Điều tra sai phạm quản lý đất địa ốc Alibaba thế nào?
Các dự án địa ốc Alibaba vẽ ra là đất nông nghiệp, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng nhưng đã được làm hạ tầng là sai phạm.
Ngày 4/1/2021, theo thông tin từ nhiều cơ quan báo chí, Công an TP. HCM đã chuyển hồ sơ vụ án tới công an 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu để điều tra dấu hiệu sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai tại các địa phương.
Toàn bộ dự án dân cư của địa ốc Alibaba ở 3 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận được vẽ, lập trái phép trên một diện tích đặc biệt lớn đất nông nghiệp mà địa ốc Alibaba chuyển nhượng cho khách hàng, không phải là đất thổ cư như nội dung thể hiện trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Việc chuyển nhượng không được xem là hợp đồng dân sự hợp pháp để có thể thực hiện theo các hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo. Do đó, số tiền mua đất nền của khách hàng được xác định đã bị chiếm đoạt bởi hành vi chuyển nhượng quyền sử dụng đất thổ cư không có thật của Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn địa ốc Alibaba) cùng đồng phạm tại thời điểm nhận tiền thanh toán từ khách hàng.
Một khu đất xuất hiện dự án ma của địa ốc Alibaba ở Đồng Nai. |
Trao đổi với Đất Việt ngày 4/1/2020, công an các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai khẳng định sẽ vào cuộc điều tra, làm nghiêm theo quy định. Đồng thời UBND tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận cũng sẽ chỉ đạo các đơn vị phối hợp để làm rõ có hay không hành vi sai phạm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm khiến dự án ma của địa ốc Alibab lộng hành trong nhiều năm qua.
Luật sư Trần Văn Khánh - Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết, để điều tra dấu hiệu sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai tại các địa phương có dự án ma của địa ốc Alibaba không khó, bởi mỗi khu vực đều có bản đồ quy hoạch, định hướng phát triển tầm nhìn xa từ 20 - 30 năm.
"Các dự án ma của địa ốc Alibaba muốn lừa được khách hàng thì trước tiên đều phải được xây dựng hạ tầng gồm đường và điện. Nếu là đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng đã để cho lãnh đạo doanh nghiệp này làm đường, thậm chí cấp điện trên khu đất thì trách nhiệm thuộc về tổ chức, cá nhân quản lý trên địa bàn.
Cần làm rõ, chính quyền địa phương có biết việc địa ốc Alibaba làm đường, kéo điện hay không? Ai cấp phép cho doanh nghiệp này làm đường, đồng ý cấp điện cho khu đất đó? Nếu biết, đã báo cáo với cơ quan chức năng cấp trên để xử lý hay chưa" - ông Khánh cho hay.
Vị luật sư này cho rằng, với việc địa ốc Alibaba phát triển hàng loạt dự án ma ở nhiều tình thành, quảng cáo rầm rộ trên các trang thông tin điện tử và dẫn khách tới khu đất để quảng bá về dự án cho thấy, rõ ràng công tác quản lý đất đai tại địa phương đó đang chưa chặt chẽ.
Ngoài ra, việc chuyển nhượng đất giữa các cá nhân với nhau cũng không được kiểm soát chặt chẽ, tạo kẽ hở cho tội phạm lợi dụng để lừa đảo, chuộc lợi cá nhân.
"Để xuất hiện các dự án ma trên địa bàn thì trách nhiệm không chỉ thuộc về cơ quan cấp xã, huyện mà còn là trách nhiệm của các Sở, ngành liên quan.
Thậm chí, nghi vấn có sự bao che của các cán bộ làm việc trong cơ quan nhà nước cũng cần được xem xét. Điều đó đòi hỏi cơ quan điều tra phải vào cuộc điều tra một cách toàn diện, xem xét từng hành vi, trách nhiệm của các đơn vị liên quan để xử lý triệt để" - ông Khánh nêu quan điểm.