Doanh nhân tiết lộ bí quyết: 'Đếm cua trong lỗ' để gọi vốn triệu USD
Ông Nguyễn Quang Thuân (FiinGroup) và ông Trần Vũ Quang (OnPoint chia sẻ khi tiến hành gọi vốn: người lãnh đạo cần không ngừng “đếm cua trong lỗ” để nắm bắt được giá trị hiện tại của DN. Phải biết món hàng của mình giá trị được tạo ra từ gì?
Xác định và tin tưởng vào giá trị doanh nghiệp
Tại buổi toạ đàm “Góc nhìn Quản trị - Hành trình tiếp cận vốn và thu hút nhân lực của doanh nghiệp tư nhân”, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phẩn FiinGroup, đã chia sẻ về tầm quan trọng của việc hiểu rõ giá trị thực sự của doanh nghiệp ngay từ giai đoạn đầu.
Ông ví von rằng doanh nghiệp giống như một món hàng mà mỗi ngày, người lãnh đạo cần phải không ngừng “đếm cua trong lỗ” để nắm bắt được giá trị hiện tại của nó. "Mình phải biết món hàng của mình giá trị được tạo ra từ gì? Ví dụ tại FiinGroup, tôi không trả cổ tức trong suốt nhiều năm qua vì mong muốn doanh nghiệp tăng trưởng bền vững."
Ông Thuân cho rằng, điều đầu tiên mà một nhà sáng lập hoặc lãnh đạo cấp cao cần xác định khi gọi vốn là xác định rõ giá trị doanh nghiệp của mình. Từ đó, điều chỉnh toàn bộ các chỉ tiêu KPI và hiệu suất để đảm bảo rằng mọi hoạt động đều hướng tới việc tối đa hóa giá trị này.
Yếu tố thứ hai mà ông Thuân nhấn mạnh là việc quyết định sử dụng vốn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp. Cuối cùng là tầm quan trọng của việc tìm kiếm và chọn lọc nhà đầu tư phù hợp với ngành nghề và giai đoạn phát triển của công ty.
“Trong mỗi ngành nghề đều có nhóm nhà đầu tư phù hợp với đặc thù của ngành đó và giai đoạn phát triển cụ thể. Người lãnh đạo doanh nghiệp phải giao lưu, tiếp cận và sàng lọc để tránh việc phải gặp, tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư mà không tìm được cơ hội phù hợp. Doanh nghiệp như món hàng, phải biết được phía cung và cầu.”
Đồng quan điểm, ông Trần Vũ Quang, Founder của OnPoint - nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ phát triển thương mại điện tử (E-commerce Enabler) cũng cho rằng, điều quan trọng trong quá trình gọi vốn là phải hiểu rõ và có niềm tin vững chắc vào tương lai doanh nghiệp của mình.
Ông nhấn mạnh: "Điều cần lưu ý thứ nhất khi tiếp xúc với các nhà đầu tư, họ sẽ có niềm tin hơn khi mà Founder, CEO hiểu rõ về doanh nghiệp của mình. Trong bất kỳ vòng gọi vốn nào, nhà đầu tư luôn chú trọng đến người sáng lập. Nếu Founder còn, mô hình doanh nghiệp còn”.
Thứ hai, bản thân các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng phải hiểu nhà đầu tư, nắm được khẩu vị của nhà đầu tư, cũng như xác định được nhà đầu tư nào sẽ hiểu được mô hình kinh doanh và giá trị của doanh nghiệp.
Những kinh nghiệm này được ông Trần Vũ Quang đúc kết sau 2 vòng gọi vốn của OnPoint với tổng số vốn huy động được là gần 50 triệu USD. Ông cho biết, ở vòng gọi vốn thứ 2, OnPoint huy động thành công hơn 40 triệu USD vào cuối năm 2021, thời điểm mà ngành thương mại điện tử đang đối mặt với sự sụt giảm nghiêm trọng của giá cổ phiếu, đặc biệt là cổ phiếu của công ty lớn như SEA (công ty mẹ của Shopee) đã có đà giảm 90%, làm vốn hoá công ty rơi từ 200 tỷ USD xuống 20 tỷ USD.
Kết quả, sau khi huy động vốn thành công, OnPoint vẫn phát triển tốt, không chỉ nhờ sự may mắn, mà còn nằm ở việc hiểu và tin vào mô hình kinh doanh của doanh nghiệp.
Thử thách sau gọi vốn
Việc gọi vốn thành công mới chỉ là bước đầu trong hành trình dài phát triển của doanh nghiệp. “Khi chưa gọi vốn, chúng ta trăn trở làm sao để huỷ động được vốn. Khi gọi vốn thành công, chúng ta trăn trở làm sao để sử dụng vốn hiệu quả nhất”, ông Trần Vũ Quang cho biết.
Theo ông, sau khi gọi vốn, điều quan trọng nhất là tìm được nhà đầu tư có cùng giá trị dài hạn với công ty. “Chúng tôi rất may mắn, trong quá trình đi tìm nhà đầu tư, chúng tôi tình cờ tìm được các đối tác đồng hành, có cùng giá trị dài hạn,” ông nói.Tại vòng gọi vốn Series B, nhà đầu tư của OnPoint là Seatown Private Capital Master Fund, một công ty con của Temasek với vòng đời quỹ lên đến 10 năm.
“Seatown không nghĩ rằng khi bỏ tiền đầu tư thì doanh nghiệp nhận vốn phải tăng trưởng bằng mọi giá, phải chạy theo các chỉ số tăng trưởng ngắn hạn. Họ nghĩ rằng điều gì doanh nghiệp làm và mang lại giá trị cho khách hàng, giúp doanh nghiệp trở nên tốt hơn sẽ mang lại giá trị cho cổ đông về sau,” ông chia sẻ.
Ngoài ra, ông Nguyễn Quang Thuân cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng vốn một cách hiệu quả và minh bạch trong quá trình vận hành doanh nghiệp sau khi nhận vốn đầu tư.
“Đầu tiên là sử dụng vốn hiệu quả. Đây là nguyên lý nếu không khi chúng ta thất vọng, nhà đầu tư cũng thất vọng,” ông nói.
Thứ hai là sử dụng vốn minh bạch để duy trì được niềm tin của nhà đầu tư, đặc biệt trong những tình huống rủi ro. “Khi doanh nghiệp minh bạch các hoạt động với HĐQT, với cổ đông, trong tình huống xấu xảy ra rủi ro, nhà đầu tư vẫn sẽ đồng cảm và doanh nghiệp sẽ có cơ hội để tái thiết. Đây là điều nhiều lãnh đạo doanh nghiệp không nhận thức được,” ông nhấn mạnh.
Ông Thuân cũng cảnh báo về rủi ro khi thế hệ lãnh đạo thứ hai tiếp quản doanh nghiệp quá nhanh, dẫn đến sự thất bại trong việc vượt qua các khủng hoảng. “Nếu mọi người nhìn vào các tập đoàn lớn, những thất bại vừa rồi ở doanh nghiệp bất động sản, doanh nghiệp xây dựng đều do chuyển giao thế hệ quá nhanh, thế hệ thứ hai vung tay quá mạnh, dẫn đến việc khi xảy ra khủng hoảng không có gì để chịu đựng, vượt qua được. Đây là điều đáng tiếc,” ông nói.
Chủ tịch FiinGroup kết luận rằng, tuỳ theo chiến lược và định hướng phát triển của doanh nghiệp, người lãnh đạo, người Founder phải lèo lái con thuyền 1 cách minh bạch và có trách nhiệm với những đồng vốn của đối tác.