Chưa đủ người tố cáo địa ốc Alibaba: Sao không xuất hiện?
Có nhiều khả năng, trong đó, không loại trừ khả năng nạn nhân ngại xuất hiện vì giao dịch bất thường, dòng tiền không minh bạch...
Liên quan tới vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba (gọi là Công ty Alibaba), tính tới ngày 26/2, Công an TPHCM mới xác nhận được tổng số tiền lừa đảo từ người tố cáo là 1.800 tỷ đồng/2.500 tỷ đồng thể hiện trong hồ sơ. Như vậy là còn khoảng 700 tỷ chưa có người đến tố cáo. Điều này đặt ra nhiều nghi vấn.
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) từng nhiều lần chất vấn trước Quốc hội về vụ án này cho rằng, số tiền lừa đảo 1.800 tỷ đồng được xác nhận là con số lớn, thể hiện sự vào cuộc tích cực của các cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, ông Hòa cũng đặt ra nhiều giả thiết trong số tiền 700 tỷ chưa được làm rõ, trong đó có thể có những giao dịch là người thân quen mà ngại không tố cáo.
"Nhưng cũng không loại trừ nghi vấn có hành vi rửa tiền, tham nhũng mà không muốn xuất hiện.
Dù vậy, với số tiền được xác định cơ quan điều tra cũng đủ cơ sở để truy tố, xử lý rồi", ông Hòa nói.
Trao đổi về vấn đề này, phân tích sâu hơn, LS Trương Thanh Đức đặt ra mấy giả thiết về sự vắng mặt của những chủ nhân số tiền 700 tỷ bị lừa đảo tại công ty này.
Giả thiết thứ nhất, theo ông Đức, có thể có những giao dịch đã được thực hiện, khách hàng đã chuyển tiền cho Công ty Alibaba nhưng sau đó đã được trả lại. Thậm chí, đó có thể là giao dịch khác không hoàn toàn liên quan tới mua bán nhà đất.
Khả năng thứ hai có thể phổ biến hơn đó là có giao dịch thật nhưng xác người đã thực hiện giao dịch có tâm lý xác định là mất, không muốn xuất hiện.
Tuy nhiên, cũng không loại trừ do nguồn gốc dòng tiền thực hiện giao dịch không minh bạch, nhập nhèm, bất thường, thậm chí là tiền "bẩn" được đưa vào với mục đích "rửa tiền" vì thế, khi cơ quan điều tra vào cuộc thì những người này không muốn xuất đầu lộ diện, tránh bị điều tra.
Ở giả thiết này ông Đức cũng lưu ý thêm về những cảnh báo từ chính các ĐBQH khi cho rằng cần làm rõ những nghi vấn "cán bộ tiếp tay cho doanh nghiệp làm sai".
Ông Đức cho biết, làm rõ dòng tiền còn lại chính là để làm rõ những nghi vấn để có câu trả lời cho các ĐBQH.
Giả thiết thứ ba, dù ít xảy ra hơn nhưng cũng không thể loại trừ. Đó là ngươi bị hại không biết thông tin, không biết trình báo ở đâu, trình báo như thế nào để được bảo vệ quyền lợi.
Với giả thiết thứ tư, vị LS cho biết có thể xảy ra những giao dịch ảo nhằm thu hút, tạo cơn sốt, nâng uy tín của công ty.
Trong tất cả những giả thiết nói trên, LS Trương Thanh Đức nghiêng theo khả năng những người mất tiền không muốn khai báo nhiều hơn. Vì thế, ông Đức cho rằng các khả năng đều phải được điều tra, làm rõ theo luật để làm căn cứ đưa ra xét xử và xử lý.
Theo vị LS, nếu trong quá trình điều tra cơ quan điều tra làm rõ được số tiền lừa đảo khớp với số tiền điều tra sẽ giúp cho việc xác định tội danh, trách nhiệm đền bù cũng như trách nhiệm hình sự được làm rõ ràng, minh bạch hơn.
Ngược lại, nếu số tiền tố cáo không khớp với số tiền trong điêu tra thì những người là nạn nhân sẽ bị mất tiền, mất đất, mất quyền lợi.
Còn đối tượng vi phạm, có hành vi chiếm đoạt lại được hưởng án xử có lợi hơn.
Do đó, LS Trương Thanh Đức cho rằng các cơ quan điều tra phải tiếp tục vào cuộc, điều tra làm rõ để đưa ra xét xử đúng người, đúng tội, bảo đảm được quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho người bị hại.
Về mặt pháp lý, vị luật sư cho hay để điều tra làm rõ chân tướng dòng tiền không hề khó. Tất cả các giao dịch đều phải có điều kiện, thông qua các tài khoản, không tự nhiên thực hiện giao dịch được.
Tuy nhiên, trên thực tế, để làm rõ những giao dịch bất thường theo vị LS cũng gặp một số khó khăn. Ví dụ, nếu giao dịch đó được thực hiện bằng tiền mặt, và người nộp đến trực tiếp công ty để nộp thì việc xác minh sẽ khó khăn, phức tạp, mất thời gian hơn.
"Trong điều kiện nào cũng vẫn điều tra được, vấn đề là có quyết tâm làm và có muốn làm đến cùng hay không thôi", LS Trương Thanh Đức nói.
Trước đó, Công an TPHCM đã ra Quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam với Nguyễn Thái Luyện (34 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Công ty cổ phần địa ốc Alibaba) và Nguyễn Thái Lĩnh (30 tuổi, em trai Luyện, Tổng Giám đốc Công ty Alibaba, cùng ngụ tỉnh Gia Lai, trú quận Thủ Đức, TPHCM) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Riêng với Nguyễn Thái Lực (20 tuổi, em trai Luyện) bị khởi tố về hành vi “Rửa tiền”.
Theo điều tra, công an xác định Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Công ty cổ phần địa ốc Alibaba giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu chỉ đạo và cùng Nguyễn Thái Lĩnh thành lập ra Công ty Alibaba và các công ty thành viên (có quy mô hơn 2.600 nhân viên) đã thu gom mua số lượng lớn đất nông nghiệp với tổng diện tích khoảng hơn 600ha, giao cho các cá nhân (Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực và người thân) đứng tên và tự "vẽ" ra 40 dự án không có thật, chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án… rồi tổ chức quảng cáo là đất nền dự án (đất ở) để lừa bán cho các khách hàng.
Tính đến ngày 30/6/2019, Công ty Alibaba đã ký hợp đồng bán nền đất cho hơn 6.700 khách hàng thu được 2.500 tỷ đồng.
Qua điều tra xác định, các đối tượng hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi, núp bóng dưới hoạt động kinh doanh bất động sản nhưng thực chất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động vốn theo phương thức đa cấp (sử dụng đất nền trong dự án “ma” làm mồi nhử).
Cơ quan điều tra đã xác định tất cả các “dự án” do Công ty Alibaba tự "vẽ" ra đều không có thật và không thể tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở như các đối tượng quảng cáo (không có và không thể có sản phẩm giao cho khách hàng như quảng cáo, giới thiệu cũng như nội dung hợp đồng đã ký kết).
Theo Lam Lam/ Báo Đất Việt