Điểm tên những ‘ông lớn’ Hàn Quốc đã có dự án ‘để đời’ tại Việt Nam năm 2023
Nhìn chung, các “ông lớn” ngoại quốc chủ yếu đang tranh giành thị trường địa ốc tại TP. HCM nên tại Thủ đô Hà Nội và các tỉnh thành khác vẫn còn nhiều dư địa phát triển, sẵn sàng đón đầu tư.
Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam từ những năm 1990 và nhanh chóng trở thành nhà đầu tư nước ngoài có vị thế quan trọng. Đặc biệt, trong 6-7 năm trở lại đây, vốn đầu tư từ Hàn Quốc chảy vào ồ ạt, khiến quốc gia này bứt phá thành nhà đầu tư nước ngoài số một của Việt Nam.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, luỹ kế đến tháng 5/2023, Hàn Quốc có tổng cộng 9.666 dự án tại nước ta với tổng mức đầu tư gần 81,6 tỷ USD, chiếm 18,2% tổng vốn đầu tư. Đó là chưa kể Hàn Quốc vẫn còn hàng chục dự án khác đang trong trạng thái chờ, trong đó có những dự án lên tới hàng trăm triệu USD, thậm chí hàng tỷ USD.
Nổi bật trong cuộc chơi của nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam là lĩnh vực bất động sản. Từ năm 2018 trở đi, tỷ trọng đầu tư bất động sản trên tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam ngày càng lớn, đạt đến 13% vào cuối năm 2021. Tờ Newdaily của Hàn Quốc đầu 2023 cũng đưa tin rằng, một trong những thị trường bất động sản nước ngoài mà các công ty xây dựng Hàn Quốc đã “chấm” trong năm nay là Việt Nam.
Lý giải sức hấp dẫn của bất động sản Việt Nam đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc, đại diện Savills cho biết, thị trường bất động sản Hàn Quốc hiện có dấu hiệu quá nóng, do đó chính phủ nước này đã thực hiện nhiều quy định mới để hạn chế đầu cơ và tăng giá.
Trong năm 2023, các “ông lớn” của xứ sở kim chi có xu hướng đầu tư vào các dự án khu đô thị, sân golf, nhà máy... tại Việt Nam.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên đã công bố nội dung tham vấn báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án sân golf Glory tại xã Thành Công, TP. Phổ Yên. Dự án này được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 6/2023.
Sân golf Glory có quy mô 53,92ha, bao gồm sân golf 18 hố, khu dịch vụ, điều hành câu lạc bộ, khu hạ tầng kỹ thuật và các công trình phụ trợ khác với tổng vốn đầu tư hơn 387 tỷ đồng. Trong đó, nhà đầu tư góp 20%, còn lại là vốn huy động theo tiến độ dự án.
Dự án nằm trên địa bàn xóm Nhe và xóm Na Lang, xã Thành Công, cách trung tâm TP. Phổ Yên 12km, cách trung tâm TP Thái Nguyên 32km và cách trung tâm TP. Hà Nội 60km.
Theo kế hoạch, dự án sân golf Glory dự kiến được xây dựng trong vòng 2 năm. Sau khi hoàn thành thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, chuyển mục đích sử dụng đất, đề nghị giao, thuê đất, công ty sẽ xây dựng sân golf, công trình phụ trợ, mua sắm thiết bị từ quý IV/2023 và dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động từ quý III/2025.
Chủ đầu tư thực hiện dự án là Công ty TNHH MDA G&C (MDA G&C), được thành lập vào tháng 7/2022 với 100% vốn đầu tư nước ngoài, là thành viên của Công ty MDA (có trụ sở chính tại Hàn Quốc).
Trên trang chủ (mda.world), MDA cho biết, bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ năm 2007, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và công nghiệp, rồi mở rộng sang mảng phát triển bất động sản công nghiệp và dân cư.
Tập đoàn Hàn Quốc cũng giới thiệu MDA G&C đang phát triển dự án tổ hợp sân golf, khu phức hợp dân cư kết hợp nghỉ dưỡng tại Thái Nguyên trong đó phần sân golf Glory.
Giữa tháng 10/2023, Tập đoàn HiteJinro (Hàn Quốc) đã ký kết với CTCP Green i-Park về thỏa thuận nguyên tắc cho thuê lại đất và cơ sở hạ tầng tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái (Thái Bình) để xây dựng nhà máy sản xuất đồ uống với tổng vốn đầu tư hơn 100 triệu USD.
Dự án nhà máy sản xuất đồ uống tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái (Thái Bình) có diện tích 8,4ha, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng hơn 100 triệu USD. Đây là dự án đầu tư ra nước ngoài đầu tiên của Tập đoàn HiteJinro (Hàn Quốc) và đây cũng là dự án thứ 5 có tổng vốn đầu tư từ 100 triệu USD trở lên đầu tư vào khu công nghiệp Liên Hà Thái.
