Doanh nghiệp phân bón đối diện với nhiều áp lực trong năm 2023

Nhiều doanh nghiệp phân bón đã ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2022 nhưng theo dự báo thì năm nay ngành phân bón sẽ phải đối diện với khá nhiều khó khăn.

 

Doanh nghiệp phân bón đối diện với nhiều áp lực trong năm 2023 - Ảnh 1

Chính việc xuất khẩu phân bón thuận lợi đã khiến hàng loạt tên tuổi trong ngành phân bón như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau... đều ghi nhận lợi nhuận tăng cao so với cùng kỳ.

Kinh doanh khởi sắc

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu phân bón cán mốc hơn 1 tỷ USD trong năm 2022, đạt hơn 1,6 triệu tấn. Sản phẩm phân bón Việt Nam đã xuất khẩu đi hầu hết các thị trường thế giới, như Pháp, Ấn Độ, các nước Nam Á, các thị trường ở xa như Nam Mỹ, Peru, Mexico, Hoa Kỳ... cũng đã hiện diện.

Chính việc xuất khẩu phân bón thuận lợi đã khiến hàng loạt tên tuổi trong ngành phân bón như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau... đều ghi nhận lợi nhuận tăng cao so với cùng kỳ.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ - mã: DPM), cả năm 2022, kết quả kinh doanh của Đạm Phú Mỹ đã đạt mức cao nhất kể từ khi thành lập.

Cụ thể, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần năm 2022 ở mức 18.745 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2021, lãi sau thuế khoảng 5.606 tỷ đồng, tăng 77%. Với kết quả này, Đạm Phú Mỹ đã vượt 10% kế hoạch doanh thu và vượt 62% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022.

Đại diện Đạm Phú Mỹ cho biết năm 2022, nguồn nguyên liệu đầu vào được đảm bảo cùng với các chính sách bán hàng linh hoạt, hệ thống phân phối rộng đã giúp công ty tận dụng tốt được thời cơ khi giá bán tăng cao, đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu, tối ưu hiệu quả kinh doanh.

Tương tự, năm 2022 CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - mã: DCM) ghi nhận doanh thu thuần cao kỷ lục với 15.924 tỷ đồng, tăng 61% so với năm 2021, lãi sau thuế khoảng 4.280 tỷ, tăng 134%.

Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền (mã: BFC) công bố nghị quyết về kết quả kinh doanh ước đạt năm 2022. Trong quý 4 năm 2022, Phân bón Bình Điền ước tính doanh thu 1.901 tỷ đồng, giảm 0,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế 24,8 tỷ đồng, giảm 82,4% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng giảm 116,27 tỷ đồng.

Lũy kế trong năm 2022, Phân bón Bình Điền ước tính ghi nhận doanh thu 8.693 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận trước thuế ghi nhận 236 tỷ đồng, giảm 36,4% so với cùng kỳ năm trước.

Cả năm 2022 CTCP Phân bón Miền Nam (mã: SFG) đạt doanh thu thuần 2.009 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2021, lợi nhuận sau thuế đạt 45 tỷ đồng, tăng 23%. Với 55 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, công ty đã vượt 75% chỉ tiêu lợi nhuận và 14% kế hoạch doanh thu năm 2022.

Đặt kế hoạch khiêm tốn trong năm 2023

Trước diễn biến khó lường của ngành trong năm 2023, năm nay Đạm Phú Mỹ đặt ra mục tiêu kinh doanh thấp hơn so với kết quả đạt được của năm 2022.

Theo đó, doanh nghiệp đặt mục tiêu đạt 17.372 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.670 tỷ đồng, giảm lần lượt 6% về doanh thu và 59% về lợi nhuận so với kết quả đạt được năm 2022.

Tương tự, DCM công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 với các chỉ tiêu giảm đáng kể so với thực hiện 2022. Cụ thể, doanh thu năm nay dự kiến đạt trên 13.458 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế mục tiêu 1.383 tỷ đồng, lần lượt giảm 18% và 68%.

Phân bón Bình Điền cũng đặt kế hoạch kinh doanh đi lùi trong quý 1/2023. Cụ thể, tổng doanh thu đạt 1.354 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 20,4 tỷ đồng, giảm lần lượt 48% và 80% so với quý 1/2022.

Nhận định về năm 2023, Công ty CP Chứng khoán SSI cho biết, giá ure có thể lao dốc trong năm 2023 do xuất khẩu ure từ các "ông lớn" là Nga và Trung Quốc đều sẽ phục hồi. Ngoài ra, nhu cầu ure có thể suy yếu trong năm do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và sự điều chỉnh giá của các mặt hàng nông nghiệp. Quý 4 thường được coi là mùa cao điểm nhưng giá urê không tăng trong quý 4/2022. Các chuyên gia SSI cho rằng điều này đã phản ánh nhu cầu về ure đang suy yếu và có thể tiếp tục giảm đi vào năm 2023.

Trong quý 1/2023, các chuyên gia SSI cho rằng lợi nhuận của các doanh nghiệp phân bón sẽ giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, DPM và DCM sẽ giảm nhiều nhất, do vào tháng 1/2022 cả hai doanh nghiệp đều có những đơn hàng xuất khẩu với mức giá rất cao (hơn 900 USD/tấn so với giá hiện tại là 480 USD/tấn).

SSI ước tính, năm 2023, lợi nhuận sau thuế của DPM và DCM đạt lần lượt 3.000 tỷ đồng (giảm 39% so với cùng kỳ) và 2.260 tỷ đồng (giảm 41%).

Bước sang năm 2023 ngành phân bón được dự báo sẽ tiếp tục đối diện các vấn đề nóng chưa hồi kết. Giá nguyên liệu thô tăng vọt, nguồn cung khí khan hiếm khắp từ Á sang Âu, chi phí đầu vào tăng đồng loạt thì không cách nào mà giá bán phân bón có thể giảm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo thời gian tới thị trường phân bón sẽ vẫn diễn biến phức tạp, khó lường về giá và nguồn cung. Đặc biệt với phân kali do Nga và Belarus cung cấp chiếm gần 50% trong tổng nhu cầu của toàn thế giới. Trong khi đó, với loại phân bón này Việt Nam lại hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Minh Vân

Theo Chất lượng và cuộc sống