Những dự án nào sẽ là 'bàn đạp' để huyện Gia Lâm lên quận của Thủ đô Hà Nội vào năm 2025?
TP. Hà Nội đặt mục huyện Gia Lâm sẽ lên quận vào quý IV/2024 hoặc quý I/2025.
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án đầu tư, xây dựng và phát triển 5 huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng) thành quận.
Đáng chú ý, huyện Gia Lâm phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ đề án, đồng thời làm việc với các Bộ, ngành Trung ương để thẩm định. Mục tiêu là phê duyệt đề án thành lập quận cho huyện Gia Lâm vào quý IV/2024 hoặc quý I/2025.
Theo Tờ trình của Sở Nội vụ tại kỳ họp HĐND TP. Hà Nội thứ 13, Gia Lâm được xác định là khu đô thị mở rộng về phía Đông Thủ đô với chức năng chính là phát triển dịch vụ thương mại, giáo dục, trung tâm y tế... gắn với các ngành công nghiệp và công nghệ cao, dọc theo Quốc lộ 5 và Quốc lộ 1A.
Huyện Gia Lâm cũng đang tập trung phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng kết hợp giữa phát triển công nghiệp, đô thị và dịch vụ, gắn kết quy hoạch xây dựng đô thị với việc cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp không gian đô thị. Huyện cũng chú trọng phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng khung, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, và giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp, nhằm phát huy tối đa vai trò của đô thị trong mối liên hệ vùng.
Trong quá trình chuẩn bị lên quận, nhiều công trình hạ tầng giao thông tại Gia Lâm đã được hoàn thiện như Nút giao Cổ Linh, đường Lý Thánh Tông, đường song hành và đường gom cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Những công trình này tạo nên các trục giao thông quan trọng, kết nối xuyên suốt khu vực phía Đông với các quận huyện và tỉnh thành lân cận.
Theo quy hoạch huyện Gia Lâm giai đoạn 2021-2030 của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội, huyện có gần 200 dự án hạ tầng đang và sẽ được đầu tư, trong đó có nhiều công trình giao thông trọng điểm kết nối nội bộ và khu vực lân cận.
Cụ thể, Gia Lâm dự kiến sẽ có 9 cây cầu vượt sông Hồng và sông Đuống.
Cầu Vĩnh Tuy 2 với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng đã được khánh thành vào ngày 30/8/2023 nằm song song với cầu Vĩnh Tuy 1. Cầu dài 3,5km này kết nối với đường Vành đai 2 trên cao, tạo ra trục giao thông hoàn chỉnh từ trung tâm Hà Nội tới khu vực phía Bắc và Đông Bắc TP. Hà Nội bao gồm cả huyện Gia Lâm.
Bên cạnh đó, còn có các cây cầu lớn khác bắc qua sông Hồng như cầu Ngọc Hồi (nối với xã Văn Đức, Gia Lâm) và cầu Mễ Sở (tại xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, Hưng Yên). Những cây cầu này, kết hợp cùng cầu Vĩnh Tuy 2 sẽ kết nối Gia Lâm với khu trung tâm Hà Nội.
Cầu Đuống 2 cũng đã được khởi công vào ngày 22/7 với tổng mức đầu tư 1.848 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Cầu Đuống mới sẽ giúp kết nối Gia Lâm với các khu vực khác, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển và phát triển kinh tế địa phương.
Ngoài ra, các tuyến metro chạy qua Gia Lâm, như Metro 1 (đoạn Gia Lâm - Dương Xá) và Metro 8 (đoạn Sơn Đồng - Dương Xá), cùng với mạng lưới cầu đường như cầu Đuống, cầu Ngọc Hồi, Quốc lộ 5 và Vành đai 3 đang và sẽ được xây dựng, giúp kết nối toàn bộ Gia Lâm với trung tâm nội đô và các tỉnh lân cận.
Đầu tháng 6 vừa qua, UBND Huyện Gia Lâm đã khởi công xây dựng Công viên Gia Lâm với diện tích 14ha, bao gồm hồ điều hòa 9ha, đường dạo bộ nội khu, cùng hệ thống vườn hoa và cây xanh.
Dự án này nhằm xây dựng một công viên hiện đại, đồng bộ về kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Công viên dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024, góp phần tạo cảnh quan, nâng cao điều kiện sống và phát triển toàn diện thể chất lẫn tinh thần cho cư dân khu vực.
Trong tương lai, nhiều tuyến đường sẽ được mở qua Gia Lâm như Vành đai 3,5 và các tuyến đường liên xã Cổ Bi, Đông Dư, Bát Tràng, đường gom Quốc lộ 3, đường 179 dọc đê Phù Đổng. Dự kiến giai đoạn 2020 - 2050 sẽ có các tuyến đường sắt đô thị số 1 Ngọc Hồi (Hoàng Mai) - Yên Viên - Như Quỳnh và số 8 Sơn Động (Hoài Đức) - Mai Dịch - Dương Xá đi qua Gia Lâm.