Khu công nghiệp Liên Hà Thái, do CTCP Green i-Park làm chủ đầu tư hạ tầng, được quy hoạch nằm trong Khu kinh tế Thái Bình thuộc địa bàn xã Thụy Liên và thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình với tổng diện tích đất giai đoạn 1 là 588,84ha.
Đến nay, khu công nghiệp Hà Liên Thái đã thu hút được 11 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD. Trong đó có các nhà đầu tư như: Công ty TNHH Lotes Việt Nam (15ha) vốn đầu tư 120 triệu USD; Công ty TNHH Greenworks (Việt Nam) (20ha) vốn đầu tư 200 triệu; Công ty TNHH Quốc tế Nam Tài Thái Bình (42ha) vốn đầu tư 80 triệu USD; Công ty TNHH Ohsung Vina Thái Bình (6ha) vốn đầu tư 40 triệu USD; Công ty TNHH JinJang Electronics Vina (3ha) vốn đầu tư 21 triệu USD; Công ty TNHH Ô tô Cơ khí An Thái (2ha) với tổng vốn đầu tư 230 tỷ đồng... Ngoài ra, một số nhà đầu tư đã đến khảo sát tại khu công nghiệp: như Tập đoàn Foxconn (Đài Loan - Trung Quốc), Tập đoàn Sam Sung (Hàn Quốc)...
Cuối năm 2023, tại toạ đàm "Tiềm năng và cơ hội đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam" do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, ông Cho Huyn-sang, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) cho biết, có rất nhiều công ty Hàn Quốc muốn hiện diện tại Việt Nam.
Tại tọa đàm, đại diện Hyosung cho biết doanh nghiệp đã đầu tư 3,5 tỷ USD tại Việt Nam và có khoảng 9.000 nhân viên người Việt, với doanh thu 25 tỷ USD mỗi năm.
Đánh giá khoản đầu tư tại Việt Nam là một trong những khoản đầu tư hợp lý nhất, hiệu quả nhất, Tập đoàn Hyosung dự kiến tăng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 5,5 tỷ USD vào năm 2024.
Điểm mạnh của Việt Nam theo đánh giá của Hyosung là sự lãnh đạo, điều hành mạnh mẽ, hiệu quả của chính quyền Trung ương, sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, tinh thần làm việc chăm chỉ, nghiêm túc của người Việt.
Hyosung thành lập năm 1962, là tập đoàn dẫn đầu Hàn Quốc về sản xuất máy biến áp điện xuất khẩu tới 70 nước trên thế giới, hoạt động trên nhiều lĩnh vực như: nguyên liệu công nghiệp, sợi, hóa chất, công nghệ thông tin, xây dựng, thương mại… Tại Việt Nam, doanh nghiệp đã đầu tư 3,5 tỷ USD, hiện diện tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tháng 12/2023, tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tập đoàn Hyosung đã trình bày ý tưởng xây dựng một dự án mới là nhà máy sản xuất sợi sinh học tại khu công nghiệp Phú Mỹ 2 với tổng mức đầu tư 720 triệu USD. Đây là dự án đầu tiên của Tập đoàn Hyosung trên toàn thế giới sản xuất sợi vải Spandex.
Liên doanh Hàn Quốc đầu tư 14 triệu USD xây trung tâm logistics tại Đồng Nai
Bộ Hải dương và Thủy sản Hàn Quốc đã thành lập cơ quan mang tên K-UPA ở Việt Nam nhằm mục tiêu chuẩn bị cho việc mở một trung tâm logistics tại đây.
Sự ra mắt của K-UPA diễn ra trong bối cảnh Bộ Đại dương và Thủy sản đang hợp tác với Cảng vụ Ulsan thuộc sở hữu nhà nước để mở trung tâm logistics tại Đồng Nai, nhằm giúp các công ty Hàn Quốc bảo quản hàng hóa ở nhiệt độ phòng hoặc nhiệt độ thấp.
Công ty logistics KCTC có trụ sở tại Hàn Quốc là bên phối hợp thực hiện dự án này.
Dự án ước tính trị giá 18,8 tỷ won (14,3 triệu USD), tập trung vào việc xây dựng trung tâm logistics rộng 12.000m2, có khả năng lưu trữ 4,3 triệu pallet hàng hóa.
Trung tâm logistics dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 12/2024 và toàn bộ dịch vụ sẽ bắt đầu vào tháng 7/2025. Trung tâm sẽ giảm giá khoảng 10-15% cho các công ty vừa và nhỏ của Hàn Quốc.