Ông chủ mạnh tay tinh gọn, hàng nghìn nhân sự ngân hàng đồng loạt mất việc

Nhiều ngân hàng đang tái cấu trúc mạnh mẽ, tinh gọn bộ máy, cắt giảm nhân sự ở những vị trí truyền thống, ứng dụng AI rộng rãi trong xu hướng của số hóa.

Ngân hàng 'nóng' chuyện tinh gọn nhân sự

Vấn đề tinh giản nhân sự, nâng cao hiệu quả bộ máy, ứng dụng AI… được đưa ra tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) ở nhiều ngân hàng năm nay.

Tại ĐHĐCĐ ABBank năm 2025 mới đây, ông Vũ Văn Tiền - Phó Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) ABBank - cho biết, ABBank đã mạnh dạn thực hiện tinh giản bộ máy, có đơn vị cắt giảm tới 30-40% nhân sự. Quan điểm xuyên suốt là không thể tiếp tục duy trì một bộ máy cồng kềnh, thiếu hiệu quả trong kỷ nguyên số, khi yêu cầu đặt ra là một người có thể đảm đương công việc của nhiều người trước đây.

Theo báo cáo tài chính, năm 2024, ABBank giảm gần 170 nhân sự, còn 4.367 nhân viên tại thời điểm cuối năm 2024.

Tại ĐHĐCĐ 2025, Chủ tịch HĐQT Vietinbank Trần Minh Bình cho biết, nhà băng này đang triển khai chiến lược sắp xếp, tinh gọn hệ thống và sẽ là ngân hàng đầu tiên trong nhóm ngân hàng có vốn lớn Nhà nước thực hiện cắt giảm hệ thống giao dịch.

"VietinBank dự kiến cắt vài trăm điểm giao dịch và thay thế bằng nền tảng số để phục vụ khách hàng tốt hơn, tăng trải nghiệm. Đây là mục tiêu mà VietinBank đang đầu tư mạnh mẽ và sẽ thấy kết quả rõ rệt trong thời gian tới", ông Bình nhấn mạnh.

Một số ngân hàng khác cũng thông tin tại ĐHĐCĐ việc đang triển khai chiến lược sắp xếp, tinh gọn hệ thống.

Đáng chú ý, Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) đã thông tin về số lượng nhân viên hiện nay tại báo cáo tài chính quý I/2025.

LPBank là ngân hàng mạnh tay trong việc tinh gọn bộ máy nhân sự. Tính đến 31/3/2025, số lượng cán bộ nhân viên tại nhà băng này là 9.570 người, giảm tới 1.619 người (tương đương 14,46%) so với con số tại thời điểm 31/12/2024.

Trước đó, trong năm 2024, LPBank cũng cắt giảm mạnh tay hơn 600 người.

Ông chủ mạnh tay tinh gọn, hàng nghìn nhân sự ngân hàng đồng loạt mất việc - Ảnh 1

Tại ĐHĐCĐ vừa qua, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết, năm ngoái, số lượng nhân sự tại nhà băng này đã giảm dần qua từng quý, từ hơn 17.400 người xuống còn 17.058 người vào cuối năm.

Trong 5 năm gần đây, Sacombank chủ trương giảm nhẹ hoặc tinh giản nhân sự thay vì tuyển dụng mới quy mô lớn. Tính đến nay, số nhân viên của Sacombank thấp hơn khoảng 1.000 người so với thời điểm cuối năm 2019.

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh mới được Ngân hàng Nhà nước công bố, trong quý I/2025, có 32,5% tổ chức tín dụng cho biết đã tuyển dụng thêm lao động và 21,1% tổ chức tín dụng cho biết đã cắt giảm lao động.

Trong quý II/2025 cũng như cả năm 2025, 42-54% tổ chức tín dụng dự kiến tuyển dụng thêm lao động và 13-16% tổ chức tín dụng dự kiến cắt giảm lao động.

Nhiều ngân hàng đã thực hiện cắt giảm nhân sự từ vài năm trước và tiến hành mạnh mẽ từ cuối năm 2024.

Quy mô nhân sự của Sacombank cuối năm 2024 là 17.058 người, giảm 354 người so với cuối năm 2023. So với năm 2019, Sacombank giảm hơn 1.000 nhân sự trong 5 năm qua.

Năm ngoái, quy mô nhân sự của BIDV giảm đến 1.107 người. Đây cũng là năm chứng kiến quy mô nhân sự tại ngân hàng này giảm mạnh nhất trong gần một thập kỷ qua.

Tương tự, năm 2024, ACB cũng giảm 377 nhân sự, VIB giảm 476 người, Sacombank giảm khoảng 360 người.

Các ngân hàng tầm trung như TPBank, Nam A Bank, ABBank, Kienlongbank cũng giảm từ 50-60 nhân sự trong năm qua.

Các chuyên gia dự báo việc tái cấu trúc bộ máy tại các ngân hàng sẽ diễn ra mạnh hơn nữa vào năm nay trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ số khác được ứng dụng mạnh mẽ...

Ngân hàng cắt giảm nhân sự trước làn sóng chuyển đổi số

Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết sẽ ứng dụng số hóa vào quá trình hoạt động, tinh gọn hệ thống nhân sự. Việc tinh gọn bộ máy được đặt ra trong bối cảnh các nhà băng tìm cách tiết giảm chi phí đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua việc ứng dụng công nghệ.

Chủ tịch HĐQT VietinBank Trần Minh Bình cho biết năm nay, ngân hàng sẽ tăng tốc triển khai các dự án chiến lược nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng, trải nghiệm nhân viên và hiệu quả hoạt động toàn hệ thống. Trong đó, trọng tâm là đổi mới phương pháp quản lý chất lượng dịch vụ, thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng AI.

Bên cạnh đó, ngân hàng đang thử nghiệm mô hình contact center ứng dụng AI, có thể thay thế đến 70% nhân sự vận hành.

Ông chủ mạnh tay tinh gọn, hàng nghìn nhân sự ngân hàng đồng loạt mất việc - Ảnh 2

Báo cáo cổ đông tại ĐHĐCĐ năm 2025, lãnh đạo PVcomBank cho biết đã đẩy mạnh ứng dụng AI vào nhiều khâu như tăng cường nhận diện, giúp giao dịch nhanh chóng và chính xác hơn; nâng cao hiệu suất xử lý giao dịch thông qua hệ thống ngân hàng hợp kênh đáp ứng chuẩn mực quốc tế; nâng cao khả năng giám sát dịch vụ tự động từ hệ thống, giám sát ngăn ngừa các rủi ro…

Các ngân hàng cho biết đặc điểm chung của những vị trí được tinh giản là tính chất công việc thủ công, lặp lại, có thể tự động hóa cao như vận hành và giao dịch viên tại quầy. Ngân hàng dùng robot tự động hóa nhằm thay thế các tác vụ đơn giản, để nhân viên tập trung vào những công việc đòi hỏi sáng tạo và giá trị gia tăng cao hơn cho khách hàng.

Dự báo về nhân sự ngành ngân hàng trong thời gian tới, Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cho rằng xu hướng tinh gọn sẽ kéo dài ít nhất đến năm 2030, khi các nhà băng đạt mức độ tự động hóa tối ưu và tích hợp sâu các công nghệ mới như AI hay blockchain. Khi đó, nhiều chức danh công việc hoàn toàn có thể thay bằng AI và robot. Những bộ phận chịu ảnh hưởng nhiều nhất là giao dịch truyền thống, xử lý hồ sơ thủ công và một phần quản trị hành chính.

Một báo cáo của Citigroup cho biết AI có khả năng thay thế nhiều việc làm trong ngành ngân hàng hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác. Tổ chức này ước tính khoảng 54% vị trí trong ngành ngân hàng có nguy cơ cao bị tự động hóa.

Với sự phát triển không ngừng, hiện hầu hết nghiệp vụ ngân hàng đều có thể ứng dụng AI để xử lý, từ khối hành chính như tự động điền biểu mẫu, phân tích dữ liệu, phát hiện gian lận, đề xuất sản phẩm dựa trên lịch sử giao dịch hay khối vận hàng như sinh trắc học để xác thực, trợ lý ảo hỗ trợ khách hàng, tự động hóa quy trình xử lý tài liệu,... Nhờ vậy ngân hàng hoàn toàn có thể hoạt động hiệu quả hơn với quy mô tinh gọn hơn.

Biến động nhân sự ngành ngân hàng gần đây cũng được xem là chuông báo động cho những người sắp bước vào ngành. Những sinh viên hoặc nhân sự có ý định chuyển ngành buộc phải trang bị thêm kỹ năng mới hoặc nâng cấp kỹ năng cũ để thích ứng với đòi hỏi ngày càng cao của các ngân hàng.

"Tuy nhiên, số hóa cũng mở ra nhu cầu lớn về nhân sự chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ, phân tích dữ liệu và thiết kế trải nghiệm khách hàng", Tổng giám đốc TPBank cho hay.

Theo lãnh đạo các ngân hàng, làn sóng cắt giảm nhân sự trong xu hướng chuyển đổi số là quá trình phát triển tất yếu dưới sự tác động của số hóa. Việc tinh gọn không phải diễn ra một cách cơ học. Ngân hàng vẫn tuyển dụng các vị trí quan trọng nhằm thúc đẩy kinh doanh, ưu tiên nhân sự có kỹ năng ứng dụng công nghệ vào công việc.

TS. Châu Đình Linh, Đại học Ngân hàng TP.HCM, nhìn nhận, tinh gọn bộ máy là xu hướng tất yếu, không chỉ là ngành ngân hàng mà ở tất cả ngành khác. Một tổ chức hiệu quả là khi giữ nguyên đầu ra nhưng tối thiểu hóa đầu vào hoặc tối đa hóa đầu ra với cùng một lượng đầu vào. Một số ngân hàng áp dụng cả hai, nghĩa là cùng một kết quả nhưng với ít nhân sự hơn, giúp tinh gọn bộ máy, tối ưu chi phí và nâng cao tỷ suất sinh lợi. Doanh thu của ngân hàng đến từ lãi và phi lãi, trừ đi chi phí hoạt động và nhân sự, nên khi cắt giảm hợp lý, tỷ suất lợi nhuận sẽ tăng.

Minh Dũng

Theo Vietnamfinance