Doanh nghiệp ồ ạt chia cổ tức bằng cổ phiếu: Nhà đầu tư vui hay buồn?
Từ đầu năm, hàng loạt doanh nghiệp và ngân hàng như KDH, DIG, MBB, SHB,... công bố thông tin chia cổ tức bằng cổ phiếu giữa lúc thị trường chứng khoán đang thăng hoa.
Chia cổ tức "khủng" bằng... cổ phiếu
Mùa đại hội cổ đông năm nay, nhiều doanh nghiệp lớn đua nhau chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Đơn cử, Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) phát hành 59,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 17% (sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 17 cổ phiếu mới); Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH) cũng dự kiến phát hành gần 55,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 100:10;...
Tương tự, loạt ngân hàng vừa liên tiếp công bố thông tin chuẩn bị chia cổ tức bằng cổ phiếu như MB chia cổ tức tỷ lệ 35% (tỷ lệ cao nhất nhóm ngân hàng), tăng vốn điều lệ thêm 9.795 tỷ đồng lên hơn 38.600 tỷ đồng; OCB sẽ phát hành gần 274 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ chia cổ tức bằng cổ phiếu là 25% để tăng vốn điều lệ từ 10.959 tỷ đồng lên 13.698 tỷ đồng.
Trong khi đó, Kienlongbank (KLB) cho biết, chậm nhất cuối quý 3, ngân hàng sẽ hoàn thành việc tăng vốn điều lệ từ phát hành gần 41,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 13%. Sau khi chia cổ tức, vốn điều lệ của Kienlongbank sẽ tăng lên 3.653 tỷ đồng.
Ngoài ra, loạt ngân hàng khác đã hoàn tất việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ đầu năm đến nay.
Đơn cử, ngày 11/6, VietBank (VBB) đã hoàn tất phát hành hơn 58,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 14%. Vốn điều lệ của ngân hàng theo đó tăng lên gần 4.800 tỷ đồng; VIB ngày 10/6 hoàn tất phát hành hơn 443,7 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông, tương đương tỷ lệ 40%. Vốn điều lệ của ngân hàng tăng mạnh từ 11.094 tỷ đồng lên 15.551 tỷ đồng; SHB ngày 17/5 đã phát hành hơn 175 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 10%. Vốn điều lệ của SHB sau khi chia cổ tức tăng lên 19.260 tỷ đồng.
Theo ước tính của SSI Research, vốn điều lệ của 16 ngân hàng dẫn đầu ngành năm nay dự kiến tăng gần 83.000 tỷ đồng. Trong đó, các ngân hàng sẽ tăng vốn gần 62.000 tỷ đồng thông qua việc trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Lợi thì có lợi...
Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến khó lường, vì vậy giữa 2 hình thức cổ tức bằng cổ phiếu và cổ tức bằng tiền mặt, doanh nghiệp đã lựa chọn phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu là khôn ngoan. Bởi cách này giúp doanh nghiệp vừa đảm bảo trả cổ tức cho cổ đông vừa giữ lại được lượng tiền mặt để thực hiện đầu tư.
Bản chất của trả cổ tức bằng cổ phiếu là chia tách cổ phiếu, điều thường thấy ở những doanh nghiệp có giá cổ phiếu quá cao. Nguồn chia cổ tức là phần lợi nhuận giữ lại sẽ được bổ sung vào vốn điều lệ, giúp doanh nghiệp tăng vốn.
Nhiều nhà đầu tư quan niệm, với những cổ phiếu có thị giá cao thì nhận cổ tức bằng cổ phiếu có lợi hơn tiền mặt. Điều này chưa hẳn đúng. Bởi lẽ, dù được số cổ phiếu nhiều hơn nhưng giá cổ phiếu sẽ bị điều chỉnh giảm tương ứng, bản chất cũng như cũ. Một số trường hợp, việc trả cổ tức bằng cổ phiếu chỉ nhằm qua mặt nhà đầu tư về dòng tiền yếu kém của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhiều năm trả cổ tức bằng cổ phiếu liên tục. Trong khi đó, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu hiện tại cũng phải chịu thuế thu nhập cá nhân 5%.
