Doanh nghiệp hàng không Việt đối mặt sức ép cạnh tranh lớn

Sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp hàng không Việt Nam không chỉ lớn hơn, từ nhiều phía hơn, mà còn đa dạng hơn, đòi hỏi các doanh nghiệp hàng không Việt Nam phải có những nỗ lực toàn diện để duy trì và cải thiện vị thế của mình.

Chia sẻ tại tọa đàm “Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt" chiều 24/2, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia nhấn mạnh các doanh nghiệp hàng không Việt Nam đang phải đối diện với nhiều sức ép cạnh tranh.

Theo đó, xu hướng tự do hóa ngành hàng không đặc biệt là Hiệp định mở cửa bầu trời ASEAN mở ra tiềm năng to lớn, nhưng cũng tạo ra áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn từ các doanh nghiệp quốc tế, khi các doanh nghiệp hàng không Việt Nam dần mất sự bảo hộ của Chính phủ.

Mặc dù hiện nay, doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ được sở hữu tối đa 30% doanh nghiệp hàng không, tuy nhiên với chính sách mở cửa bầu trời ASEAN cho phép các hãng hàng không bay tự do khắp các nước thành viên ASEAN trong một thị trường vận tải hàng không thống nhất sẽ tạo ra nhiều áp lực cạnh tranh hớn với các hãng hàng không trong nước.

TS Cấn Văn Lực cho rằng các doanh nghiệp hàng không Việt Nam đang phải đối diện với nhiều sức ép cạnh tranh. Ảnh: Hà Anh.  
TS Cấn Văn Lực cho rằng các doanh nghiệp hàng không Việt Nam đang phải đối diện với nhiều sức ép cạnh tranh. Ảnh: Hà Anh.  

“Trên khía cạnh đó, rủi ro cạnh tranh trong ngành hàng không được đánh giá ở mức khá cao. Theo Cục Hàng không, ngành hàng không được dự báo sẽ dần phục hồi và hết năm 2023, thị trường hàng không nội địa sẽ phục hồi hoàn toàn và có sự tăng trưởng cao so với giai đoạn năm 2019. Trong khi đó, thị trường quốc tế đang dần dần hồi phục và dự báo sẽ đạt được gần mức tương đương năm 2019 vào cuối năm 2023”, ông Lực so sánh.

Cùng quan điểm với ông Lực, TS Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam nhận định: Trong thời gian tới, không những Việt Nam sẽ có những doanh nghiệp hàng không mới, mà còn có thêm những doanh nghiệp hàng không của nhiều quốc gia nữa cũng sẽ triển khai các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Phần nhiều các doanh nghiệp này có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn các doanh nghiệp hàng không Việt: Có năng lực tài chính, kỹ thuật và nhân lực tốt hơn các doanh nghiệp Việt Nam, có mạng lưới hợp tác rộng rãi hơn các doanh nghiệp hàng không Việt Nam, có dịch vụ đa dạng hơn, có nguồn khách dồi dào hơn các doanh nghiệp hàng không Việt Nam.

Một số doanh nghiệp cạnh tranh với các doanh nghiệp hàng không Việt Nam có thể còn được sự hỗ trợ lớn hơn từ phía nhà nước của họ khi tham gia thị trường Việt Nam.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp nước ngoài đã thiết lập được quan hệ bền vững với khách hàng, tạo được vị thế vượt trội, thậm chí có tính độc quyền trong một số lĩnh vực, đặc biệt là vận chuyển hàng hóa.

Tọa đàm “Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt" bàn giải pháp để doanh nghiệp hàng không nâng cao sức cạnh tranh. Ảnh: Hà Anh.  
Tọa đàm “Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt" bàn giải pháp để doanh nghiệp hàng không nâng cao sức cạnh tranh. Ảnh: Hà Anh.  

“Như vậy, sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp hàng không Việt Nam không chỉ lớn hơn, từ nhiều phía hơn, mà còn đa dạng hơn, đòi hỏi các doanh nghiệp hàng không Việt Nam phải có những nỗ lực toàn diện để tạo ra năng lực cạnh tranh tổng hợp để duy trì và cải thiện vị thế của mình”, ông Nề cảnh báo.

Theo ông Nề, ngay giữa các hãng hàng không Việt Nam hiện cũng đang cạnh tranh với nhau một cách gay gắt, phải sử dụng cả những phương thức cạnh tranh bất thường (cả khi thị trường nội địa chưa hoàn toàn phục hồi, năng lực vận chuyển chưa được khai thác hết).

Tình trạng cạn kiệt nguồn lực tài chính khi đại dịch kết thúc càng làm cho khó khăn của các doanh nghiệp hàng không lớn hơn, khó tận dụng các cơ hội xuất hiện khi dịch bệnh kết thúc.

Đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hàng không, ông Lực cho rằng, hiện nay, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1/1/2023.

Bộ Công Thương đang đề xuất điều chỉnh về thời gian điều hành giá xăng dầu (giảm 10 ngày xuống 7 ngày và quy định vào ngày thứ năm hàng tuần, không kể ngày nghỉ lễ) đảm bảo giá xăng dầu bám sát hơn với diễn biến giá xăng dầu trên thị trường thế giới.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đang đề xuất giãn hoãn một số loại thuế, tiền thuê đất… trong năm 2023, với tổng số tiền thuế đề nghị gia hạn khoảng 110.000 tỷ đồng (tương ứng chi phí cơ hội khoảng 3.200 tỷ đồng).

Tuy nhiên, để hỗ trợ doanh nghiệp hàng không Việt, ông Lực khuyến nghị: Việc duy trì chính sách giảm tiền thuê đất, mặt nước; giãn hoãn tiền thuế; giảm một số loại phí dịch vụ tại các cảng hàng không như năm 2022 là cần thiết. Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải có thể cho phép mức độ giảm phù hợp, đảm bảo hài hòa, chia sẻ khó khăn để vượt qua thách thức, nuôi dưỡng nguồn thu.

“Do thị trường hàng không Việt ngày càng trở nên cạnh tranh hơn, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, nên việc dùng các biện pháp hành chính như áp giá trần, giá sàn hay đưa qui định về giá, phí vào Luật giá sửa đổi cần phải hết sức cân nhắc, hạn chế can thiệp sâu bằng các biện pháp hành chính đối với lĩnh vực này. Và đáp lại, các doanh nghiệp hàng không cần trở nên minh bạch, chuyên nghiệp hơn nữa”, ông Lực khuyến nghị.

Hà Anh

Theo Doanh nghiệp Việt Nam