Giá dầu tăng mạnh song lợi nhuận doanh nghiệp dầu khí vẫn phân hóa

Giá dầu liên tục phục hồi và vượt đỉnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp ngành dầu khí vẫn có những kết quả kinh doanh trái ngược trong quý 2/2021 cũng như 6 tháng đầu năm.

Hiện tại, các doanh nghiệp dầu khí đang công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021 với kết quả kinh doanh trái chiều. Đáng chú ý, dù giá dầu thô đã tăng gấp đôi lên trên 71 USD/thùng tính tới hiện tại song không phải doanh nghiệp dầu khí nào cũng có kết quả kinh doanh khả quan.

Giá dầu tăng mạnh song lợi nhuận doanh nghiệp dầu khí vẫn phân hóa - Ảnh 1

GAS, BSR, PLX,... hưởng lợi nhiều nhất nhờ giá dầu tăng

Đơn cử, Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex, HOSE: PLX) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 2/2021 với doanh thu thuần 46.589 tỷ đồng và lãi ròng 1.406 tỷ đồng, tăng lần lượt 74% và 31% so cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, ông lớn kinh doanh xăng dầu báo doanh thu thuần 84.836 tỷ đồng, tăng 30% và lãi ròng đạt 2.068 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 816 tỷ đồng do kết quả quý 1/2020 lỗ kỷ lục gần 1.900 tỷ đồng).

PLX cho biết, giá dầu thế giới (dầu WTI) tiếp tục có xu hướng tăng từ 58.65 USD/thùng lên 73.47 USD/thùng, tương ứng tăng 25.2% trong quý. Mặt khác, chính sách kiểm soát và ứng phó trong phòng dịch Covid-19 có nhiều thay đổi theo hướng khoanh vùng thay vì giãn cách xã hội trên trên phạm vi toàn quốc.

Do đó, hoạt động kinh doanh xăng dầu của Công ty đã gặp nhiều yếu tố thuận lợi. Một số công ty con, công ty liên kết cũng có lợi nhuận khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOil, UPCoM: OIL) báo doanh thu thuần quý 2/2021 tăng 15% so cùng kỳ, đạt 13.421 tỷ đồng và lãi ròng đạt 218 tỷ đồng, tăng 20% so cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Công ty đã đem về 359 tỷ đồng lãi ròng (cùng kỳ lỗ 241 tỷ đồng).

Với Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans, HOSE: PVT), doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải dầu thô và các sản phẩm dầu khí báo lãi sau thuế qúy 2 tăng nhẹ 8% lên 256,5 tỷ đồng.

Tính chung 6 tháng đầu năm, PVTrans lãi sau thuế gần 439 tỷ đồng, tăng 39% so với kỳ trước, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt gần 354 tỷ đồng. Kết quả này cũng giúp PVTrans vượt 60% chỉ tiêu doanh thu và vượt 9% chỉ tiêu lãi sau thuế 2021 được cổ đông giao phó chỉ sau 6 tháng.

Cùng chung bức tranh lợi nhuận tươi sáng, CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 với doanh thu đạt 49.483 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2021, BSR đặt mục tiêu sản lượng khoảng 6,5 triệu tấn; doanh thu 70.661 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 864 tỷ đồng. Ngay từ quý đầu năm, doanh nghiệp đã vượt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra khi báo lãi sau thuế lên đến 1.848 tỷ đồng.

Trong khi đó, Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (HOSE: GAS) ghi nhận doanh thu quý 2/2021 đạt 22.702 tỷ đồng, tăng 45% so cùng kỳ.

Ông lớn ngành dầu khí cho biết, dù giá dầu bình quân trong quý 2/2021 tăng 133% so với cùng kỳ năm trước tuy nhiên sản lượng khí khô tiêu thụ giảm 15%. Đồng thời, khoản chênh lệch giá khí bao tiêu phải nộp Ngân sách Nhà nước quý 2/2021 là 646 tỷ đồng khiến lãi ròng chỉ tăng trưởng 32%, đạt 2.262 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm, GAS đã đem về 40.272 tỷ đồng doanh thu thuần và 4.292 tỷ đồng lãi ròng, tăng lần lượt 23% và 5% so cùng kỳ.

Lợi nhuận tại PVD, PVS, PVB,... đi lùi!

Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 2/2021 với lãi ròng giảm 39% so cùng kỳ, đem về 164 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và quản lý tăng trong khi khoản lãi khác giảm mạnh là nguyên nhân chính cho bước lùi của PVS.

Giá dầu tăng mạnh song lợi nhuận doanh nghiệp dầu khí vẫn phân hóa - Ảnh 2

Sau 6 tháng đầu năm 2021, PVS ghi nhận doanh thu thuần 5,677 tỷ đồng và lãi ròng 308 tỷ đồng, giảm lần lượt 35% và 18% so cùng kỳ.

VNDirect đánh giá đây là đơn vị xây lắp và các dịch vụ kỹ thuật hỗ trợ, ảnh hưởng của đà tăng giá dầu có thể bị hạn chế với độ trễ do các hợp đồng của PVS trong các mảng cốt lõi (M&C, FSO/FPSO ..) thường kéo dài trong nhiều năm.

Các mảng khác như tàu dịch vụ và căn cứ cảng, PVS có thể hưởng lợi trực tiếp từ khả năng phục hồi của phí dịch vụ.

Cùng cảnh ngộ, Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling, HOSE: PVD) cũng ghi nhận doanh thu thuần quý 2/2021 đạt 1.112 tỷ đồng và lãi ròng 8 tỷ đồng, giảm lần lượt 24% và 86% so cùng kỳ.

Cộng với kết quả lỗ trong quý 1, PVD lỗ ròng lũy kế 95 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm 2021 (cùng kỳ lãi 86 tỷ đồng).

Nguyên nhân chính dẫn tới lợi nhuận PVD giảm quý 2 là do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh 97% vì trích lập chi phí dự phòng.

Trong đó, việc đối tác Kris Energy đã đệ đơn lên xin phá sản do không có khả năng thanh toán các khoản nợ vào đầu tháng 6 khiến PVD phải trích lập hơn 28 tỷ dự phòng trong kì trong tổng khoản phải thu gần 95 tỷ với Kris Energy.

Nối gót PVD, PVS, CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (HNX: PVB) ghi nhận doanh thu quý 2/2021 chưa tới 17 tỷ đồng, giảm 93% so cùng kỳ và báo lỗ sau thuế hơn 5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 47 tỷ đồng.

Dù đã tiết giảm 56% chi phí quản lý đồng thời có khoản thu tài chính 2,5 tỷ đồng, PVB vẫn không tránh khỏi có thêm quý thua lỗ thứ 4 liên tiếp (kể từ quý 3/2020). Cụ thể, sau khi khấu trừ các chi phí, PVB báo lỗ hơn 5 tỷ đồng (cùng kỳ lãi sau thuế gần 38 tỷ đồng). Lũy kế từ đầu năm, Công ty đã thua lỗ hơn 15 tỷ đồng.

Tình cảnh của Tổng Công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí - CTCP (HNX: PVC) cũng không mấy lạc quan khi báo lãi sau thuế quý 2/2021 đạt 5,8 tỷ đồng, tăng 21% so cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận về tay cổ đông Công ty mẹ (lãi ròng) chỉ vỏn vẹn 27 triệu đồng (cùng kỳ lỗ ròng 845 triệu đồng).

Cộng với kết quả khiêm tốn trong quý 1, PVC báo lãi ròng lũy kế nửa đầu năm 75 triệu đồng, giảm 98% so cùng kỳ.

Thực tế, giá dầu tăng đã tạo ra sự phân hóa rõ nét trong kết quả kinh doanh ngành dầu khí nửa đầu năm do không phải doanh nghiệp nào cũng được hưởng lợi. Trong đó, nhóm hạ nguồn (sản xuất và kinh doanh sản phẩm dầu khí) như PLX, OIL, BSR,... được hưởng lợi nhiều nhất thậm chí vượt kế hoạch lợi nhuận còn nhóm thượng nguồn (chuyên cung cấp thiết bị và dịch vụ dầu khí) như PVS, PVD,... tiếp tục đi lùi.

Hà Phương (t/h)

Theo Sở hữu trí tuệ