Đô thị đặc biệt nhất Việt Nam sẽ chi gần 6.000 tỷ cho 6 dự án nhà ở xã hội
6 dự án nhà ở xã hội này sẽ cung cấp hơn 8.300 căn hộ, tương ứng hơn 655.000m2 diện tích sàn.
Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt danh mục dự án nhà ở và khu đô thị trong Kế hoạch phát triển 2021-2025 (đợt 3). Theo đó, sẽ có thêm 6 dự án nhà ở xã hội được triển khai với tổng diện tích gần 13 ha tại các quận và huyện như Ba Đình, Long Biên, Thanh Trì và Thạch Thất.
Các dự án này dự kiến sẽ cung cấp hơn 8.300 căn hộ, với tổng diện tích sàn khoảng 655.000m2 và tổng mức đầu tư gần 6.000 tỷ đồng. Hiện các dự án đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2026 - 2029.
Cụ thể, các dự án được phê duyệt bao gồm: Khu nhà ở giãn dân quận Hoàn Kiếm (khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên) với 3.005 căn hộ, hoàn thành vào năm 2026; nhà ở bán cho đối tượng thu nhập thấp tại quận Ba Đình (Xứ đồng Bảo Vân, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình) với 77 căn hộ, hoàn thành năm 2026; nhà ở xã hội cho cán bộ chiến sỹ Bộ Công an (Thôn Thượng, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) với 660 căn hộ, hoàn thành năm 2028.
Cùng với đó là dự án nhà ở xã hội tại khu dân dụng Bắc Phú Cát (xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất) với 2.592 căn hộ, hoàn thành năm 2028; nhà ở xã hội tại ô đất CT thuộc ô quy hoạch CT1, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá tại phường Long Biên (quận Long Biên) với 290 căn hộ, hoàn thành năm 2028; nhà ở xã hội tại ô C14/NO1, phường Phúc Đồng (quận Long Biên) với 1.220 căn hộ, hoàn thành năm 2029.
Theo Sở Xây dựng thành phố, ngoài danh mục nhà ở xã hội mới công bố, UBND thành phố cũng đang cập nhật 10 dự án nhà ở đang triển khai, dự kiến hoàn thành trong năm tới với hơn 1.000 căn. Dự kiến sau năm 2025, Hà Nội sẽ có 26 dự án hoàn thành, cung cấp gần 9.900 căn hộ.
Thêm vào đó, có 36 dự án khác (khoảng 49.000 căn hộ) đang trong quá trình làm thủ tục đầu tư tại các huyện ven đô như Gia Lâm, Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng và Thường Tín.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - ông Dương Đức Tuấn cho biết, từ năm 2015 đến năm 2023, hoạt động kinh doanh bất động sản tại Hà Nội đã tăng trưởng bình quân khoảng 3,16%/năm. Thị trường chủ yếu giao dịch từ các dự án nhà ở trung và cao cấp, tập trung ở khu vực gần trung tâm với giao thông thuận tiện và tiện ích đa dạng.
Từ năm 2015 đến 2023, Hà Nội đã hoàn thành khoảng 466 dự án với tổng diện tích sàn 29,3 triệu m2; 598 dự án đang triển khai, tương đương 106,6 triệu m2 sàn.
Trong đó, có 30 dự án nhà ở xã hội hoàn thành với khoảng 1,66 triệu m2 sàn; 58 dự án đang triển khai với khoảng 4 triệu m2 sàn và 60.480 căn hộ. Đồng thời, 83 ô đất tại 48 dự án nhà ở thương mại và khu đô thị phải dành quỹ đất từ 20 - 25% để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định.
Trong cuộc họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước diễn ra vào sáng ngày 23/7 tại Văn phòng Chủ tịch nước, 5 luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7. Trong đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được thông qua gồm 7 Chương với 54 Điều, quy định cụ thể và rõ ràng vị trí và vai trò của Thủ đô; các chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.
Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất cho Hà Nội bổ sung 2 TP thuộc Thủ đô, đó là thành phố phía Bắc sông Hồng gồm các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh; lấy hạt nhân là sân bay Nội Bài, sẽ định hướng trở thành thành phố logistics, dịch vụ. Thành phố thứ 2 trong Thủ đô là thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học thuộc phía Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai với trung tâm là Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Việc bổ sung 2 thành phố thuộc Thủ đô theo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ đưa Hà Nội trở thành đô thị đặc biệt nhất Việt Nam.