Doanh nghiệp dầu khí 'dè chừng' với kế hoạch kinh doanh dù giá dầu không ngừng 'leo thang'
Những doanh nghiệp dầu khí đặt kế hoạch kinh doanh năm 2022 ra sao khi giá dầu thế giới có xu hướng "leo thang".
Trong 2 năm trở lại đây, phần lớn nhóm doanh nghiệp dầu khí đều đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng hơn so với kết quả đạt được. Bước sang năm 2022, dầu khí là nhóm ngành hưởng lợi từ việc giá dầu leo thang song các doanh nghiệp vẫn 'dè chừng' với kế hoạch kinh doanh.
Chẳng hạn, tại PV GAS (mã: PGD) đặt kế hoạch tổng sản lượng 1.089 triệu mét khối, doanh thu gần 9.304 tỷ đồng, lãi sau thuế 205 tỷ đồng, chia cổ tức với tỷ lệ 18%. Trong đó, chỉ tiêu lợi nhuận thu hẹp 19% so với kết quả năm trước. Đáng chú ý, kế hoạch của PGD được xây dựng trên cơ sở giá dầu chỉ 60 USD/thùng.
Ông lớn mảng vận tải, PVTrans (mã: PVT) dự kiến năm 2022 đem về doanh thu 6.500 tỷ đồng và lãi trước thuế 600 tỷ đồng, lần lượt giảm 12% và 43% so với năm trước. Về kế hoạch trẻ hóa đội tàu, PVT đang đầu tư 01 tàu dầu/hóa chất trọng tải khoảng 20.000 DWT.
Đáng chú ý tại Lọc hoá dầu Bình Sơn (mã: BSR), sau 1 năm lãi kỷ lục, năm 2022 lại đặt kế hoạch kinh doanh khá thận trọng với tổng doanh thu hơn 91.000 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2021 và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 1.400 tỷ đồng, giảm 79% so với năm 2021.
Ở mảng phân phối khí đốt, Gas Petrolimex (mã: PGC) tạm thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự phóng đi ngang so với năm 2021, đạt 160 tỷ đồng. Doanh thu đạt 3.529 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với năm 2021.
Mới đây, Vật tư Xăng Dầu (Comeco, mã: COM) đặt mục tiêu doanh thu năm 2022 đạt 3.500 tỷ đồng, lãi ròng 30 tỷ đồng. Công ty cho biết lợi nhuận dự kiến sụt giảm 25% so với kết quả 2021 vì dự báo tình hình dịch COVID-19, giá xăng dầu còn diễn biến phức tạp.
Thậm chí, CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn trạch 2 (mã: NT2) vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2022 thấp nhất 9 năm. Cụ thể, Công ty dự kiến lãi sau thuế giảm 12% so với thực hiện năm 2021, xuống còn 468 tỷ đồng trong khi đó tổng doanh thu kỳ vọng đạt gần 8.129 tỷ đồng, tăng 32%.
CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Trung (mã: PCE) cũng ‘dè chừng’ với kế hoạch kinh doanh 2022 khi đặt mục tiêu hơn 2.908 tỷ đồng doanh thu trong năm 2022, giảm 5% so với năm trước và lãi trước thuế hơn 22 tỷ đồng, giảm 73%. Theo PCE, thị trường phân bón năm 2022 dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức và tiềm ẩn nhiều rủi ro đặc biệt về giá phân bón có thể đảo chiều bất cứ thời điểm nào.
Tương tự, CTCP Phân Bón và Hóa Chất Dầu khí Đông Nam Bộ (mã: PSE) đặt mục tiêu doanh thu đạt hơn 2.882 tỷ đồng và lãi sau thuế 17 tỷ đồng, lần lượt giảm hơn 7% và xấp xỉ 70% so với kết quả năm 2021.
Ngoài ra, Xăng dầu Dầu khí Phú Yên (mã: PPY) đặt mục tiêu sản lượng năm 2022 đạt 167 tấn, tăng nhẹ 3,6% so với 2021. Doanh thu ước đạt 1.818 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế gần 13 tỷ đồng, lần lượt thu hẹp 10% và 39%.
Theo báo cáo gần đây của SSI Research, biến động giá dầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên doanh thu, biên lợi nhuận hay lãi/lỗ hàng tồn kho của các doanh nghiệp dầu khí như PV GAS (GAS), Petrolimex (PLX) và PV OIL (OIL). Giá dầu không ảnh hưởng ngay đến lợi nhuận ròng trong ngắn hạn của các công ty dầu khí thượng nguồn (PVD và PVS) do các doanh nghiệp này chủ yếu dựa vào các dự án mang tính chất dài hạn hơn.
Thực tế, kể từ khi chiến cuộc Nga - Ukraine bùng phát vào cuối tháng 2/2022 đến nay, giá dầu thô đã tăng hơn 30%, trên 100 USD/thùng đã vượt quá kỳ vọng của các doanh nghiệp dầu khí và được dự báo sẽ khó hạ nhiệt sớm.
Ngưỡng trên 100 USD/thùng, theo đánh giá của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), giúp ngành dầu khí Việt Nam hưởng lợi về giá, nguồn thu từ hoạt động xuất khẩu dầu thô tăng. Kèm theo đó là các khoản tăng thu từ thuế, phí với dầu mỏ, xăng dầu thành phẩm tiêu thụ trong nước.
Tuy nhiên, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thiết bị của Nga, do đó sẽ gặp phải những khó khăn trong tương lai. Nếu chưa kịp tìm được nguồn cung ứng thay thế, một số hoạt động phát triển mỏ và khoan phát triển có nguy cơ bị ảnh hưởng.