Giá khởi điểm của khu đất là 830 tỷ đồng.
Trước đó, SCB cũng đang rao bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc một dự án chung cư chậm tiến độ với giá khởi điểm hơn 2.350 tỷ đồng. Mức giá này thấp hơn gần 180 tỷ so với giá khởi điểm trong lần đầu chào bán.
Dự án này là biệt thự cao cấp BMC – Hưng Long tại quận 7, TP HCM, do Công ty Vật liệu xây dựng và xây lắp thương mại (BMC) làm chủ đầu tư.
Về chất lượng nợ xấu, SCB cũng là một trong những nhà băng khá ‘kín tiếng” khi không công bố thuyết minh báo cáo tài chính, do đó không có nhiều thông tin cụ thể về nợ xấu của Ngân hàng. Chỉ biết, SCB vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2020. Theo đó, tính đến 30/09/2020, dư nợ tín dụng đạt 351.990 tỷ đồng, tăng 5,4% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu và nợ quá hạn ở mức 1,23% và 0,74%.
Trong bối cảnh nợ xấu có xu hướng gia tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Agribank liên tục rao bán các khoản nợ khó đòi và tài sản bảo đảm trong những tháng gần đây.
Trong tháng 9, Agribank thông báo bán đấu giá cụm 27 tài sản thế chấp bao gồm các quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền, có tổng diện tích 73.377 m2 tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP HCM. Ngân hàng chào giá khởi điểm cho lô tài sản trên là gần 356 tỷ đồng.
Đầu tháng 10/2020. Agribank bất ngờ thông báo bán đấu giá 123 tấn thuốc bảo vệ thực vật với giá khởi điểm hơn 5 tỷ đồng.
Thực tế, không hề dễ để các nhà băng thanh lý những tài sản có giá trị lớn. Một số chuyên gia trong lĩnh vực xử lý nợ cho biết, rao bán những tài sản như nhà xưởng, khu công nghiệp, khách sạn hay trường học... khó hơn nhiều so với thanh lý ôtô hay bất động sản nhà ở giá trị thấp.
Quy định cũng hạn chế đối tượng được phép mua những tài sản giá trị lớn như khu công nghiệp, dự án của doanh nghiệp nhà nước... Cá nhân hay tổ chức đăng ký phải có lĩnh vực và điều kiện tài chính phù hợp để tiếp nhận tài sản mà ngân hàng đấu giá.
Bên cạnh đó, chuyên gia Cấn Văn Lực cũng từng chia sẻ rằng, một trong những yếu tố khiến ngân hàng trầy trật rao bán nợ, nhất là những khoản nợ trị giá lớn là do năng lực thẩm định giá còn hạn chế trong khi quy định chỉ cho phép điều chỉnh giá khởi điểm 5-10% trong một lần đấu gía tiếp theo.