Theo BCTC hợp nhất quý 1/2021 tại một số doanh nghiệp chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm nay, phần lớn đều ghi nhận dòng tiền hoạt động kinh doanh âm.
Chẳng hạn, dòng tiền hoạt động kinh doanh tại KDH đang âm hơn 808 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 dương hơn 205 tỷ đồng; dòng tiền hoạt động kinh doanh tại DIG cũng âm hơn 175 tỷ đồng, cùng kỳ 2020 còn âm tới 414,4 tỷ đồng.
Tại nhóm ngân hàng, dòng tiền hoạt động kinh doanh tại MBB âm hơn 16.778 tỷ đồng trong quý 1/2021. Tương tự, SHB âm hơn 9.700 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước cũng âm hơn 19.471 tỷ đồng).
Nhà đầu tư cũng cần chú ý, trả cổ tức bằng cổ phiếu đôi khi trở thành đòn “tung hỏa mù” của nhiều doanh nghiệp. Lợi dụng việc hiểu biết chưa rõ của cổ đông, ban lãnh đạo nhiều doanh nghiệp có thể đã che giấu việc thiếu hụt dòng tiền chia cổ tức (hoặc cố ý để lại quỹ tiền mặt lớn nhằm mục đích cá nhân) bằng việc “thưởng” cổ phiếu thêm. Bằng cách như thế, cổ đông ngộ nhận rằng mình đã được tăng thêm giá trị nhưng thực sự giá trị họ nhận được chẳng là gì hơn ngoài số lượng “giấy” tăng lên.
Nhận cổ tức bằng cổ phiếu có thể khiến nhà đầu tư đối mặt nhiều rủi ro hơn khi nhận tiền mặt.
Chẳng hạn, cổ phiếu đang có xu hướng điều chỉnh giảm giá nhưng phải chờ 1-2 tháng cổ phiếu mới về tài khoản. Đến khi cổ phiếu về, nhà đầu tư có nguy cơ bị thiệt lớn. Ngoài ra, nếu trả cổ tức bằng cổ phiếu dưới mệnh giá thì nhà đầu tư sẽ bị thiệt hại. Bởi trên danh nghĩa, nhà đầu tư nhận cổ phiếu hạch toán theo mệnh giá 10.000 đồng/cp, nhưng thị giá thấp hơn.
Đáng lưu ý, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ làm pha loãng giá trị cổ phiếu.
Khi giá cổ phiếu đang tăng mạnh, việc pha loãng cổ phiếu giúp thị giá giảm xuống, tạo tâm lý tích cực trong ngắn hạn cho những nhà đầu tư có nhu cầu giải ngân. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng kỳ vọng sự tăng trưởng về giá cổ phiếu sau đó sẽ mang lại một khoản lợi nhuận lớn hơn tiền mặt.
Ngược lại, khi thị trường đang giảm, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ gây tâm lý tiêu cực cho nhà đầu tư vì pha loãng cổ phiếu khiến cảm giác giảm giá cổ phiếu trở nên trầm trọng hơn.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán liên tục thăng hoa khi vượt mốc lịch sử 1.400 điểm sau hơn 20 năm thị trường chứng khoán ra đời. Do đó, trả cổ tức bằng cổ phiếu thời điểm hiện nay cũng khá hợp lý.
Đặc biệt, nhóm cổ phiếu ngân hàng trở lợi thời hoàng kim, đóng vai trò dẫn dắt thị trường. Vì vậy, việc nhận thêm cổ phiếu sẽ giúp cổ đông có cơ hội gia tăng tài sản, phần tăng thêm này có thể cao hơn khoản tiền mặt nhận được. Trong khi đó, khoản đầu tư này cũng sinh lợi tốt hơn so với đi gửi ngân hàng lấy lãi.
Tại thời điểm này, ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu vừa làm mát lòng cổ đông, vừa giúp các ngân hàng tăng vốn để đảm bảo các yêu cầu quản lý rủi ro của NHNN.
Có thể thấy, trả cổ tức bằng cổ phiếu không mang lại nhiều lợi ích thực sự cho nhà đầu tư, vì bản chất không phát sinh thêm dòng tiền mới, trừ khi doanh nghiệp đang “ăn nên làm ra”.