Doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục tăng, bảo hiểm nhân thọ giảm
Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 38,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2%; lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt gần 70,3 nghìn tỷ đồng, giảm 10,5%.
Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng doanh thu phí bảo hiểm quý 2/2024 ước đạt 55,6 nghìn tỷ đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 109,1 nghìn tỷ đồng, giảm 3,8%, trong đó: Doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 38,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2%; lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt gần 70,3 nghìn tỷ đồng, giảm 10,5%.
Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 41,3 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023; tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 795,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3%; tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 951,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1%; tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm tăng 13,1%.
Trước đó, theo số liệu từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tính tới hết tháng 5/2024, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 948.408 tỷ đồng, tăng +8,83% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đạt 136.030 tỷ đồng và doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đạt 812.378 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 787.514 tỷ đồng, tăng 8,69% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 73.440 tỷ đồng và các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 714.101 tỷ đồng. Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 635.125 tỷ đồng, tăng +7,8% so với cùng kỳ. Đồng thời, tổng nguồn vốn chủ sở hữu cũng tăng 10,2%, ước đạt 201.946 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 87.844 tỷ đồng, giảm 4,08% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ ước đạt 31.963 tỷ đồng, tăng 11%; song lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 55.881 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ. Cùng với đó, chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 34.435 tỷ đồng, tăng 22,01% so với cùng kỳ, trong đó doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là 8.630 tỷ đồng, còn các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là 25.805 tỷ đồng.
Tại hội thảo “Khôi phục niềm tin ngành bảo hiểm nhân thọ: Tầm nhìn & Giải pháp” do Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tổ chức mới đây, theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến tháng 03/2024, tổng tài sản toàn ngành bảo hiểm nhân thọ ước đạt 801.307 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng số tiền đầu tư ước đạt 703.031 tỷ đồng, tăng 8,7%; tổng dự phòng nghiệp vụ đạt 581.857 tỷ đồng, tăng 6,5%; vốn chủ sở hữu đạt 159.409 tỷ đồng, tăng 10,8%. Đáng chú ý, tổng chi trả quyền lợi bảo hiểm trong quý I/2024 đạt 15.483 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ 2023.
Hiện nay, khuôn khổ pháp lý về kinh doanh bảo hiểm được hình thành đầy đủ và đồng bộ, đảm bảo môi trường pháp lý công khai, minh bạch và bình đẳng cho các doanh nghiệp bảo hiểm thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động trên thị trường. Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2022 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2023 cùng các văn bản Nghị định, Thông tư hướng dẫn cũng đã được hoàn thiện đồng bộ để tạo cơ sở cho thị trường bảo hiểm Việt Nam minh bạch, chuyên nghiệp.
Ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, trong thời gian qua các doanh nghiệp bảo hiểm đã cải tiến sản phẩm sao cho dễ hiểu, dễ tiếp cận hơn với người dân; cải tiến các quy trình nghiệp vụ giúp việc thẩm định phát hành hợp đồng bảo hiểm; giải quyết quyền lợi bảo hiểm được nhanh chóng, thuận tiện hơn cho khách hàng; nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn cũng như kiểm soát chất lượng tư vấn; nâng cao trải nghiệm khách hàng để mang lại giá trị gia tăng về sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm.