Chạy KRX, thị trường chứng khoán mong T+0, bán khống và phái sinh

Ông Lê Quang Chung (AAS) cho rằng cơ quan quản lý cần nhanh chóng nghiên cứu, ban hành quy định pháp lý và triển khai các sản phẩm mới như T+0, bán khống và phái sinh để hiện thực hoá kỳ vọng từ hệ thống KRX.

KRX chính thức vận hành, sản phẩm mới vẫn tiếp tục chờ

Nhằm theo kịp tốc độ phát triển nhanh chóng của thị trường chứng khoán, hệ thống công nghệ thông tin mới KRX đã chính thức được đưa vào vận hành sau nhiều năm trì hoãn. Đây được xem là bước ngoặt mang tính lịch sử về công nghệ đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hệ thống mới được đánh giá sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội và khác biệt so với trước đây, do đó, các thành viên thị trường cũng như nhà đầu tư cần chủ động tìm hiểu để thích ứng, từ đó đảm bảo quá trình đầu tư diễn ra thuận lợi và hiệu quả hơn.

Ông Lê Quang Chung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Smart Invest (AAS), nhận định việc hệ thống KRX đi vào vận hành là một bước tiến lớn và đáng ghi nhận đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ông Lê Quang Chung và ông Trần Thăng Long tại Talkshow Phố Tài chính  
Ông Lê Quang Chung và ông Trần Thăng Long tại Talkshow Phố Tài chính  

“Sau nhiều năm chờ đợi và những lần trì hoãn, sự kiện này không chỉ giúp thị trường tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế về công nghệ giao dịch, mà còn góp phần giải tỏa tâm lý kỳ vọng kéo dài của nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh các kế hoạch triển khai trước đó không thành hiện thực”, ông Chung chia sẻ.

Tuy nhiên, việc hệ thống chính thức vận hành vẫn chưa đi kèm với các sản phẩm hay chính sách mới như kỳ vọng. Dù vậy, ông Chung nhấn mạnh, việc vận hành trước để hoàn thiện dần hệ thống là hướng đi tích cực, thay vì tiếp tục trì hoãn trong tình trạng thiếu chắc chắn về thời điểm triển khai.

Về dài hạn, hệ thống KRX được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả xử lý giao dịch, mở đường cho các công cụ giao dịch mới như T+0, bán khống và các sản phẩm phái sinh – những yếu tố đã được áp dụng rộng rãi trên các thị trường phát triển.

Dẫn chứng từ thị trường quốc tế, dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Đài Loan (TWSE) cho thấy việc áp dụng giao dịch T+0 vào năm 2020 đã giúp khối lượng giao dịch tăng khoảng 45%, cho thấy tác động tức thời tới thanh khoản. Tại Hàn Quốc, việc đưa vào vận hành hệ thống công nghệ mới EXTURE từ năm 2009 cũng đã giúp khối lượng giao dịch tăng gấp ba lần.

Những ví dụ này cho thấy vai trò then chốt của công nghệ trong việc thúc đẩy hiệu quả và thanh khoản thị trường. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhà đầu tư tại Mỹ cũng từng sử dụng bán khống như một công cụ phòng vệ danh mục, giảm thiểu tổn thất khi thị trường lao dốc. Theo ông Chung, đây là bài học quý giá để Việt Nam tham khảo khi xây dựng các công cụ tương tự.

TS Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), cho rằng thị trường chứng khoán luôn là một trong những lĩnh vực năng động nhất trong việc tiếp nhận và triển khai công nghệ mới. Việc tích hợp thêm nhiều sản phẩm trên nền tảng hệ thống KRX không chỉ giúp tăng tần suất giao dịch, mà còn góp phần thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư nước ngoài.

“Quốc gia nào cũng phải trải qua quá trình nâng cấp từ thị trường cận biên lên mới nổi, hoặc từ mới nổi lên phát triển, và trong lộ trình đó, việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ là yếu tố bắt buộc. Điều này giúp họ thu hút được dòng vốn lớn từ các nhà đầu tư tổ chức quốc tế nhờ việc đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu”, TS Long nhận định.

Dù trong giai đoạn đầu sẽ chưa có những công cụ giao dịch mới được đưa vào, nhưng việc KRX chính thức đi vào hoạt động sẽ tạo ra nền tảng chuẩn bị cho những phương thức và các công cụ giao dịch mới sau này dựa trên hệ thống công nghệ mới này.

Đòn bẩy công nghệ trong lộ trình nâng hạng

Một trong những kỳ vọng lớn nhất từ việc đưa hệ thống KRX vào vận hành là giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu nâng hạng – điều đang được giới đầu tư đặc biệt quan tâm.

TS Trần Thăng Long cho biết, hai tổ chức xếp hạng thị trường lớn là FTSE và MSCI có tiêu chí đánh giá khác nhau. Với FTSE, theo trao đổi giữa đại diện BSC và tổ chức này, KRX không phải là điều kiện tiên quyết trong việc nâng hạng thị trường Việt Nam, nhưng vẫn được xem là một yếu tố quan trọng.

Trong khi đó, MSCI lại dành sự quan tâm tới hệ thống công nghệ mới KRX, xem đây là yếu tố tiên quyết trong quá trình xem xét nâng hạng. Nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của MSCI, thị trường Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút dòng vốn quy mô lớn từ các quỹ đầu tư quốc tế.

“Việc đưa KRX vào vận hành đồng nghĩa với việc chúng ta đã tiến thêm một bước quan trọng trong lộ trình nâng hạng thị trường. Đây là tín hiệu tích cực giúp Việt Nam tiệm cận các tiêu chí đánh giá của MSCI trong thời gian tới”, TS Long nhấn mạnh.

Ông cũng đề xuất cần sớm có các văn bản hướng dẫn triển khai cụ thể, bởi khi hệ thống mới đi vào hoạt động, hàng loạt quy trình, nghiệp vụ và thao tác trên thị trường sẽ thay đổi. Các công ty chứng khoán – lực lượng trực tiếp vận hành và hỗ trợ nhà đầu tư – cần được hướng dẫn bài bản để đảm bảo khả năng thích ứng kịp thời.

Về phía ông Lê Quang Chung, chuyên gia này cho rằng để biến kỳ vọng thành hiện thực, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bên tham gia thị trường. Cơ quan quản lý cần nhanh chóng nghiên cứu, ban hành quy định pháp lý và triển khai các sản phẩm mới như T+0, bán khống và phái sinh trên nền tảng KRX.

Hải Đường

Theo VietnamFinance