Điểm mới nổi bật nhất của Luật Đất đai 2024: Việt kiều hưởng lợi, rõ ràng về thu hồi đất
So với Luật Đất đai 2014, Luật Đất đai 2024 có nhiều điểm mới được bổ sung, đồng thời một số quy định cũng được rõ ràng, chặt chẽ và cụ thể hơn.
Vừa qua, Chính phủ đã có tờ trình đề xuất Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực sớm từ 1/7/2024.
Luật Đất đai (sửa đổi) góp phần quan trọng hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý cho quá trình quản lý, sử dụng tài nguyên đất, phát huy tối đa nguồn lực đất đai. Luật Đất đai 2024 gồm 16 chương, 260 điều với nhiều điểm mới so với Luật Đất đai 2013.
Việt kiều dễ dàng sở hữu nhà đất
Luật Đất đai 2024 không phân biệt công dân Việt Nam trong nước hay định cư ở nước ngoài đều có thể tiếp cận đất đai.
Cụ thể, theo khoản 3 và khởn 6 Điều 4 Luật Đất đai 2024 về "Người sử dụng đất" quy định người sử dụng đất được nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà chưa được nhà nước cấp giấy chứng nhận..., bao gồm: cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Luật Đất đai 2024 không phân biệt tổ chức kinh tế trong nước và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài mà không phải đáp ứng điều kiện, không phải thực hiện thủ tục đầu tư quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư trong tiếp cận đất đai.
Đầy đủ quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất
Luật Đất đai 2024 đã bổ sung quyền lựa chọn hình thức trả tiền cho thuê đất hằng năm hoặc trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
Với các đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất mà có nhu cầu sử dụng một phần hoặc toàn bộ diện tích được giao để sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ thì được chuyển sang thuê đất trả tiền hằng năm.
Luật bổ sung quy định cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa trong hạn mức giao đất, trường hợp quá hạn mức thì phải thành lập tổ chức kinh tế, phải có phương án sử dụng đất trồng lúa và phải được UBND cấp huyện phê duyệt.
Người sử dụng đất mà được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì có quyền và nghĩa vụ như trường hợp không được miễn hoặc không được giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; trường hợp chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì phải nộp cho Nhà nước một khoản tiền tương ứng với số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã được miễn, giảm.
Quy định chặt chẽ về thu hồi đất
Luật Đất đai 2024 quy định rõ ràng, cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí, trình tự, thủ tục thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia. Trong đó có 31 trường hợp cụ thể thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia.
Luật cũng hoàn thiện quy định về thu hồi đất liên quan đến quốc phòng, an ninh trong trường hợp chưa có trong quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh.
Chính sách tài chính đất đai được minh bạch
Luật Đất đai 2024 đã bổ sung, hoàn thiện các quy định về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, bảo đảm sự thống nhất giữa Luật Đất đai với các Luật khác có liên quan.
Luật bổ sung một số quy định về trường hợp được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, người sử dụng đất không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Tiền thuê đất hằng năm được áp dụng ổn định cho chu kỳ 5 năm tính từ thời điểm Nhà nước quyết định cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Luật Đất đai 2024 đi đến hoàn thiện cơ chế xác định giá đất, bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường.