Doanh nghiệp đón xu hướng mới: Tích hợp ESG, đầu tư công nghệ sạch
Theo ông Phạm Đăng An, Phó tổng giám đốc Vũ Phong Energy, kinh tế xanh là chìa khoá quan trọng giúp Việt Nam không chỉ vượt qua các thách thức của kỷ nguyên mới mà còn trở thành điểm sáng trên bản đồ phát triển bền vững toàn cầu.
Xu thế tất yếu trong kỷ nguyên mới
Trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với khủng hoảng môi trường, biến đổi khí hậu và nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, kinh tế xanh đã trở thành xu thế tất yếu nhằm hướng tới sự phát triển bền vững. Đối với Việt Nam – một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng ấn tượng tại khu vực Đông Nam Á, chuyển đổi sang kinh tế xanh không chỉ là trách nhiệm trong việc chung tay với cộng đồng quốc tế, mà còn mở ra cơ hội lớn để nâng cao vị thế và xây dựng một nền kinh tế bền vững hơn.
Ông Phạm Đăng An, Phó tổng giám đốc Vũ Phong Energy, khẳng định với VietnamFinance: "Kinh tế xanh chính là chìa khóa quan trọng giúp Việt Nam không chỉ vượt qua các thách thức trong kỷ nguyên mới mà còn trở thành điểm sáng trên bản đồ phát triển bền vững toàn cầu".
Theo lãnh đạo Vũ Phong Energy, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong tiến trình chuyển đổi xanh. Trước đây, chuyển đổi xanh thường được xem là nhiệm vụ mang tính khuyến khích hoặc chỉ phổ biến trong các doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, sự thay đổi đã diễn ra mạnh mẽ nhờ các chính sách thúc đẩy chuyển đổi xanh từ quốc tế và trong nước, như Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM) của EU và Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Đặc biệt, cam kết của Việt Nam tại COP26 về mục tiêu đạt Net Zero vào năm 2050 đã tạo ra những bước ngoặt quan trọng trong nhận thức và hành động của cộng đồng doanh nghiệp.
Theo ông Phạm Đăng An, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức rõ vai trò quan trọng của kinh tế xanh và coi đây là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển bền vững. Các hoạt động ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) ngày càng được triển khai mạnh mẽ, bao gồm đầu tư vào năng lượng tái tạo, ứng dụng các quy trình sản xuất bền vững và đạt được các chứng nhận xanh quốc tế.
Ông Phạm Đăng An nhận định: "Trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ, kinh tế xanh không chỉ là xu hướng tất yếu để giải quyết thách thức môi trường mà còn mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam. Với các chính sách và cam kết phát triển bền vững, Việt Nam đang thu hút sự chú ý từ các quỹ đầu tư xanh trên toàn cầu".
Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, đặc biệt là tiềm năng từ các nguồn năng lượng tái tạo. Ví dụ, năng lượng mặt trời có tiềm năng lớn nhờ số giờ nắng cao: miền Bắc từ 1.500-1.700 giờ/năm, miền Trung và miền Nam từ 2.000-2.600 giờ/năm. Điều này giúp cho việc phát triển điện mặt trời mái nhà trở nên khả thi hơn bao giờ hết.
Ngoài ra, lực lượng lao động trẻ và năng động là nguồn nhân lực lý tưởng để tiếp cận và ứng dụng các xu hướng công nghệ mới. Các cơ quan chức năng cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ như Nghị định 135/2024/NĐ-CP về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ. Những nỗ lực này phản ánh quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy kinh tế xanh và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Chúng ta có thể cảm nhận rõ rệt nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy kinh tế xanh. Chính phủ đã tích cực triển khai các chính sách và chiến lược nhằm thúc đẩy kinh tế xanh và hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững theo các cam kết quốc tế.
Chung tay phát triển kinh tế xanh
Để khai thác tối đa các lợi thế nêu trên, ông Phạm Đăng An nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế, đặc biệt là theo đuổi mục tiêu SDG 17 về hợp tác vì các mục tiêu phát triển bền vững. Việc học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia tiên tiến và thu hút đầu tư quốc tế sẽ là đòn bẩy quan trọng trong hành trình chuyển đổi xanh.
Bên cạnh đó, việc đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng và kiến thức chuyên sâu về kinh tế xanh là một yếu tố không thể thiếu. Cùng với đó, Chính phủ cũng cần tiếp tục hoàn thiện khung chính sách, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc giảm phát thải và chuyển đổi xanh.
Theo ông Phạm Đăng An, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh. Nhiều doanh nghiệp đã tiên phong chuyển đổi mô hình kinh doanh, áp dụng công nghệ sạch và đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo. Những nỗ lực này không chỉ giúp giảm phát thải mà còn nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường toàn cầu.
Một chiến lược quan trọng mà các doanh nghiệp cần triển khai là tích hợp ESG vào kế hoạch kinh doanh, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như GRI, hướng tới phát triển bền vững. Ngoài ra, đầu tư vào công nghệ sạch và năng lượng tái tạo như điện mặt trời mái nhà sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí năng lượng, đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ người tiêu dùng về các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Việc tham gia các chương trình chứng nhận quốc tế về môi trường và phát triển bền vững sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế. Đồng thời, hợp tác với các tổ chức quốc tế cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực và kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực chuyển đổi xanh.
“Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xanh, cần có sự đồng hành và hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng. Các chính sách khuyến khích đầu tư xanh, cùng với việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội, sẽ là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững tại Việt Nam,” ông Phạm Đăng An nhấn mạnh.