Đô thị đặc biệt nhất Việt Nam phấn đấu diện tích nhà ở trung bình đạt 28m2/sàn/người vào năm 2035
Đến năm 2035, đô thị đặc biệt nhất Việt Nam phấn đấu đạt diện tích nhà ở bình quân khu vực nội thành đạt khoảng 28m2/sàn/người.
UBND TP. Hà Nội vừa trình HĐND TP xem xét Chương trình phát triển đô thị đến năm 2035 tại kỳ họp thứ 18 HĐND TP khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo chương trình, tỷ lệ đô thị hóa của Hà Nội hiện tại đạt 49,1%. Mục tiêu đặt ra là nâng tỷ lệ này lên 55-65% vào năm 2030 và 60-70% vào năm 2035.
Trong giai đoạn này, Hà Nội dự kiến sẽ có 16 quận, bao gồm 12 quận hiện tại và 4 huyện (Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì) đang lên kế hoạch chuyển thành quận.
Việc điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập các đơn vị hành chính mới sẽ tuân theo quy hoạch của Thủ đô, quy hoạch chung, quy hoạch nông thôn và đô thị, đảm bảo lộ trình rõ ràng và sự đồng thuận của người dân.
Chương trình cũng nhấn mạnh việc hoàn thiện các chỉ tiêu chất lượng đô thị cho 16 quận nội thành, đạt tiêu chuẩn đô thị loại đặc biệt theo Luật Thủ đô.
Sơn Tây sẽ được công nhận là thành phố loại III trực thuộc Thủ đô. Hà Nội dự kiến sẽ đẩy mạnh phát triển đô thị tại phía Bắc, với quận Đông Anh làm hạt nhân để hình thành thành phố phía Bắc trước năm 2045.
Trong giai đoạn này, Hà Nội cũng sẽ tập trung đầu tư phát triển đô thị tại Hòa Lạc, Xuân Mai để hình thành thành phố phía Tây và khu vực Phú Xuyên, Thường Tín để hình thành thành phố phía Nam. Đồng thời, công nhận 10 thị trấn loại V.
Về mật độ dân số, Hà Nội đặt mục tiêu mật độ dân số toàn đô thị đạt trên 3.000 người/km2, trong khi khu vực nội thành và nội thị đạt khoảng 12.000 người/km2 vào năm 2035.
Diện tích nhà ở bình quân đầu người tại khu vực nội thành đến năm 2035 dự kiến đạt khoảng 28m2 sàn/người.
Thu nhập bình quân đầu người/năm so với cả nước sẽ đạt 1,4 lần. Đặc biệt, diện tích cây xanh toàn đô thị phấn đấu đạt 6m²/người, còn khu vực nội thành đạt 4m2/người.
Chương trình còn ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông công cộng, khuyến khích chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng phát thải thấp.
Song song đó, Hà Nội sẽ tập trung cải tạo các khu chung cư cũ, loại bỏ tình trạng xây nhà không theo quy hoạch và không đảm bảo an toàn cháy nổ, cứu hộ.
Các khu phố cổ và khu kiến trúc kiểu Pháp sẽ được chỉnh trang để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa - lịch sử. Thành phố cũng dự kiến khai thác không gian ngầm để phục vụ phát triển giao thông và dịch vụ đô thị.
Theo Nghị quyết số 1210/2016, đô thị đặc biệt được xác định có vị trí, chức năng và vai trò quan trọng, bao gồm Thủ đô hoặc trung tâm tổng hợp cấp quốc gia, quốc tế về các lĩnh vực như kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ.
Ngoài ra, đô thị đặc biệt còn là đầu mối giao thông và giao lưu quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Theo quy định, một đô thị đặc biệt phải có quy mô dân số từ 5 triệu người trở lên, trong đó khu vực nội thành phải đạt từ 3 triệu người trở lên.
Hiện tại, Hà Nội và TP. HCM là hai thành phố được xếp loại đô thị đặc biệt. Thủ đô Hà Nội có diện tích hơn 3.358km2 với dân số hơn 8,2 triệu người, trong khi TP. HCM rộng 2.095km2 với dân số gần 10 triệu người.